Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

- Thứ Tư, 23/03/2022, 06:07 - Chia sẻ
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại đợt họp thứ 2, Phiên họp thứ Chín. Trước đó, tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời, bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013 để cụ thể hóa cơ chế nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, tăng cường dân chủ trực tiếp thông qua thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phạm vi "dân bàn", "dân quyết định" còn hạn chế

Hiến pháp năm 2013 với tinh thần đề cao quyền làm chủ của nhân dân đã ghi nhận các hình thức thực hiện quyền dân chủ. Trong đó, Điều 6 Hiến pháp 2013 quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Điều 28 Hiến pháp 2013 quy định quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước của công dân và hiến định trách nhiệm tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội của Nhà nước.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật có quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)...

Dù vậy, tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã phát sinh các hạn chế, bất cập. Cụ thể, tại xã, phường, thị trấn, phạm vi nội dung phải công khai còn hạn chế, chưa phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và các luật chuyên ngành. Quy định về hình thức công khai thông tin chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, phạm vi nội dung dân bàn và quyết định còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân cũng như tinh thần mở rộng dân chủ trực tiếp tại Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do UBND cấp xã chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố đề xuất, chưa phát huy được vai trò của người dân và các chủ thể khác trong việc đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước của UBND cấp huyện chưa bảo đảm tính hợp lý trong phân cấp thực hiện nhiệm vụ, thủ tục hành chính phức tạp ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện; chưa đồng bộ với quá trình tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực của chính quyền địa phương cấp xã nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng.

Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được ban hành và thực hiện từ năm 2007 đến nay nhưng cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể trong tổ chức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Do vậy, khi có vi phạm xảy ra, việc xử lý vi phạm còn hạn chế, bị động. Các quy định về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia trực tiếp vào việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân tại Pháp lệnh cũng chưa rõ ràng.

Đề xuất mở rộng phạm vi thông tin phải công khai 

Từ những bất cập, hạn chế trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn nêu trên, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ và Chính phủ đã thảo luận, thông qua đề nghị xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 5 chính sách quan trọng. Cụ thể, sẽ mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi; đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền cấp xã; trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng; tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh điều chỉnh thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự án Luật cũng sẽ điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại hầu hết các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, dự án Luật không điều chỉnh đối với việc thực hiện dân chủ tại các cơ quan đặc thù như cơ quan dân cử, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân do những khác biệt trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này với các cơ quan khác của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể là, các cơ quan dân cử hoạt động theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số; nội dung, cách thức, hình thức hoạt động dân chủ của các cơ quan này đã được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy định chi tiết các luật nêu trên. Còn Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân là các cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm nguyên tắc “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, “tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”.

Mặt khác, ngoài chức năng quản lý về hành chính của người đứng đầu cơ quan tòa án, viện kiểm sát thì tổ chức và hoạt động của các cơ quan này còn chịu sự chỉ đạo của các thiết chế tập thể như Hội đồng thẩm phán, Ủy ban kiểm sát. Đối với lực lượng vũ trang nhân dân là lực lượng chiến đấu, hoạt động theo nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy và được quy định chặt chẽ trong từng thời kỳ (trong điều kiện bình thường, trong thời chiến, trong tình trạng khẩn cấp...).

Đối với việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, dự án Luật tuy vẫn điều chỉnh nhưng chỉ quy định theo hướng nguyên tắc. Theo đó, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp thực hiện theo các quy định tại Chương I và Chương V luật này, Bộ luật Lao động hiện hành và quy định của Chính phủ (hiện được quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động).

Việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng không chỉ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở mà còn góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn nữa nguyên tắc mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Như nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ dự án Luật này, cần rà soát các văn kiện của Đảng, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời, bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013 để cụ thể hóa cơ chế nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, thậm chí tăng cường dân chủ trực tiếp thông qua thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Lê Bình