Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Lúng túng trong thực hiện Nghị định số 45/2022/NĐ-CP

- Thứ Ba, 04/10/2022, 06:15 - Chia sẻ

Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhanh chóng soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định với nhiều điểm mới như điều chỉnh mức phạt, bảo đảm phù hợp hơn với thẩm quyền xử phạt tại địa phương. Tuy nhiên theo phản ánh của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và một số quận, huyện, việc triển khai Nghị định số 45/2022/NĐ-CP vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. 

Điều chỉnh mức phạt phù hợp với thực tiễn

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định số 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 25.8.2022 là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần quản lý môi trường tốt hơn.

Một trong những điểm mới của Nghị định số 45 là giảm mức phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm xảy ra nơi công cộng, để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương như chiến sĩ công an (phạt tối đa 500.000 đồng) hoặc trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an (phạt tối đa 2,5 triệu đồng). Đồng thời, giảm mức phạt đối với hành vi vứt rác nơi công cộng, vứt mẩu thuốc lá...

Trước đây, hành vi bỏ đầu mẩu, tàn thuốc lá sai quy định bị phạt mức tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Nghị định số 45/2022, hành vi vứt, thải, đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng quy định sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng; hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ chịu mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng. Việc điều chỉnh mức phạt như vậy sẽ bảo đảm cho việc áp dụng phạt tại chỗ dễ dàng hơn và không cần lập biên bản. 

Bà Nguyễn An Thủy, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường cho biết, trong quá trình xử phạt, có trường hợp lực lượng chức năng phát hiện hành vi vi phạm nhưng ngại không chuyển hồ sơ lên trên, dẫn tới việc xử phạt không hiệu quả. Do đó, Nghị định số 45 đã điều chỉnh lại mức phạt để phù hợp thẩm quyền xử phạt tại chỗ của các địa phương.

Bên cạnh việc điều chỉnh mức phạt cho phù hợp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh khẳng định, Nghị định số 45 có nhiều mức phạt nặng, mang tính răn đe và sát thực tế. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải tăng cường phổ biến, tập huấn đến đông đảo người dân, tổ chức; bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hạn chế hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết hoặc do thiếu điều kiện để thực hiện quy định bảo vệ môi trường.

TP. Hồ Chí Minh phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
TP. Hồ Chí Minh phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Nguồn: ITN

Gỡ vướng trong xử phạt vi phạm

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Nghị định số 45 có nhiều điểm mới, quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến thủ tục pháp lý môi trường được sửa đổi đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, như quy định rõ hơn về đối tượng bị xử phạt do vi phạm không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; không phân loại, quản lý, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; phân cấp, phân quyền về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn gặp vướng mắc về các thủ tục pháp lý môi trường giữa thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh với quy định pháp luật. Các “điểm nghẽn” hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là “cách hiểu khác nhau” dẫn đến lúng túng trong thực hiện.

Từ phía các quận, huyện, cũng gặp một số vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính. Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, tại Điểm b, Khoản 2 Điều 11, Nghị định 45 quy định phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng với hành vi không công khai giấy phép môi trường theo quy định. Song, cần có hướng dẫn cụ thể đối với hành vi được xem là không công khai giấy phép môi trường, để đơn vị triển khai thực hiện.

Đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, việc lập biên bản xử lý vi phạm hành vi thải bỏ rác sinh hoạt rất khó xử lý. Theo quy định, phải kịp thời phát hiện, trong khi địa phương không đủ lực lượng để phát hiện, lập biên bản. Tiếp đó, rất khó khăn trong việc đo đạc tiếng ồn để xác định hành vi vi phạm, do cơ sở vi phạm có thể chủ động tắt, giảm âm lượng khi bị kiểm tra. 

Khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn cũng được nhiều địa phương phản ánh. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định sửa đổi cách phân loại rác thành 2 nhóm, gồm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Trong khi đó, tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo 3 loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Điểm vướng mắc là hiện TP. Hồ Chí Minh không biết việc xử phạt sẽ áp dụng theo cách phân loại rác thành 2 loại theo quyết định của thành phố, hay 3 loại theo Luật Bảo vệ môi trường.

Giải đáp vướng mắc trên, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nhiều địa phương cho rằng, quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt có thể phù hợp với địa bàn này nhưng một số nơi khác sẽ không phù hợp. Do đó, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu rõ, UBND tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, trong đó có giá dịch vụ thu gom, xử lý; hình thức, mức kinh phí dịch vụ... Như vậy, sau khi địa phương ban hành quy định triển khai cụ thể; việc cá nhân, hộ gia đình phân loại không đúng, mới áp dụng chế tài xử phạt 

Thanh Điểu