“Phá băng” du lịch trong điều kiện “bình thường mới”

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 22:13 - Chia sẻ
Tiếp nối phiên chuyên đề buổi sáng của Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển” tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An, chiều 25.12, phiên toàn thể Hội thảo đã diễn ra với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự phiên toàn thể Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển”. Ảnh: VGP

Cùng dự phiên toàn thể có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (tham dự từ đầu cầu Văn phòng Chính phủ), lãnh đạo các uỷ ban của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Cần làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch. Ảnh: VGP

Trong đó tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

Các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững; tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, đó là "những nốt trầm buồn" của du lịch Việt Nam. Từ một ngành công nghiệp không khói đóng góp trên 10% vào GDP, năm 2019 đón số lượng khách quốc tế kỷ lục với 18 triệu lượt khách. Đồng thời ba năm liên tiếp Việt Nam liên tục được các tổ chức du lịch uy tín thế giới đánh là điểm đến hàng đầu Châu Á. Trong đó điểm đến về du lịch an toàn, ẩm thực, phong cảnh đẹp… Tuy nhiên đại dịch đã khiến cho du lịch Việt rơi vào "khoảng lặng".

Năm 2020, lượng khách quốc tế cả năm 2020 giảm 80%, khách nội địa đạt giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021 lượng khách tiếp tục sụt giảm trong nội địa 57%, doanh số, doanh thu càng sụt giảm nghiêm trọng. Hơn 2.000 doanh nghiệp kinh doanh du lịch rút giấy phép hoặc ngừng hoạt động. Lực lượng lao động trong ngành đứt gãy, số lượng không có việc làm rất nhiều, hạ tầng du lịch không có điều kiện để đầu tư, các cơ sở hiện có không có điều kiện để đón khách.

Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, trong bối cảnh hiện tại thích ứng an toàn linh hoạt, các ngành, các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất, để phục hồi ngành du lịch an toàn, hiệu quả cần ưu tiên số hóa, phân tích thị trường, dự báo đề cập đến các xu hướng du lịch để thích ứng với việc tìm các thị trường. Phục hồi du lịch gắn liền với sản phẩm du lịch. Mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch tiêu biểu” và kết nối an toàn. Đồng thời, phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo an toàn yêu cầu phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, tiếp tục đào tạo nhân lực và phát triển kỹ năng làm việc an toàn cho đội ngũ nhân viên. Xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch an toàn, sản phẩm du lịch ngách (du lịch golf, du lịch mạo hiểm…) nhằm đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường…

Sẵn sàng mở lại du lịch khi thực sự an toàn

Phát biểu tại phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trước đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị đã có nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều việc đang được triển khai đúng hướng. Du lịch Việt Nam đã có những bước đổi sắc rất rõ. Tuy nhiên, 2 năm qua, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù vậy, các DN, hộ gia đình làm du lịch, các ngành phục vụ cho du lịch đã vượt qua rất nhiều khó khăn, với trách nhiệm cao nhất, nỗ lực duy trì hoạt động, hỗ trợ ở mức tốt nhất có thể cho các lực lượng trực tiếp, gián tiếp làm du lịch; cho công tác phòng, chống dịch. Nếu không nỗ lực duy trì như vậy, nhiều chuyên gia nhận định du lịch Việt Nam có thể mất 7 đến 10 năm để khôi phục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch, các ngành phục vụ cho du lịch đã vượt qua rất nhiều khó khăn, với trách nhiệm cao nhất, nỗ lực duy trì hoạt động. Ảnh VGP

Theo Phó Thủ tướng, những vấn đề chung liên quan đến phát triển du lịch như thủ tục xuất/nhập cảnh, xúc tiến thị trường, hạ tầng gắn với sản phẩm, môi trường, số hoá… đã được triển khai trong những năm qua. Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều hội nghị liên kết du lịch vùng cũng đã được tổ chức để tranh thủ những “khoảng lặng” trong đại dịch để thúc đẩy ngành du lịch.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm 2 vấn đề đối với phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Thứ nhất là tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hoá dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các DN lớn, đồng thời giúp người dân cải thiện sinh kế, tiếp cận với văn minh bên ngoài qua du khách.

“Làm du lịch cộng đồng tưởng chừng dễ nhưng rất khó. Ví dụ những thứ hoang sơ nguyên vẹn mới giá trị nhưng nhiều khi chúng ta lại phá vỡ bằng những thứ hiện đại, tưởng chừng tốt nhưng về lâu dài lại không tốt. Đều này rất cần những DN lớn có kinh nghiệm, phối hợp với chính quyền địa phương để đầu tư, kết nối với các cộng đồng du lịch”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai là cần khẩn trương số hoá các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là văn hoá.

“Ngành du lịch đã có chiến lược, tầm nhìn, giải pháp lớn, vấn đề là thực hiện” Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý phải thực hiện thật tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn thay vì “vội vã mở ra nhưng không kèm theo những biện pháp thật chắc chắn”, trước mắt là khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ ba, bảo đảm có đủ thuốc điều trị.

Tổng kết Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Để chuẩn bị cho Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã tổ chức 5 buổi làm việc, tọa đàm với các chuyên gia để xin ý kiến về chủ đề và các nội dung của Hội thảo; tổ chức 2 cuộc khảo sát trực tiếp tại một số địa bàn trọng điểm về du lịch.

Các đại biểu và các tham luận của Hội thảo đều khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, là công cụ góp phần giảm tụt hậu, giảm chênh lệch giàu nghèo, đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia.

PV