Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 - 6.2022:

Khẩn trương xem xét, chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền

- Thứ Hai, 11/07/2022, 13:41 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Mười ba, sáng nay, 11.7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 6.2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 5.2022).

Khẩn trương xem xét, chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền -1
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cử tri tin tưởng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Trình bày Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Ba và cho rằng Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở chất lượng, nội dung của Kỳ họp; thể hiện rõ sự đổi mới trong xây dựng một Quốc hội “Trí tuệ - Đoàn kết - Đổi mới - Trách nhiệm”, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid-19. Cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi và đánh giá cao hoạt động chất vấn của Quốc hội về 4 nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế đất nước. Qua chất vấn, Chính phủ và thành viên của Chính phủ đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, cử tri hết sức tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện 4 chuyên đề giám sát trong năm 2023 và mong muốn thông qua hoạt động giám sát sẽ có những đánh giá khách quan, toàn diện hơn về lĩnh vực giám sát; xác định điểm nghẽn về thể chế cũng như việc tổ chức thực hiện để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức, thực hiện; xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu có.

Cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6.7.2022 để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ, theo đó đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm lo lắng về tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao đã kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân;  việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại một số đô thị, khu dân cư không đồng bộ với các quy hoạch khác đã được phê duyệt trước đó gây quá tải hạ tầng giao thông, thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích tại một số dự án; vướng mắc trong việc xác định giá trị sử dụng đất và phương án sắp xếp, sử dụng đất đai gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; việc sử dụng tài sản công, nhất là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trái quy định gây thất thoát tài sản nhà nước…

Khẩn trương xem xét, chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền
Ảnh: Lâm Hiển

Địa phương cũng phải vào cuộc

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Ban Dân nguyện. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kết cấu của Báo cáo tập trung vào tháng 5 và tháng 6 nhưng có phần nhìn lại 6 tháng đầu năm và đã đánh giá được những vấn đề nào thực sự có chuyển biến, tích cực, vấn đề nào chưa có chuyển biến và có kiến nghị, đề xuất cụ thể. Trên cơ sở Báo cáo cũng như các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện thêm thành Báo cáo chính thức để gửi tới Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, các đại biểu Quốc hội và cơ quan liên quan.

Khẩn trương xem xét, chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền -0
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, thực tế hiện nay đang có nhiều vấn đề nổi lên được dư luận quan tâm, cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là lo lắng trong vấn đề an ninh, y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chính phủ cũng đã có những phản ứng rất quyết liệt. Báo cáo của Ban Dân nguyện nên có kiến nghị, đề xuất ngoài chức năng giám sát của Quốc hội thì với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp nên làm gì, bởi bên cạnh các bộ, ngành thì địa phương cũng phải vào cuộc.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Báo cáo đã phản ánh ý kiến của cử tri và nhân dân về Kỳ họp thứ Ba, sự thành công của Kỳ họp, sự tin tưởng của Nhân dân vào hoạt động của Quốc hội; tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; nêu được những vấn đề nổi cộm cử tri và Nhân dân quan tâm, băn khoăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Báo cáo công tác dân nguyện đã đi vào nề nếp. 

Khẩn trương xem xét, chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền -1
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 năm 2022 của Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội lưu ý về thời gian, bảo đảm báo cáo công tác dân nguyện đúng thời hạn để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh tiếp tục theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình, tâm tư nguyện vọng của cử tri trên địa bàn để báo cáo với Quốc hội. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào báo cáo về những vấn đề có liên quan để khẩn trương xem xét, chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền. Ban Dân nguyện tiếp tục khẩn trương cử Đoàn giám sát chuyên đề hoàn thiện Báo cáo và chuẩn bị làm việc với một số bộ, ngành, địa phương. Về các vụ việc cụ thể đã được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến cần báo cáo rõ tiến độ; đối với công tác bổ sung Báo cáo, cần có đánh giá so sánh với thời kỳ trước, nhìn lại 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 1 năm.

Thụy Vũ