Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Thứ Sáu, 12/08/2022, 18:15 - Chia sẻ

Chiều 12.8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”, Đoàn giám sát đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành đầy đủ các chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn 2016 – 2021 và cho từng năm; đã chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 35 văn bản quy phạm pháp luật, ban hành 89 thông tư và 6 thông tư liên tịch, xây dựng nội dung để các bộ khác hoàn thiện và ký ban hành 13 thông tư, 1 nghị định về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phối hợp với các bộ, ngành ban hành 21 thông tư, thông tư liên tịch, ban hành 63 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mới. Trong giai đoạn 2016 – 2021, Bộ đã tiết kiệm được 107,847 tỷ đồng, giảm 72 người (tỷ lệ 10,08%) đối với biên chế hành chính, giảm 220 người (giảm 10,11%) đối với biên chế viên chức được giao năm 2021 so với năm 2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Bộ có lúc còn hình thức, chưa xác định được lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đặc thù của các đơn vị để có chương trình hành động thiết thực. Có tình trạng chậm xử lý tài sản hình thành từ các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Các quy định về đấu thầu, mua sắm, quản lý tài chính, chứng từ có một số nội dung không phù hợp với hoạt động của khoa học - công nghệ, dẫn đến cá nhân, tổ chức mất thời gian tuân thủ thay vì dành thời gian nghiên cứu, cũng là một hình thức lãng phí nguồn lực…

Đoàn giám sát cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiêm túc đánh giá về một số tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, việc Bộ chưa cụ thể hóa được các tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Trung ương, dẫn đến việc xác định số liệu đưa vào chỉ tiêu báo cáo còn khó khăn, lúng túng, thiếu sự thống nhất giữa các đơn vị. Mặt khác, có những dự án, công trình còn lãng phí về nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên, tài sản công, có những dự án khu công nghệ cao với hàng trăm ha đất kéo dài nhiều năm chưa đưa vào khai thác, sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả nhưng Bộ chưa thanh tra, kiểm tra chuyên sâu để có giải pháp xử lý kịp thời. Báo cáo của Bộ cũng mới chỉ dừng lại ở việc khái quát tình hình ban hành các giải pháp đổi mới tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức, chưa tập trung đánh giá rõ kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác này. 

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, việc lượng hoá kết quả tiết kiệm, chống lãng phí ở các bộ, ngành khác đã khó, với ngành khoa học, công nghệ lại càng khó hơn, bởi đây là lĩnh vực đặc thù, không phải nhiệm vụ, chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ nào cũng thành công. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện lại báo cáo, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp, mâu thuẫn; cố gắng tối đa đưa ra những nhận định, số liệu chính xác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bóc tách các ưu điểm nổi bật, cách làm hay trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021. Cùng với đó, cần làm rõ những khuyết điểm, tồn tại trong các vấn đề, như: ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật định mức bởi đây là thước đo để xác định xem có thực sự tiết kiệm hay không. Đánh giá kỹ hơn việc lập, thẩm định phê duyệt, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước; việc lập, phê duyệt các dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; về quản lý tài sản công; quản lý sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ; quản lý doanh nghiệp khoa học trực thuộc nhà nước, việc sắp xếp nhà đất của Bộ… Cung cấp thêm cho Đoàn giám sát các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và kết quả khắc phục của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc
#