Các nghị viện thành viên AIPA - Nghị viện Singapore

Quy trình lập pháp

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:51 - Chia sẻ
Hiến pháp của Singapore xác định thẩm quyền lập pháp thuộc về Nghị viện. Và cũng giống như nhiều nơi trên thế giới, quy trình lập pháp nước này là xem xét, thông qua luật theo trình tự ba lần đọc.

Tại lần đọc đầu tiên, chỉ có tên đầy đủ của dự án luật được đọc to trước phiên họp toàn thể của Nghị viện. Sau đó, dự luật được chuyển cho bộ phận thư ký phục vụ Nghị viện để in, chuyển đến cho từng nghị sĩ và in trên Công báo. Trừ các dự luật mang tính khẩn cấp, ít nhất là 7 ngày kể từ khi dự luật được chuyển đến tay các nghị sĩ và đăng trên Công báo, dự luật sẽ được trình lần thứ hai tại Nghị viện. Tại lần trình này, các nghị sĩ sẽ thảo luận về sự cần thiết, hiệu quả mang lại và các các vấn đề mang tính nguyên tắc của dự luật. Tiếp đó, dự luật được chuyển sang thảo luận tại Ủy ban Toàn thể Nghị viện hoặc một Ủy ban Đặc trách (Select Committee), với thành phần gồm một số nghị sĩ được lựa chọn, khi có kiến nghị về việc cần xem xét một cách cẩn trọng hơn về một số nội dung của dự luật.

Ủy ban này có quyền mời công chúng gửi ý kiến đóng góp, cung cấp thêm thông tin, tài liệu liên quan đến dự án. Trên cơ sở đó, Ủy ban có thể đề xuất các sửa đổi, bổ sung trong dự án luật mà họ cho là phù hợp. Các đề xuất này, kèm theo báo cáo của Ủy ban phải được gửi để xem xét trước tại Ủy ban Toàn thể Nghị viện trước khi Ủy ban này trình ra phiên họp toàn thể để Nghị viện tiến hành lần đọc thứ ba. Tại lần trình thứ ba, nghị sĩ có quyền đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung. Việc thảo luận trong lần trình này tập trung vào các nội dung cụ thể của dự luật. Những đề xuất bổ sung các nội dung không có trong dự thảo luật sẽ không được xem xét. Cuối cùng, dự luật được đưa ra biểu quyết thông qua tại Nghị viện.

Tất cả các dự luật đã được Nghị viện thông qua (trừ dự luật về ngân sách, các dự luật khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn trật tự xã hội...) đều phải được chuyển đến Hội đồng Cố vấn cho Tổng thống về quyền của các nhóm thiểu số để bảo đảm trong luật không có nội dung phân biệt đối xử đối với các cộng đồng dân tộc, tôn giáo khác nhau. Sau bước kiểm tra trên, dự luật mới được trình để Tổng thống phê chuẩn và chính thức trở thành luật.

Các dự án luật của Chính phủ (thường chiếm tỷ lệ đa số) do các nghị sĩ đồng thời là bộ trưởng các bộ có liên quan trình. Văn phòng Tổng chưởng lý (Attorney General's Chamber) là cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ soạn thảo các dự án luật theo đề xuất của các bộ hữu quan. Theo thống kê trong năm 2014, cơ quan này đã giúp soạn thảo tổng cộng 43 dự luật và gần 900 văn bản dưới luật. Trong số đó chỉ có 2 dự luật do cá nhân nghị sĩ trình với sự ủng hộ của Chính phủ.

 

Vũ Quỳnh