Việt Nam đang "đi ngược xu thế”

- Thứ Năm, 30/06/2022, 17:05 - Chia sẻ

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân bên lề họp báo sáng 29.6, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, Việt Nam dường như đang đi ngược xu thế khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý II, với GDP đạt 7,72%.

Có thể kiểm soát lạm phát

- Tình hình kinh tế - xã hội nửa đầu năm nay có điểm gì đáng chú ý, thưa bà?

Điểm nổi bật là hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức 6,42%; trong đó GDP quý II tăng 7,72% - là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay.

Trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng một số cây lâu năm tăng khá, chăn nuôi ổn định, khai thác gỗ và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng cao. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt quy mô 2,7 triệu nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%, cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây và tăng 14,4% so với 6 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19…

Cùng với đó, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả đã tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn, tăng 13,6% về số doanh nghiệp và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,3%...

- Theo bà, với sức ép lớn từ cơn bão giá, liệu có kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra hay không? 

Trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên. Tuy vậy, nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine còn phức tạp, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Dù vậy, với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, tôi tin chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra. 

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn

- Theo bà, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm nay có khả quan? 

Việt Nam dường như đang đi ngược xu thế khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý II. Việc dỡ bỏ các hạn chế để chống dịch, mở cửa biên giới và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ. Trong đó phải kể đến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, với mức tăng 25,92%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,65%; hoạt động nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 14,01%; ngành dịch vụ khác tăng 16,61%; hoạt động tài chính, ngân hàng bảo hiểm tăng 9,17%; hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng 8,34%...

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là một thách thức lớn khi kinh tế trong nước phục hồi tích cực nhưng chưa đạt được như kỳ vọng đề ra bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, cần độ trễ để phục hồi trong khi tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường…

- Tổng cục Thống kê đề xuất những giải pháp nào để thúc đẩy phục hồi kinh tế hơn nữa? 

Chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu; có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh sử dụng xăng dầu chiếm tỷ trọng cao; bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; đồng thời, tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế.

Về phía chính quyền các địa phương, cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng chỗ ở cho người lao động khi họ quay lại làm việc, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn bị ngừng việc, mất việc, triển khai các túi an sinh xã hội. Cùng với đó, Chính phủ có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2%; đồng thời, triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Quang Khánh thực hiện
#