Công dân Thụy Sĩ sẽ thể hiện tiếng nói về luật khí hậu mới

- Thứ Sáu, 02/06/2023, 22:16 - Chia sẻ

Hơn 200 nhà khoa học Thụy Sĩ đang kêu gọi công dân trong nước đi bỏ phiếu ủng hộ trong một cuộc trưng cầu dân ý về luật khí hậu sau khi nước này vừa trải qua một mùa Xuân nóng kỷ lục, nhiệt độ tăng trung bình hơn 1,5 độ C so với bình thường.

Công dân Thụy Sĩ sẽ thể hiện tiếng nói về luật khí hậu mới -0
Ảnh minh họa

Luật Các mục tiêu bảo vệ khí hậu, đổi mới và tăng cường an ninh năng lượng nếu được bỏ phiếu thông qua vào ngày 18.6 tới thì quốc gia giàu có ở châu Âu này sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống 0 vào năm 2050.

Được biết, đạo luật trên đã được Quốc hội thông qua vào tháng 9 năm ngoái, song những phản đối do lo ngại về tổn hại kinh tế từ đảng Nhân dân Thụy Sĩ cánh hữu khiến nó phải được đưa ra trưng cầu dân ý.

Theo SRF Meteo, Thụy Sĩ ấm hơn trung bình 1,5°C so với bình thường trong giai đoạn 1961 - 1990. Nhiệt độ trung bình hàng ngày nóng hơn 3 độ C vào tháng 3, trong đó thành phố Basel ở phía Tây Bắc đất nước đạt mức kỷ lục 23,4 độ C vào giữa tháng. Đối với quốc gia nhỏ như Thụy Sĩ, các nhà khoa học đã nhận thấy một sự biến đổi khí hậu đáng ngạc nhiên cho đến mùa Xuân này. Miền Trung và miền Đông đất nước có mưa lớn, trong khi các khu vực phía Nam cực kỳ khô hạn.

Đạo luật mới, còn gọi là Luật Bảo vệ khí hậu, sẽ ràng buộc Thụy Sĩ với mục tiêu trung lập về khí hậu vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là lượng khí thải nhà kính của nước này không được vượt quá lượng khí độc hại mà các bể chứa CO2 của nước này có thể hấp thụ - từ rừng cho đến công nghệ thu hồi carbon.

Thụy Sĩ hiện đang nhập khẩu khoảng 3/4 năng lượng, bao gồm tất cả nhiên liệu hóa thạch, từ nước ngoài. Chính phủ cho biết, “những nhiên liệu hóa thạch trên đang gây ra gánh nặng lớn cho khí hậu. Để giảm ô nhiễm môi trường và sự phụ thuộc vào các quốc gia khác, Hội đồng Liên bang và Quốc hội muốn giảm mức tiêu thụ dầu và khí đốt”.

Luật mới sẽ cung cấp nhiều khuyến khích về tài chính nhằm thay thế dầu khí bằng năng lượng sạch, với việc Chính phủ cam kết tài trợ 2 tỷ franc (khoảng 2 tỷ euro) trong 10 năm cho quá trình chuyển đổi. “Mục đích là để sản xuất nhiều năng lượng hơn ở Thụy Sĩ”, Chính phủ cho biết thêm, đồng thời mô tả hành động này là biện pháp gián tiếp đối trọng với Sáng kiến ​​Glacier. Sáng kiến “Vì khí hậu trong lành” hay Sáng kiến Glacier là cuộc trưng cầu dân ý phổ biến ở Thụy Sĩ nhằm giúp đất nước hoàn toàn trung hòa carbon vào năm 2050. Ngoài ra, tất cả nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt, xăng và dầu diesel sẽ bị cấm vào cùng thời gian, trừ khi có không có “lựa chọn thay thế về mặt kỹ thuật”.

Linh Anh
#