Dư âm phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV

Phản ứng nhanh hơn, hành động quyết liệt hơn đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

- Thứ Sáu, 18/03/2022, 05:32 - Chia sẻ
Đánh giá kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, đây là hình thức giám sát thực chất, hiệu quả, tích cực, tạo ra áp lực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hành động quyết liệt hơn, phản ứng nhanh hơn trước những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Phiên chất vấn tiếp tục thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ, kịp thời giữa Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành:
Đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Ảnh: N. An

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và công tác quản lý nhà nước trước những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Các nội dung chất vấn được đại biểu Quốc hội đặt ra đã đi thẳng vào những vấn đề rất nóng, rất cụ thể về quản lý, điều hành giá xăng dầu; quản lý đất đai, nhất là về đấu giá đất; xử lý rác thải… Các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến yêu cầu, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước và những giải pháp mang tính cơ bản, chiến lược lâu dài đối với hai ngành công thương và tài nguyên - môi trường.

Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về giải pháp căn cơ, chiến lược mà Bộ sẽ thực hiện và tham mưu cho Chính phủ thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy lưu thông, xuất - nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đầy thách thức. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương đã phần nào giải đáp được mối quan tâm của tôi, nêu lên được những nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, có lẽ do thời gian có hạn nên Bộ trưởng chưa trình bày được đầy đủ những giải pháp mang tính “dài hơi”. Mặc dù vậy, ở phần trả lời chất vấn của một số đại biểu sau đó, Bộ trưởng cũng đã nêu được những giải pháp chiến lược lâu dài như: thay đổi cơ cấu sản xuất, quy hoạch lại các ngành sản xuất, xây dựng lại các cấp độ thị trường… Tôi đánh giá cao phần tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về định hướng thay đổi sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là giải pháp phải thay đổi tư duy trong cách tiếp cận về sản xuất hàng hóa nói chung, sản phẩm nông nghiệp nói riêng theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu và tín hiệu của thị trường, gắn sản xuất với thị trường nhiều hơn và chính quyền các cấp phải đóng vai trò đắc lực trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu:
Luôn lắng nghe, thấu hiểu và trăn trở trước nỗi lo của nhân dân

Ảnh: T. Chi

Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp rất hiệu quả của Quốc hội. Với cách làm rất dân chủ, công khai, minh bạch, phiên chất vấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước và được phát thanh, truyền hình trực tiếp như đối với hoạt động chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội đã giúp cử tri và nhân dân được tiếp nhận những thông tin chính thống trong công tác điều hành, quản lý của Nhà nước, tránh những tác động về tâm lý do những thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Phiên chất vấn cũng cho thấy việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại Phiên họp thứ Chín là rất đúng và trúng. Đây đều là những vấn đề rất thời sự, sát với thực tiễn, có liên hệ mật thiết tới đời sống của người dân, đó là những vấn đề về giá xăng dầu; quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng; quản lý môi trường, quản lý đất đai… Điều đó cho thấy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội luôn lắng nghe, thấu hiểu và trăn trở những vấn đề mà cử tri lo lắng. Với 48 đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp và 10 đại biểu tranh luận, phiên chất vấn đã tạo được sự tương tác, đối thoại trực tiếp giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn.

Tôi đánh giá cao hiệu quả phiên chất vấn, có ý nghĩa rất tích cực bởi thông qua chất vấn và tranh luận, đại biểu Quốc hội không chỉ đề nghị các trưởng ngành làm rõ các vấn đề được cử tri quan tâm, mà còn đóng góp những sáng kiến, giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị; kiến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động chất vấn nói riêng và hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung tạo ra áp lực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hành động quyết liệt hơn, phản ứng nhanh hơn trước những vấn đề phát sinh, tạo chuyển biến thực chất trong vấn đề được chất vấn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội):
Có phương án bài bản, tổng thể, giải quyết căn cơ vấn đề giá xăng dầu

Ảnh: H. Ngọc

Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV tiếp tục thể hiện thông điệp mạnh mẽ, đó là sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ, kịp thời giữa Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn rất thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công thương rất nỗ lực trong việc tăng cường nguồn cung, góp phần bình ổn giá xăng dầu, giá nông sản… Riêng đối với vấn đề xăng dầu, tôi rất mừng khi Bộ trưởng khẳng định nguồn cung không thiếu, đồng thời đánh giá cao Chính phủ đã đưa ra biện pháp thích hợp, dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiềm chế giá xăng dầu tăng; cấp thêm hạn ngạch cho các đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng cường nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng thiếu hụt và khan hiếm xăng dầu vẫn diễn ra. Ở đây có trách nhiệm trong tổ chức, điều hành của các cơ quan của Chính phủ. Hiện Chính phủ đã có Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu, song nghị định này còn bất cập như sửa đổi quy định về dự trữ xăng dầu theo hướng giảm số ngày dự trữ bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ 30 ngày xuống 20 ngày; quy định thời gian điều hành giá xăng dầu đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Trong khi đó, thị trường giá xăng dầu thế giới đang biến động rất mạnh, gây ra tình trạng khan hiếm xăng dầu, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tiếp cận xăng dầu, làm cho giá xăng dầu tăng lên.

Tôi cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng có biện pháp khắc phục, sửa đổi lại những vấn đề bất cập của Nghị định 95/2021/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu, điều chỉnh nguồn cung xăng dầu cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Vấn đề gốc rễ là phải nâng cao năng lực sản xuất trong nước của các doanh nghiệp, bảo đảm sự phát triển nguồn cung một cách bền vững, kết hợp với việc nhập khẩu một cách hài hòa. Tôi tin rằng, sau phiên chất vấn, Bộ Công thương sẽ có phương án bài bản, tổng thể, giải quyết căn cơ vấn đề giá xăng dầu. 

H. Ngọc - T. Chi - N. An thực hiện