Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường:

Chủ động, trách nhiệm cao trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước

- Thứ Tư, 12/01/2022, 08:49 - Chia sẻ
Sau 4,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc vào chiều qua, 11.1, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, thông qua 4 nghị quyết và 1 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật. Đây là những quyết đáp đặc biệt quan trọng của Quốc hội, đáp ứng đúng, trúng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn đất nước đang đặt ra. Nhấn mạnh điều này, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG mong muốn, ngay sau Kỳ họp, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai hiệu quả các nghị quyết, luật ngay từ năm đầu tiên, tạo động lực mới cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xem xét, thống nhất thông qua các nội dung với tỷ lệ rất cao

- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV?

-  Sau 4,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, trí tuệ, Quốc hội đã thông qua 4 nghị quyết gồm: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đây là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay nhưng cũng là những vấn đề rất khó, rất phức tạp, nhiều việc chưa có tiền lệ, nhưng lại đòi hỏi phải được xem xét, quyết đáp ngay trong thời gian rất ngắn của kỳ họp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chủ động, kỹ lưỡng của các cơ quan của Quốc hội và tinh thần trách nhiệm rất cao của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận, xem xét thận trọng, thống nhất thông qua các nội dung với tỷ lệ rất cao.

Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và phối hợp chuẩn bị từ sớm của các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị kỳ họp. Đồng thời, khẳng định Quốc hội, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, kiến tạo nhằm kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid-19.

- Gần 1.100 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 3 phiên họp Tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến. Điều này cho thấy, mặc dù thời gian họp rất ngắn, các vấn đề trình Quốc hội đều rất khó, rất phức tạp nhưng quá trình thảo luận đã được tiến hành rất chi tiết và thận trọng, thưa ông?

- Đúng vậy. Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường nhằm kịp thời quyết đáp các vấn đề thuộc thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân. Mặc dù Quốc hội họp trực tuyến toàn bộ, nhưng các đại biểu Quốc hội tại 63 điểm cầu trong cả nước đã tích cực tham gia, thảo luận, nêu rõ quan điểm và tranh luận làm rõ nhiều vấn đề, hiến kế cho Quốc hội nhiều ý kiến rất xác đáng. Sau mỗi phiên thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến, với sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nỗ lực tối đa, không quản ngày đêm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội để có dự thảo cuối cùng trình Quốc hội thông qua.

Ví dụ, dự thảo Nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo trình Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội đề xuất. Cụ thể, về chính sách miễn, giảm thuế, nghị quyết đã bổ sung một số mặt hàng không được áp dụng mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như: “công nghệ thông tin; chứng khoán; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”; sửa đổi, bổ sung nội dung cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam “cho kỳ tính thuế năm 2022”. Đối với chính sách chi đầu tư, phát triển, Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các nội dung về y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đồng thời đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình.

Về chính sách tài khóa khác, nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động “có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm”; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay “thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Với chính sách tiền tệ, nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung nội dung “nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn”; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, “trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế”…

Tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có

- Với gói chính sách tài khóa, tiền tệ vừa được thông qua, ngoài khoản chi trực tiếp từ ngân sách, Quốc hội đã cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cụ thể như thế nào để bảo đảm nguồn lực thực hiện, thưa ông?

- Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã quyết định cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), trong đó năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định. Riêng với năm 2023, Quốc hội giao Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.

Quốc hội nhấn mạnh, nhu cầu nguồn lực cần được tính toán cụ thể trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương và khả năng giải ngân để xây dựng phương án huy động phù hợp từng thời điểm, thông qua các công cụ như: Phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Ưu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bằng nội tệ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm trong 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp cần thiết phát hành bằng ngoại tệ, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi triển khai.

Cùng với đó là vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm hoặc các nguồn khác theo quy định; cho phép phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Song song với các biện pháp huy động nguồn lực nêu trên, Quốc hội cũng nhất trí đẩy mạnh các biện pháp khác để khai thác các nguồn lực, thông qua việc: sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi trong phạm vi thẩm quyền. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; xây dựng phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình; đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước...

- Quốc hội sẽ giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như thế nào, thưa ông?

- Với tính chất đặc biệt của gói chính sách tài khóa, tiền tệ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thời gian thực hiện rất ngắn, bao phủ rất nhiều lĩnh vực nên ngay trong quá trình xem xét, thảo luận, Quốc hội đã hết sức lưu ý việc giám sát triển khai thực hiện để bảo đảm tối đa hiệu quả của chính sách.

Ngay trong nghị quyết, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã giao Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.

- Để triển khai hiệu quả các quyết đáp đặc biệt của Quốc hội tại Kỳ họp này, theo ông cần lưu ý những vấn đề gì?

- Những quyết đáp của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần này đã đáp ứng đúng, trúng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của đất nước hiện nay khi chúng ta đang phải dồn mọi nguồn lực để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc kỳ họp “tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã tạo ra khí thế mới, thời cơ mới”. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Trong từng nghị quyết, Quốc hội đã xác định rất rõ các yêu cầu đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, kể cả với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các địa phương trong việc tổ chức thực hiện.

Tôi tin rằng, cùng với các chính sách được Quốc hội ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025. 

- Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện