Thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 18:25 - Chia sẻ

Trong bối cảnh sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thiếu các đòn bẩy, để cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải giải quyết vấn đề hiệu quả trong sản xuất và tránh lãng phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần linh hoạt thích ứng với yêu cầu của khách hàng cũng như cải tiến bộ máy liên tục.  

Đó là thông tin tại Hội nghị Tập huấn cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) diễn ra sáng 30.9.

Thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu  -0
Toàn cảnh Hội nghị

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều áp lực khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo số liệu mới nhất từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Tuy nhiên, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Phó Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Vân, ngày 3.11.2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30.12.2015 về quy trình, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;.

Ngày 23.11.2021, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 19/2021/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư 55/2015/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm chính sách được ban hành, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến và chưa tiếp cận được các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Do đó, Hội nghị Tập huấn cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất là cơ hội để giúp các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội có thể nắm bắt, tiếp cận được cơ chế chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành và TP. Hà Nội. Đồng thời, có thể gia tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội Nguyễn Vân cho biết.

Ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc Công Ty TNHH Giải Pháp Năng Suất Chất Lượng P&Q Solutions thông tin, “báo giá cao” và “hệ thống chất lượng kém tin cậy” là hai nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Mặt khác, chu trình vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn lại; thị trường ngày càng “phẳng” về công nghệ và nguồn cung; áp lực tinh gọn hóa liên tục trong toàn chuỗi cung ứng; chủng loại ngày càng đa dạng, số lượng chủng loại ngày càng giảm; yêu cầu phản ứng thị trường ngày càng ngắn lại; chi phí vốn ngày càng cao, áp lực sinh lời ngày càng lớn… là những áp lực đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu  -0
Cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày

Linh hoạt thích ứng với yêu cầu của khách hàng

Trong bối cảnh sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thiếu các đòn bẩy, Giám đốc Công Ty TNHH Giải Pháp Năng Suất Chất Lượng P&Q Solutions Phạm Minh Thắng cho rằng, để cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải giải quyết vấn đề hiệu quả trong sản xuất và tránh lãng phí. “Cùng với vấn đề chất lượng, doanh nghiệp cần giao hàng kịp thời, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của khách hàng, thỏa mãn toàn diện yêu cầu của khách hàng”, ông Phạm Minh Thắng khuyến nghị.

Về lựa chọn thích ứng của doanh nghiệp, ông Phạm Minh Thắng nêu ví dụ, các triết lý quản lý của Toyota dựa trên 2 trụ cột là tôn trọng con người và cải tiến liên tục. Một doanh nghiệp sản xuất thông thường có hệ thống quản lý tích hợp. Quản trị tinh gọn là một hệ thống các triết lý và công cụ quản lý nhằm liên tục nhận diện và loại bỏ lãng phí. Ngoài ra, ông Thắng cũng cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn phổ biến gồm: ISO 9001; ISO 14001; ISO 45001; IATF 16949.

Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng hướng dẫn Quy trình Cấp giấy xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố.

Thảo Anh