Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV:

Cần phương án lâu dài “chung sống” với Covid-19

- Thứ Năm, 22/07/2021, 19:59 - Chia sẻ
Chiều 22.7, thảo luận tại Tổ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng cuối năm 2021, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần có phương án, giải pháp lâu dài để chung sống với Covid-19; đồng thời, coi đầu tư công là trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng thời gian tới.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.

Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Nai tại phiên họp tổ thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội chiều 22.7

Ảnh: Quang Khánh 

Đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, các đại biểu cũng khẳng định, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đó, những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 6 tháng đầu năm là rất tích cực. ĐBQH Trần Tuấn Anh (Khánh Hòa) cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta trong 6 tháng đầu năm ở mức 5,64% xét trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới là nỗ lực lớn của Chính phủ và cũng là kết quả tốt so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội chiều 22.7

Ảnh: Quang Khánh 

ĐBQH Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã phân tích kỹ tác động của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện KT-XH, nhưng chưa phân tích những tác động khác như: tai nạn giao thông, thiên tai, cháy nổ, dịch bệnh gia súc, gia cầm… Vì vậy, báo cáo cần đánh giá thêm những yếu tố khác tác động tới kinh tế nhằm bảo đảm tính trọn vẹn, toàn diện. Một số đại biểu khác cũng đề nghị, báo cáo của Chính phủ mới chú trọng đánh giá kết quả đạt được ở khía cạnh kinh tế mà chưa đánh giá tương xứng ở góc độ văn hóa - xã hội. ĐBQH Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) cho rằng, một trong những yếu tố góp phần vào thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của chúng ta thời gian qua chính là truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” của người dân Việt Nam. Đại biểu nhấn mạnh: “Nếu không có văn hóa chia sẻ, đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ giữa người dân với người dân và giữa các địa phương với nhau thì nhiều địa phương không thể vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức vừa qua. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đã phần nào chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giúp người dân an tâm trong giai đoạn phòng, chống dịch”.

Thời gian tới, dự báo tình hình dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Trong khi đó, xu thế hiện nay là kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng bất kể khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Nêu vấn đề này, các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần có phương án, giải pháp lâu dài để chung sống với Covid-19. Đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị, Chính phủ cần sớm xây dựng kịch bản điều hành KT-XH cho năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh dịch bệnh. Với phương châm hàng đầu là tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép”: vừa phòng, chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị, ngoài thực hiện chiến lược vaccine phòng Covid-19 và biện pháp “5K”, cần quan tâm đẩy mạnh truyền thông về ứng dụng công nghệ trong thực hiện phòng, chống dịch.

Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa tại phiên họp tổ thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội chiều 22.7

Ảnh: Quang Khánh 

Đại biểu Trần Tuấn Anh cho rằng, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, không thể trông đợi nhiều vào việc kích cầu tiêu dùng trong nước nhằm tạo động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn tới. Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ phải trông chờ vào đầu tư công và xuất nhập khẩu. Do đó, mục tiêu là phải tập trung, quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, từ đó tạo nền tảng thu hút, huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của một số địa phương chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành, phân bổ vốn, làm chậm tiến độ một số dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm 2021 còn chậm, giải ngân vốn ODA đạt rất thấp, một số bộ, ngành và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân chậm… Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ nguyên nhân tại sao giải ngân chậm. Nêu vấn đề này, ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cũng nhấn mạnh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp căn cơ và cực kỳ quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm cũng như trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong 5 năm tới. Chính phủ và chính quyền các địa phương cần xác định rõ hơn nguyên nhân vì sao chậm giải ngân đầu tư công và phải thể hiện trách nhiệm trước đất nước, Nhân dân trong vấn đề này.

Thực tế cho thấy, địa phương nào cũng gặp vướng mắc trong việc phân chia, giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, trong giải ngân vốn đầu tư công, có địa phương làm nhanh, có địa phương làm chậm. Chỉ ra thực tế này, ĐBQH Trần Lưu Quang (Hải Phòng) đề nghị, nên xác lập nguyên tắc: năm nay địa phương nào làm tốt thì năm sau được chia nhiều hơn, ai chậm thì cắt bớt cho rành mạch.

Quang Khánh