Hà Nội quyết tâm thực hiện hiệu quả dự án đường Vành đai 4

- Thứ Hai, 27/06/2022, 14:50 - Chia sẻ

Ngày 27.6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các ĐBQH thành phố đã tiếp xúc cử tri huyện Đông Anh và 2 quận Hoàn Kiếm, Long Biên, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu trên địa bàn các quận, huyện.

Không để xảy ra tiêu cực trong triển khai đường Vành đai 4

Mở đầu buổi tiếp xúc, ĐBQH Hà Nội Bùi Huyền Mai đã báo cáo nhanh tới cử tri về kết quả Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Tiếp đó, ĐBQH Trương Xuân Cừ trình bày báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận, huyện.

Đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Ba, cử tri Lê Minh Hà (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, trong các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, cử tri rất quan tâm đến dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là bước tiến quan trọng để thể chế hóa, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, cần điều chỉnh phạm vi, đối tượng áp dụng; xem xét làm rõ những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.

Hà Nội quyết tâm thực hiện có hiệu quả dự án đường Vành đai 4

 -0
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Riêng đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều cử tri kiến nghị, cần nghiên cứu, xem xét kỹ những vấn đề liên quan đến tự chủ trong bệnh viện công, việc liên kết khám, chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi người bệnh... Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, một mặt xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ ngành Y tế, mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Y tế “vừa hồng, vừa chuyên".

Bên cạnh đó, cử tri 3 quận, huyện kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét kỹ lộ trình tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân; có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, bảo đảm đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh; bỏ quy định dành 20% diện tích trong các dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, thay bằng các dự án tập trung nhằm tránh sự manh mún, phân tán…

Các ý kiến cũng đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để hạn chế những bất cập trong giá đất, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cũng như giải quyết vướng mắc triển khai các dự án đầu tư công, khai thác tốt hơn nguồn lực đất đai.

Đặc biệt, nhiều cử tri bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; mong muốn dự án trọng điểm quốc gia này sớm được triển khai với tinh thần mẫu mực, chất lượng, hiệu quả, không có tham nhũng, tiêu cực để các công trình khác thực hiện theo.

Đường Vành đai 4 sẽ kéo giãn mật độ dân cư nội đô

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời cử tri.

Trao đổi về các ý kiến cử tri nêu, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV diễn ra rất sôi nổi, khẩn trương, khoa học và trách nhiệm cao. Dù chỉ diễn ra trong 19 ngày, nhưng Quốc hội đã xem xét một khối lượng lớn công việc: Thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật và nhiều nội dung quan trọng khác. Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, tranh luận quyết liệt và thông qua với sự đồng thuận rất cao. "Riêng Đoàn ĐBQH thành phố đã đóng góp 107 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường; trong đó có 19 lượt đại biểu tham gia chất vấn, tranh luận sôi nổi. Nhiều ý kiến của Đoàn đã được Quốc hội tiếp thu, tổng hợp, đưa vào nghị quyết", Bí thư Thành uỷ cho biết.

Hà Nội quyết tâm thực hiện có hiệu quả dự án đường Vành đai 4

 -0
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc

Nhấn mạnh một trong những kết quả nổi bật của kỳ họp lần này chính là việc Quốc hội đã thông qua 5 dự án giao thông có ý nghĩa rất lớn, trong đó có Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. "Đây là dự án đặc biệt quan trọng với Thủ đô, không chỉ mở rộng không gian phát triển, mà còn tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư nội đô, giúp giải bài toán quá tải hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ", Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.

Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định thành phố đã thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện một cách mẫu mực. Trong đó, thành phố sẽ giải phóng toàn tuyến từ 90 đến 120m chiều ngang; đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô, chuyển tuyến đường sắt từ Yên Viên đến ga Hà Nội hiện nay thành tuyến đường sắt đô thị… Bí thư Thành uỷ đề nghị, thời gian tới, cán bộ, cử tri và nhân dân các quận, huyện, trong đó có hai quận Hoàn Kiếm, Long Biên, huyện Đông Anh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; quyết tâm đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển năm 2022; phối hợp thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn của thành phố, nhất là đầu tư tập trung, tạo bước đột phá về giáo dục, y tế, văn hóa; triển khai hiệu quả việc tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19 và phòng, chống các dịch bệnh khác… Riêng đối với huyện Đông Anh, cùng với quyết tâm lên quận, huyện phải tư duy trở thành thành phố tương lai để triển khai đầu tư một cách bài bản, căn cơ, tức là phải bắt đầu từ quy hoạch, bảo đảm liên thông khi trở thành thành phố phía Bắc.

"Các địa phương tập trung rà soát, thực hiện nghiêm Nghị quyết của HĐND thành phố về thu hồi các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ theo quy định; khai thác hiệu quả, từng bước khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực từ đất", Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị. 

Phi Long
#