Các nghị viện thành viên AIPA - Nghị viện Singapore

Bộ máy giúp việc: Cánh tay đắc lực của cơ quan lập pháp

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:48 - Chia sẻ
Giống như nhiều nước trên thế giới, một Nghị viện Singapore thực quyền, khẳng định được vai trò đại diện cho người dân là nhờ “công” lớn của bộ máy giúp việc luôn tận tụy, hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tổng Thư ký Nghị viện Singapore là người đứng đầu bộ máy giúp việc của Nghị viện nước này, với chức năng chính là tư vấn cho Chủ tịch Nghị viện về quy trình, thủ tục hoạt động và điều hành bộ máy công chức của Nghị viện. Cụ thể hơn, Tổng Thư ký Nghị viện chịu trách nhiệm theo dõi quá trình chuẩn bị các công việc của Nghị viện; trợ lý, tư vấn cho lãnh đạo Nghị viện về quy trình lập pháp, về thủ tục Nghị viện; điều hành các công việc hành chính, tài chính và đội ngũ công chức Nghị viện; giữ mối liên lạc với các cơ quan có liên quan...

Bên cạnh Tổng Thư ký, trong Ban Thư ký Nghị viện (Secretariat) có một đơn vị riêng phục vụ phiên họp toàn thể, đồng thời là nơi phụ trách về các vấn đề quy trình, thủ tục hoạt động của Nghị viện nước này, có tên gọi là Vụ Thư ký (Clerks’ Department). Vụ này hiện có 10 người với một Vụ trưởng, một Phó Vụ trưởng. Người của Vụ, kể cả lãnh đạo thay nhau ngồi ở bàn thư ký trong hội trường để giúp Tổng Thư ký tư vấn về các vấn đề thủ tục phiên họp cho chủ tọa và các nghị sĩ cũng như làm các công việc thư ký khác nhau; chịu trách nhiệm tập hợp, cập nhật, giải thích các quy định của Nội quy hoạt động Nghị viện (Standing Orders), tập hợp các tiền lệ, thông lệ trong hoạt động ở nghị trường. Vụ cũng xem xét, bảo đảm mọi tài liệu được trình phù hợp với quy trình, thủ tục của Nghị viện đã quy định trong Nội quy hoạt động, ví dụ như các dự luật, các câu chất vấn, các kiến nghị.

Văn phòng Nghị viện Singapore không có cơ cấu riêng để tổ chức phục vụ các hoạt động lập pháp. Văn phòng Tổng Chưởng lý là cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối soạn thảo luật cho Chính phủ và đồng thời cũng tham gia phục vụ suốt quá trình dự luật được xem xét, thảo luận, thông qua tại Nghị viện (bao gồm công đoạn xem xét ở các Ủy ban). Văn phòng Nghị viện chỉ phục vụ công tác tổ chức các phiên họp, cung cấp điều kiện làm việc cho nghị sĩ và tư vấn cho nghị sĩ, cho các cơ quan của Nghị viện về các nội dung liên quan đến quy trình thủ tục. Giúp tham mưu cho mỗi nghị sĩ trong việc nghiên cứu, tham gia ý kiến về các dự luật là đội ngũ thư ký hỗ trợ lập pháp do nghị sĩ tự tuyển chọn và do Văn phòng Nghị viện trả lương.

Để hỗ trợ hoạt động của nghị sĩ, tại Văn phòng Nghị viện có Thư viện hỗ trợ việc tìm kiếm, cung cấp thông tin, tài liệu cho trợ lý lập pháp của nghị sĩ. Thư viện không triển khai dịch vụ nghiên cứu cung cấp thông tin tham khảo phục vụ các đại biểu của dân mà chỉ triển khai các dịch vụ thư viện như: Tìm kiếm cho mượn tài liệu, phục vụ đọc, mượn tại phòng đọc của thư viện. Đối với tài liệu số, người sử dụng phải đến nhà Nghị viện để truy cập cơ sở dữ liệu tìm kiếm thông tin.

Nghị viện Singapore rất chú trọng việc đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc của công chức và của các vụ, đơn vị thuộc Ban Thư ký. Mỗi công việc chuyên môn thường xuyên đều có những quy trình nghiệp vụ hướng dẫn và các chỉ số đánh giá thực hiện công việc tương ứng. Ngoài ra, hàng năm Ban Thư ký Nghị viện đều tổ chức lấy ý kiến đánh giá của các nghị sĩ Nghị viện về hoạt động của các vụ, đơn vị thuộc Ban Thư ký để qua đó có cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ hoạt động của Nghị viện.

Trong hoạt động đào tạo công chức Nghị viện, ngoài những hoạt động bồi dưỡng, đào tạo truyền thống như gửi đi học ở các trường đại học, tham gia các lớp tập huấn, Nghị viện Singapore cũng rất chú trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thông qua trao đổi, rút kinh nghiệm ngay tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, hàng năm Nghị viện đều tổ chức gửi các cán bộ, chuyên viên sang thực tập, trao đổi kinh nghiệm ở Nghị viện các nước thuộc khối Thịnh vượng chung.

V.Quỳnh