Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên:

Tắc đâu phải thông đấy!

- Thứ Tư, 16/03/2022, 11:59 - Chia sẻ
Giải pháp nào bảo đảm lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực công thương sáng nay, 16.3.

Trả lời các chất vấn của đại biểu về tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hiện tượng hàng hóa ùn ứ cho thấy chiến lược sản xuất của chúng ta còn luẩn quẩn, có nhiều bế tắc. Song, Bộ trưởng cho biết, trong 2 năm qua, Bộ Công thương đã không dưới 3 lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, bám sát tín hiệu thị trường.

Khẳng định nếu vẫn giữ cách làm cũ “có gì làm nấy, có gì bán nấy” thì sẽ bị động, Bộ trưởng đề nghị, ngành nông nghiệp cần quy hoạch lại vùng trồng, xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất theo nhu cầu từng thị trường. "Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn các tổ chức hiệp hội, ngành hàng để nắm bắt nhu cầu, thói quen tiêu dùng từng thị trường, góp phần chuyển từ sản xuất tiểu ngạch sang chính ngạch", Bộ trưởng cho biết.

Nêu rõ chuyển từ sản xuất tiểu ngạch sang chính ngạch là câu chuyện lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy!". Bộ Công thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các "vùng xanh" an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...

Tất nhiên, về lâu dài, theo Bộ trưởng, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Ảnh: Hồ Long

Đặt vấn đề về nhóm giải pháp thích ứng với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc trước tình trạng ùn ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) gợi mở, chúng ta cần mở thêm nhiều thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với khả năng thích ứng của mình đối với chính sách nhập khẩu hàng hóa của các nước. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết có bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi, thông suốt, ổn định, an toàn và đạt được mong muốn đề ra hay không?

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 16 hiệp định đã có hiệu lực, gần đây nhất là hiệp định RCEP của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác. Hàng hóa của Việt Nam đã đến được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, để hưởng được lợi ích của 16 Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là "sản phẩm hàng hóa cho chúng ta có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không thì lại là những câu hỏi không thể chỉ đặt ra với Bộ Công thương mà phải đặt ra với các ban, ngành và với các doanh nghiệp và người sản xuất", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được câu hỏi sản xuất gì, bán đi đâu và bán cho ai? Nhưng bây giờ chúng ta vẫn "làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, đây là vấn đề khó". Để nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới, theo Bộ trưởng, cần lưu ý một số vấn đề. Đó là sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường; đồng thời, phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên, hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.

Một hiện tượng khác liên quan đến sản xuất, lưu thông nông sản được ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đề cập, đó là trong thời gian qua, nhất là sau khi dịch bệnh Covid - 19 bùng phát đợt thứ 4, giá cả các mặt hàng đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, có những mặt hàng tăng 100%, trong khi giá đầu ra giảm, ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, đời sống người dân vùng sản xuất nông nghiệp càng khó khăn hơn. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp bình ổn giá đầu vào sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về giá vật tư phân bón, hàng hóa đầu vào sản xuất nông nghiệp, nếu giữ bình ổn giá xăng dầu có thể hi vọng bình ổn giá nhiều loại hàng hóa khác. "Nếu có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ khác nghiên cứu hỗ trợ đối tượng tham gia sản xuất, lưu thông nông sản, cũng hỗ trợ đối tượng dễ tổn thương vượt qua cơn bĩ cực". Khẳng định khó khăn này là điều không ai mong muốn, thế giới cũng mong sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, nhưng trong điều kiện hiện nay, Bộ trưởng cam kết, sẽ phối hợp với các bộ liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn.

Lê Bình