ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)

Quan tâm hơn nữa về hạ tầng giao thông kết nối khu vực miền núi phía Bắc

- Thứ Sáu, 07/01/2022, 18:15 - Chia sẻ
Tham gia góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân mong muốn, về giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng, cùng với đầu tư một số dự án như cao tốc Bắc- Nam phía Đông, cao tốc đoạn Tuyên Quang - Hà Giang, Quốc hội, Chính phủ cũng quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc cho các tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng…) để các địa phương này có thêm cơ hội, động lực phát triển kinh tế - xã hội.

"Huyết mạch" giao thông cần được "nuôi dưỡng" đều khắp

Bên cạnh nhất trí với quan điểm, mục tiêu, các giải pháp thực hiện chính sách, phương án huy động nguồn lực, áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù được xây dựng trong Dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân cũng tham gia nhiều ý kiến, góp ý đối với Nghị quyết hết sức quan trọng này. Trong đó, về giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng, đại biểu tán thành với đề nghị của Chính phủ về đầu tư hạ tầng giao thông đối với một số dự án như: cao tốc Bắc- Nam phía Đông; cao tốc đoạn Tuyên Quang - Hà Giang… “Đúng như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường: Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tuy nhiên mạch máu cần được nuôi dưỡng đều khắp, nuôi dưỡng tốt thì sẽ có được một nền kinh tế khỏe mạnh”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phát biểu thảo luận từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phát biểu thảo luận từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Bắc Kạn và Cao Bằng là hai tỉnh miền núi, được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn hai tỉnh trong những năm gần đây, đã được đầu tư nâng cấp, nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm, các loại xe tải trọng lớn, đặc biệt là xe đầu kéo lưu thông không thuận lợi, chi phí vận tải cao, làm hạn chế khả năng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đời sống Nhân dân của hai tỉnh còn nhiều khó khăn.

Theo đại biểu, từ thực tiễn đó, tháng 9.2021 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến đường này có ý nghĩa rất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, về quốc phòng - an ninh của các tỉnh và vùng Đông Bắc; phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên; trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội và là tuyến giao thông kết nối với các tỉnh của Trung Quốc (Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây).

Xuất phát từ vai trò và vị trí quan trọng này, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng nhằm phát huy tối đa nguồn lực đã đầu tư, rút ngắn thời gian đi lại, phát huy hiệu quả liên kết vùng, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân, đáp ứng khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc vùng chiến khu Việt Bắc.

Nên xem xét mở rộng đối tượng điều chỉnh của chính sách

Về việc áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù (Điều 5 của dự thảo Nghị quyết), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân tán thành với ba cơ chế đặc thù mà Chính phủ đề xuất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung thêm vào đối tượng điều chỉnh của các chính sách thí điểm này các công trình giao thông quan trọng tại các địa phương cũng như các công trình quan trọng do các Bộ, ngành làm chủ đầu tư được áp dụng cơ chế cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (chỉ nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép (tại khoản 2, Điều 5 của dự thảo Nghị quyết).

Theo đại biểu, các quy định hiện hành và từ báo cáo của Chính phủ thì việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nói chung, bao gồm cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ áp dụng chung mà không phân biệt nhóm, loại khoáng sản cũng như quy mô dự án. Các quy định này dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục (nhanh nhất thì cũng mất 6 tháng mới có thể hoàn thiện các thủ tục). Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, việc thực hiện các thủ tục này chắc chắn sẽ còn kéo dài hơn. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến tiến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư không chỉ riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam mà đây là vướng mắc hiện hữu tại nhiều dự án giao thông quan trọng khác tại các địa phương. “Nếu mở rộng đối tượng điều chỉnh của chính sách sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư công, có tác động thúc đẩy tổng thể hoạt động đầu tư công nói chung. Từ đó, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế chứ không chỉ với các dự án trọng điểm”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận định.

MẠNH TUÂN