Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023:

Góp phần tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành và thực hiện pháp luật

- Thứ Ba, 27/09/2022, 10:53 - Chia sẻ

Tham luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 sáng nay, 27.9, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã có những đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện trách nhiệm giám sát. Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề đang được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm; Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, có ý kiến cụ thể ngay từ bước chuẩn bị ban đầu và trong cả quá trình giám sát.

Góp phần tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành và thực hiện pháp luật -0
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đoàn giám sát đã nêu những nội dung, yêu cầu báo cáo toàn diện, đi sâu vào một số vấn đề được cử tri, Nhân dân quan tâm. Nhiều vấn đề nóng đã được đặt ra để các địa phương giải trình, qua đó nhận diện được những tồn tại, bất cập xảy ra trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác xử lý đơn thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các địa phương. Đoàn giám sát đã truy tới cùng việc làm lãng phí trong đầu tư công, sử dụng ngân sách, sử dụng nguồn lực huy động trong xã hội…

Hoạt động giám sát chuyên đề tối cao này của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của Đoàn giám sát đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra.

Đoàn giám sát tuân thủ nguyên tắc giám sát, có phương pháp làm việc khoa học, ý thức trách nhiệm cao. Qua kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã có nhiều kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật thuộc nội dung giám sát và liên quan trong thời gian tới.

Có thể nói, "hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao", ông Trần Văn Minh khẳng định.

Tuy nhiên, do hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy mô lớn, phạm vi rộng, trong giai đoạn dài nhiều năm, với nhiều chỉ tiêu cụ thể, chi tiết trong khi thời gian thực hiện nhiệm vụ giám sát tại các đơn vị có hạn nên một số đơn vị được giám sát có những khó khăn nhất định trong quá trình thống kê, tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo; một số mẫu biểu, đề cương chưa phù hợp với đơn vị có tính chất đặc thù.

Tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải

Nhất trí với các chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn đưa vào Kế hoạch giám sát năm 2023, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo hoạt động giám sát trong năm 2023 như sau:

Tiếp tục phát huy kết quả công tác giám sát năm 2022, tăng cường hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh. Thông qua hoạt động giám sát để tiếp tục phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm hoạt động quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực được giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được giám sát nói riêng.

Quán triệt sự thông suốt về chủ trương, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành, địa phương về trách nhiệm giải trình đối với nội dung, chương trình giám sát chuyên đề mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị, khi xây dựng kế hoạch giám sát thì cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì cần khảo sát kỹ và lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm trọng điểm, trong đó, cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải.

Quan tâm chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xây dựng đề cương, biểu mẫu báo cáo cho phù hợp, có tính khả thi, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của hoạt động giám sát.

Thanh Chi
#