Ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất

- Thứ Ba, 27/09/2022, 17:55 - Chia sẻ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên  đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng người dân phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 4.

Hồi 13 giờ ngày 27.9, vị trí tâm bão số 4 (bão Noru) ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông.

Chiều tối ngày 27.9 bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.

Ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất -0
Dự báo đường đi của bão số 4

Không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng của người dân

Sau những chỉ đạo liên tiếp ứng phó bão số 4 tại các cuộc họp, trưa 27.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 865/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão nguy hiểm này.

Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum; các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nêu rõ:

Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của nhân dân.

Ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất -0
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão

Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng người dân phòng, chống bão

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Hoàng Đức Cường, các đơn vị thuộc Tổng cục đảm bảo hoạt động trạm quan trắc ổn định từ hệ thống trạm đo gió, radar.., đường truyền và xử lý số liệu thông suốt đảm bảo phục vụ công tác dự báo cảnh báo. Tiếp tục theo dõi và tổ chức các phiên thảo luận trực tuyến tiếp theo về diễn biến của cơn bão.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, hơn 44.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được di dời. Lương thực đã được bố trí dự trữ, đặc biệt là khu vực vùng núi có nguy cơ chia cắt cao. Các hồ thủy điện đang ở mực nước thấp, nên có thể yên tâm về khả năng đón lũ với 900 triệu mét khối nước. Lực lượng thanh niên xung kích với 12.000 người đã sẵn sàng.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, trên toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 5.133 tàu vào neo đậu tại các bến. Tỉnh đã hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền trước 10 giờ sáng 26.9 và bắt đầu cấm mọi hoạt động trên biển từ 12 giờ cùng ngày. Việc di dời, sơ tán dân ở vùng nguy hiểm trước 10 giờ ngày 27.9; riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 8 giờ ngày 27.9. Tổng số lượng dân dự kiến di dời, sơ tán khoảng 25.000 hộ với 84.500 người. Tỉnh cũng thông báo cho các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 7 giờ ngày 27.9, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tạm hoãn các cuộc họp, công việc chưa thực sự cần thiết để tập trung công tác phòng chống khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất -0
Khoảng 350 tàu cá tập trung về neo đậu tại vũng neo đậu Tịnh Hòa (tỉnh Quảng Ngãi)

Lãnh đạo huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị xác nhận, huyện có hơn 660 tàu thuyền các loại đã vào khu neo đậu an toàn, không còn ngư dân trên biển. Hơn 1.700 hộ hơn 6.000 nhân khẩu đã có phương án di dời. Học sinh nghỉ học từ chiều ngày 27/9. Cuộc họp cũng nghe lãnh đạo phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, xã La Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai, thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum… báo cáo về công tác chuẩn bị.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang cho biết, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc cùng người dân phòng, chống, ứng phó với bão số 4 nhằm giảm đến mức tối thiểu thiệt hại có thể xảy ra: “Cấp ủy và chính quyền huyện, xã, thành phố tổ chức trực 24/24 từ tối nay. Huyện ủy, UBND huyện đi cơ sở xuống tận xã, tận thôn, tận làng kiểm tra, triển khai cho xã để xã triển khai phòng chống cơn bão số 4. Xã, thôn tuyên truyền vận động người dân của thôn mình, của xã mình, của làng mình biết được nguy hại của cơ bão số 4 này để có ý thức tự đề phòng và phòng chống”. 

Tại Gia Lai, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương lên phương án di dời người dân ở các vị trí nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; canh gác nghiêm cấm người dân qua lại các vị trí, địa bàn nguy hiểm; bố trí lực lượng vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Tỉnh Gia Lai cũng cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh được nghỉ học từ chiều 27.9.

Đối với việc bảm bảo an toàn hồ chứa, xả lũ thuỷ điện, thuỷ lợi trong tỉnh, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa thông tin, “Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu hộ, cứu nạn tỉnh đã có văn bản chỉ đạo sớm đối với các chủ hồ, đập. Cụ thể, thuỷ điện An Khê Kanak, Thuỷ lợi Ayun Hạ, các thuỷ điện trên lưu vực sông Ba, hệ thống Sê-rê-pốc phía Tây của tỉnh, làm sao để phối hợp với nhau tốt nhất, nhận định tình hình chính xác nhất để điều tiết xả lũ và hồ chưa cho đúng quy trình , đảm bảo khoa học và chủ động”.

Thảo Anh