Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ

- Chủ Nhật, 15/05/2022, 20:04 - Chia sẻ

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc, chiều 14.5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Boston, bang Massachusetts.

Mở đầu sự kiện, Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, cho biết Harvard đã thực hiện đối thoại chính sách với phía Việt Nam trong 3 thập kỷ qua, chú trọng vào góp phần giải quyết những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong từng giai đoạn. Giáo sư Thomas J. Vallely cho biết, các cử tọa rất muốn lắng nghe những quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những thách thức mới mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn phát triển mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Đại học Harvard. Ảnh: Nhật Bắc

Hiệu trưởng Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard Douglas Elmendorf bày tỏ mong muốn lắng nghe những phát biểu của Thủ tướng về triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam. Ông cũng nhắc lại những kinh nghiệm rất thành công của Thủ tướng trong điều hành tỉnh Quảng Ninh trước khi trở thành lãnh đạo ở Trung ương.

Trong bài phát biểu quan trọng tại đây, sau khi điểm lại những kết quả chính của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tư tưởng rất quan trọng như trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ là "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". "Việc tôi có mặt ở đây cũng thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ cho hai dân tộc; thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được tuyên bố năm 2015 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ, quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng đã được xác định rõ, là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp của Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển nêu trên, mục tiêu chính của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là: Xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững. Nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phục hồi nhanh trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "không 'hy sinh' tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Về những tư tưởng chủ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, dựa trên 3 trụ cột là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN. Xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Phát huy tối đa trí tuệ, tài năng và năng lực, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên cơ sở các yếu tố nền tảng, trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa… Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển hóa ngoại lực thành nội lực…

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng nhắc tới một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, trước hết là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hội nhập sâu rộng, thực chất. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm tài nguyên, tăng trưởng xanh. Huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.

+ Cùng ngày (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đã tới thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc tại Khách sạn Omni Parker House, thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts.

Bang Massachusetts là một trong những điểm đến trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Người nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của Nhân dân Hoa Kỳ. Trong đó, Khách sạn Omni Parker House là nơi lưu giữ hình ảnh chân thực và sống động về quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt nơi đây hơn 100 năm về trước.

Thông tin và tập sách giới thiệu về Khách sạn Omni Parker House được đặt trong khung kính treo dọc tường hành lang tầng hầm. Tư liệu cũ với nhiều hình ảnh, bài viết về cuộc sống sinh hoạt của người dân Boston trong giai đoạn trước có ghi: "Hồ Chí Minh từng giữ vị trí phụ trách lò bánh (pastry chef) của Parker từ năm 1911 - 1913. Chiếc bàn nơi ông ấy đã làm việc, hiện vẫn còn trong lò bánh này...".

Trong lưu bút tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất xúc động khi đến thăm Khách sạn Omni Parker House và nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã từng làm việc. Thủ tướng mong rằng Khách sạn Omni Parker House tiếp tục là điểm dừng chân có ý nghĩa cho những người Việt Nam và bạn bè quốc tế quan tâm tìm hiểu về chặng đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những đóng góp của Người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ và kết nối tư tưởng độc lập, tự do, vì sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia, dân tộc và lợi ích nhân dân hai nước.

+ Cùng ngày, tại Boston, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện trực thuộc Đại sứ quán; tiếp đại diện cộng đồng người Việt ở khu Bờ Đông Hoa Kỳ…

Theo TTXVN