Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đóng góp nhiều ý kiến vào 2 dự án luật

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 16:41 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, chiều 26.5, dưới sự điều hành của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, các đại biểu Quốc hội tổ 11 (Bắc Giang, Nghệ An, Khánh Hòa) thảo luận các dự án luật: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

1653612427231_20220526181707.jpeg -0
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) thảo luận tại tổ

Qua nghiên cứu các dự thảo luật, Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Xã hội, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng 2 dự án luật này. Nội dung dự thảo 2 dự án luật đã thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực thanh tra và lĩnh vực y tế; các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực này và bảo đảm phù hợp với thực tiễn để khi ban hành sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Tại buổi thảo luận có 11 ý kiến phát biểu. Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn cho rằng, một số điều khoản sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật chưa đánh giá đầy đủ tác động đối với xã hội và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh. Theo dự thảo luật, hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chia thành 3 cấp mà không phân biệt của Nhà nước hay tư nhân, không gắn với đơn vị hành chính mà sẽ theo hướng cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. 

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá đầy đủ hơn việc đổi mới này sẽ có tác động cụ thể như thế nào đối với quản lý của Nhà nước, cũng như đối với tổ chức và hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là đối với nhân dân, đặc biệt là những người yếu thế, người nghèo, người dân ở vùng khó khăn. 

Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa cụ thể hóa đầy đủ chủ trương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có thị trường dịch vụ y tế nói chung, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nói riêng và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy thị trường dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Về nguyên tắc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị sửa đổi, bổ sung để thể hiện đầy đủ, rõ ràng hơn một số chính sách của Nhà nước về khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy thị trường dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phát triển; tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước đầu tư vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà  (Bắc Giang) đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm Trợ giúp viên pháp lý được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép.

Góp ý nội dung xây dựng, ban hành Định hướng chương trình thanh tra hằng năm, kế hoạch thanh tra trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, dự thảo Luật có quy định chậm nhất vào ngày 25.10 hằng năm, căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của bộ, tỉnh. Đại biểu cho rằng, việc quy định ban hành kế hoạch trước ngày 25.10 sẽ có thể trùng đối tượng bị thanh tra giữa thanh tra của bộ và thanh tra cấp tỉnh. Do vậy đề nghị, nên quy định cấp bộ ban hành kế hoạch thanh tra trước sau đó đến UBND tỉnh ban hành chậm hơn (khoảng 15 ngày) để tránh trùng lặp đối tượng thanh tra. 

Ngoài ra, trong Dự thảo Luật còn thiếu vắng các quy định để người dân tham gia trực tiếp, gián tiếp vào hoạt động thanh tra. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên thiết kế thêm phương án để nhân dân tham gia trong Dự thảo Luật vào hoạt động thanh tra, nhất là vấn đề tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong hoạt động thanh tra để cung cấp thông tin cho cơ quan thực thi pháp luật.

Thảo Anh