Chống tham nhũng và chọn nhân tài

Bài 3: Ngăn chặn và tẩy trừ tham nhũng

- Thứ Tư, 23/09/2020, 05:52 - Chia sẻ
Từ kinh nghiệm lịch sử có thể nói, phòng, chống tham nhũng là quyết sách chiến lược mang ý nghĩa sinh tử, mất còn của thể chế, của quốc gia - dân tộc chúng ta! Đặc biệt vấn đề này càng trở nên cấp bách trong hơn 75 năm qua, kể từ khi Đảng ta cầm quyền, nhất là cực kỳ nóng bỏng trong ba chục năm nay.

Đạo lý đi liền với pháp lý

Tham nhũng tiền bạc đã đáng lên án. Tham nhũng về chức vụ, về chính sách thì mới là tham nhũng khủng khiếp. Nhưng tham nhũng về lòng tin, đưa đất nước đến chỗ sụp đổ mới thực sự là trọng tội, là thảm họa. 

Lâu nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất là, làm thế nào để có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu. Kỳ thực rường cột của nó, đó chính là vấn đề quyền lực và trách nhiệm cá nhân được thực thi và vận hành với bảo bối: công khai, dân chủ và pháp trị trong kiểm soát quyền lực. Kiểm tra, kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, kiểm tra, giám sát từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch. Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm được kiểm tra, giám sát một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, càng phát triển cơ chế thị trường, càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao và thượng tôn pháp luật. Từ cơ chế kiểm soát sẽ có cơ chế khắc trị... và trị thật nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nghĩa là công khai, dân chủ và pháp trị phải được thượng tôn! Công khai, minh bạch là con đường ngắn nhất để nhận diện và phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Những vụ đại án về tham nhũng được xử lý vừa qua kỳ thực đã tích tụ từ lâu, nhưng chỉ nhờ cơ chế kiểm tra, kiểm soát dân chủ và minh bạch nên giờ mới bộc lộ ra. Vì thế, để chống tham nhũng lúc này, cần tập trung làm tốt trước mắt, hai lĩnh vực rất căn bản, đó là gắn chặt đức trị và pháp trị. Đại hội XII của Đảng quyết định lấy xây dựng Đảng về đạo đức là một trong bốn bộ phận cấu thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đây là một trong những vấn đề trong quy luật xây dựng Đảng, vì sự sinh tồn của Đảng, của chế độ. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Bất cứ ai nếu có suy thoái chúng ta phải giáo dục, phải uốn nắn. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người...”. 

Người đứng đầu ở các cấp phải nhìn xa, trông rộng, tiên liệu và có đối sách sao cho phù hợp và hành xử dứt khoát với tinh thần “Quốc pháp bất vị thân” một cách dân chủ, bình đẳng, minh bạch và đầy tính nhân văn. Khi lời răn đạo lý chưa đủ mạnh, khi đạo đức chưa đủ lay chuyển thì ắt pháp lý phải ra tay, nhất định các đạo luật phải được toàn dụng một cách công khai, dân chủ, bình đẳng và nghiêm khắc.

Không thể nửa vời     

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chính trị là sự thanh khiết từ to đến nhỏ.

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy... Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được...”. “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Đó là sự kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, là tiếng lòng của Nhân dân hiện nay! Vì, “Dân ta đã nói là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây”. 

Thực tế, từ sự kiên quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, với việc hơn một trăm vị lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, đa phần can dự tham nhũng dưới mọi hình thức, rất nhiều vị vướng vòng lao lý đang làm cho nhiều người lo lắng. Thậm chí có người còn “băn khoăn”: Kiểm tra, điều tra, phòng chống tham nhũng mạnh quá có thể “làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế”(!), khiến cho nhiều lãnh đạo, nhiều quan chức đang “sợ sai, không dám làm gì”(!)

Đó chỉ là cách biện hộ, thậm chí bào chữa cho thái độ nửa vời. Nhân dân đang thất vọng trước tâm lý ấy và không đồng ý với các quan điểm đó.

Thử nhìn lại năm 2018, kinh tế nước ta chẳng tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, với tốc độ 7,08% đó sao? Ngay bây giờ, dù đại dịch Covid-19 hoành hành, làm nghiêng ngả địa cầu, đẩy nhiều nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới rơi vào tăng trưởng âm, thì quý I năm nay, chúng ta vẫn đạt tăng trưởng 3,82%, và quý II vẫn đạt 1,81%. Tình hình chính trị tiếp tục ổn định, an ninh xã hội nước nhà được bạn bè quốc tế đánh giá là quốc gia yên ổn, một điểm đến tin cậy... đó sao? Lòng tin của Nhân dân và bạn bè quốc tế bắt đầu từ đó và nằm ở đó chứ ở đâu, sao lại nói vì... này, vì... kia mà sợ chậm phát triển, sợ không ổn định?

Nếu ai đó, nhất là người đứng đầu, vì “sợ sai mà không dám làm gì”(!) thì nên ra khỏi bộ máy. Chúng ta công minh chính đại, có Đảng cương rõ ràng, Quốc pháp minh bạch, nên với những người đã "nhúng chàm" thì không bàn, cứ theo đó mà định luận. Nhưng với những người không đủ bản lĩnh thì cũng nên rời khỏi vị trí đang đảm nhiệm, dù đó là ai. Nếu chúng ta ngập ngừng, nửa vời phòng, chống tham nhũng, lòng dân xôn xao, bất ổn, xã hội phức tạp, rối ren, bạn bè quốc tế ngại ngần, xa lánh... thì còn đâu là quốc thể, còn đâu là lòng dân tin vào thể chế?

Bởi thế, nếu sự tự răn của đạo lý chưa đủ thấu, sự tỉnh ngộ của bản thân chưa đủ độ, tai mắt của Nhân dân chưa đủ rộng, sâu, thì Đảng cương không vùng cấm, “Quốc pháp bất vị thân” phải kiềm tỏa và toàn dụng. Nghĩa là, phải lấy đạo luật mà “thẳng tay trừng trị” những kẻ trộm cắp ấy, “bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì... từ trên xuống, từ dưới lên trên”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn! 

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây. Chống tham nhũng tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe… Ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát...”.    

Chưa thấy phương cách phòng ngừa, ngăn chặn, gột rửa và tẩy trừ tham nhũng nào khác khả dụng hơn những phương cách vừa nêu! 

TS Nhị Lê