Có chế tài xử lý người đứng đầu cơ quan chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:23 - Chia sẻ
Hôm qua, 17.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo kết quả giám sát của các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Qua xem xét các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý 3 “căn bệnh” trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Ảnh: Quang Khánh

Luật có hiệu lực 3 năm, văn bản quy định chi tiết vẫn... nợ

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiện nay, nguồn lực để phục vụ cho công tác xây dựng thi hành pháp luật đang còn những hạn chế. Ngay kể cả cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở Trung ương, ở địa phương, mặc dù con số lên đến hàng nghìn người như trong báo cáo Chính phủ nhưng vẫn chưa bảo đảm đủ về chất lượng và số lượng, nhất là chất lượng. Hiện nay có một tình trạng chung là cán bộ làm pháp chế ở các bộ, ngành nếu như đào tạo luật nhưng lại thiếu quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đó. Nếu cán bộ quản lý nhà nước thì lại thiếu mảng pháp luật. Làm thế nào để có thể kết hợp được, tận dụng được đội ngũ này và nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ này. Đây là vấn đề mà Chính phủ về các bộ ngành cần tiếp tục quan tâm.

Kinh phí cho công tác xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đang còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đề nghị Văn phòng Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để tính lại xem thử trước đây ta nói là kinh phí hỗ trợ cho xây dựng pháp luật, nhưng bây giờ đưa vào kinh phí chi thường xuyên. Việc phân bổ kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật phải có những cải tiến và phải cấp đủ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Qua tổng hợp kết quả giám sát của các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chỉ ra nhiều hạn chế về tính kịp thời, đầy đủ; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; việc tuân thủ các quy định về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong các hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh 3 “căn bệnh” cơ bản phải lưu ý: Chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; không ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao và quy định không đúng nội dung luật giao, chưa nói đến việc rà soát ở mức độ cao hơn, có trái với Hiến pháp, luật hay không cũng là vấn đề. 3 căn bệnh này được thể hiện khá rõ trong Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của các Ủy ban của Quốc hội về văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Cụ thể, các chủ thể được giao quy định chi tiết đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung nguồn lực để xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong một số lĩnh vực, việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với luật có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, tính đến tháng 8.2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn  87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành.

Trong các nội dung đã được quy định chi tiết, theo Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, tuy có 301/485 (chiếm 62%) nội dung bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nhưng vẫn còn 184/485 (chiếm 38%) nội dung có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật. Không dừng ở con số văn bản quy định chi tiết còn nợ chung, Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát chỉ rõ số lượng văn bản chậm dưới 6 tháng (138 văn bản, chiếm 75%), chậm từ 6 tháng đến 1 năm (có 21 văn bản, chiếm 11%) và chậm từ 1 đến 2 năm (có 25 văn bản, chiếm 14%). Trong đó, đáng lưu ý một số luật có từ 80% - 100% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành, thậm chí một số nội dung sau gần 3 năm luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết.

 Không chỉ liệt kê số lượng văn bản ban hành chậm, kết quả giám sát của các Ủy ban của Quốc hội nêu tên các cơ quan còn nợ nhiều nội dung được giao quy định chi tiết đến thời điểm báo cáo như: Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Tòa án Nhân dân Tối cao... 

Đối với tình trạng văn bản quy định chi tiết không đúng nội dung luật giao, các Ủy ban của Quốc hội đã chỉ rõ 8 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật của Quốc hội (trong đó có 7 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); 7 nghị định và 3 thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật; 1 nghị định quy định khác với quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.

Ngoài ra, theo Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, có 6 nghị định, 22 thông tư liên tịch và 8 nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản khác sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế. Tại các văn bản quy định chi tiết cũng tồn tại một số văn bản chưa phân định rõ nội dung quy định chi tiết luật và biện pháp tổ chức thực hiện để thi hành luật, hoặc ban hành đủ về đầu mục nhưng có nội dung chưa cụ thể, khả thi, gặp khó khăn trong quá trình triển khai (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Cần chuyên tâm hơn nữa

Những hạn chế trong ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều nguyên nhân. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, các cơ quan chức năng cần chuyên tâm hơn nữa đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp độ khác nhau. Bởi thực tế đã có một số vấn đề dù đã được quy định rõ trong luật, pháp lệnh nhưng cơ quan chức năng khi áp dụng cũng không xem xét kỹ lưỡng, đi hỏi, hỏi hết cấp nọ đến cấp kia. Thậm chí, có những nội dung không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn có văn bản đề nghị giải thích pháp luật, không đúng quy trình, gây mất thời gian.

Đòi hỏi phải chuyên tâm hơn đến công tác xây dựng văn bản phạm pháp luật cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đưa ra khi nhìn từ thực tiễn các lĩnh vực mà Ủy ban Kinh tế phụ trách. Ví dụ, dù Quốc hội đã tính đến điều kiện triển khai thực hiện nên thời gian từ khi Luật Quy hoạch được ban hành đến khi có hiệu lực đã được quy định đến hơn 1 năm, ban hành từ tháng 11.2017 nhưng đến ngày 1.1.2019 mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch vẫn được triển khai rất chậm. Đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các địa phương, các bộ, ngành vẫn rất lúng túng và hệ thống quy hoạch quốc gia, hệ thống quy hoạch các vùng, các tỉnh, các ngành cho giai đoạn 2021 - 2030 xây dựng rất chậm, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng chiến lược quy hoạch trong thời gian tới.

Những hạn chế trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành không phải là vấn đề mới. Các lần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều chú ý bổ sung các quy định về quy trình, thủ tục, đề cao trách nhiệm trong thực hiện hoạt động này. Song, việc chậm xây dựng ban hành văn bản vẫn đang diễn ra, chưa khắc phục được một cách triệt để, chưa kể còn có văn bản có dấu hiệu trái luật, nội dung không đúng với yêu cầu được luật giao. Để khắc phục hạn chế này, theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần xác định trách nhiệm và chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết. Tất nhiên, việc xử lý trách nhiệm này không thể chỉ dừng ở phương thức không xem xét khen thưởng như hiện nay.

Lê Bình