Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Góp ý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

- Thứ Hai, 25/04/2022, 16:48 - Chia sẻ
Chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV, chiều 25.4, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Phương

Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Quốc hội Khoá XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai. Mục đích của việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo khung pháp lý mới để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh; khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động điện ảnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ và hội nhập quốc tế. Đến nay, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa lần cuối Dự thảo và gửi cho Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố để lấy ý kiến góp ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba. 

Tham dự hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý tập trung vào các vấn đề còn nhiều băn khoăn về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh; việc sản xuất, phổ biến, phát hành phim, kiểm duyệt phim, phân loại phim; nghĩa vụ của các nhà sản xuất phim… Cụ thể, về việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, chọn phương án 1 là quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Lý do là, kịch bản và phân cảnh bằng tiếng Việt thể hiện chi tiết, cụ thể nội dung cần quay hình trong bối cảnh Việt Nam, đồng thời trong công tác phối hợp quản lý.

Về vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần truyền thông điện ảnh Sài Gòn cũng đồng tình với phương án 1 là quy định kịch bản tóm tắt. Bởi, trên thực tế các nhà sản xuất phim không muốn công bố kịch bản phim trước khi chiếu, có rất nhiều trường hợp trong quá trình quay phim còn có sự sửa đổi, bổ sung kịch bản. Chưa kể, sau khi sản xuất phim còn có bộ phận kiểm duyệt nên không cần phải yêu cầu kịch bản đầy đủ.

Nhiều ý kiến cũng đồng ý với phương án 1, song đề nghị cần điều chỉnh để phù hợp và thuận lợi hơn cho đối tác. Theo đó, để sản xuất một bộ phim việc sửa kịch bản là rất bình thường, nên nếu yêu cầu kịch bản chi tiết thì sau khi thay đổi đối tác sẽ mất rất nhiều thời gian để xin đi xin lại.

Góp ý về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh, theo đại diện Sở Tài chính, Luật Điện ảnh năm 2006 đã có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, song cho đến nay vẫn chưa thành lập được. Tuy nhiên, điện ảnh là một ngành có tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư, vì vậy cần cân nhắc thành lập Quỹ để tạo hành lang pháp lý, công cụ hỗ trợ cho việc phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ cần có nguồn thu hoạt động và độc lập vốn điều lệ.

Đồng tình với phương án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh, đại diện Hội Điện ảnh cho rằng, Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh có vai trò rất quan trọng và cần thiết được thành lập. Quỹ sẽ góp phần hỗ trợ các nhà làm phim trẻ còn gặp khó khăn, cũng như thực hiện công tác đào tạo… từ đó góp phần phát triển tốt hơn nữa cho nền điện ảnh.

Kết luận hội thảo, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu. Theo đó, những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã giúp Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), cũng như đề xuất các phương án hợp lý, những quy định cần điều chỉnh để khi Luật Điện ảnh được thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển điện ảnh trong thời gian tới.

Nhật Phương