Thay đổi diện mạo nông thôn nhờ khoa học công nghệ

- Thứ Ba, 04/10/2022, 06:28 - Chia sẻ

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đã phải “vắt kiệt” tài nguyên để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng. Nếu chúng ta dùng giải pháp khoa học công nghệ, dùng tri thức hóa thì sẽ vừa giải quyết được vấn đề thâm dụng đó, vừa đem lại tăng trưởng cao hơn.

Tác động to lớn

Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi là Chương trình) được triển khai liên tục, có tính kế thừa: giai đoạn I 2011 - 2015, kéo dài đến 2017 (Quyết định số 27/QĐ-TTg); giai đoạn II (2016 - 2020, kéo dài đến 6.2022 (Quyết định số 45/QĐ-TTg).

Ngày 3.10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình giai đoạn 2016 - 2021 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025.

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, Chương trình đã có tác động to lớn về nhiều mặt, đóng góp vào hoàn thiện cơ sở lý luận cho xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy cơ cấu lại và tăng trưởng ngành nông nghiệp, cải thiện năng suất cây trồng; đồng thời nâng cao năng lực, trình độ cho các đối tượng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2016 - 2021, 100% các nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, đưa vào thực tế xây dựng nông thôn mới. Trên 60% mô hình có triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đối với nhóm sản phẩm chủ lực các cấp. Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền. Hầu hết các mô hình sản xuất đều tăng được hiệu quả từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 20% trong phạm vi dự án. Chương trình cũng đã đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho 11.000 lượt người, vượt chỉ tiêu đề ra 10.000 người.

Diện mạo nông thôn đổi mới nhờ giải pháp về khoa học công nghệ
Diện mạo nông thôn đổi mới nhờ giải pháp về khoa học công nghệ
Nguồn: ITN

Muốn hiệu quả cần bám sát thực tiễn

Với mong muốn tiếp tục lan tỏa hiệu quả của khoa học công nghệ, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, ngày 2.8.2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.

GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, trong giai đoạn mới, Chương trình cần nghiên cứu đề xuất quy hoạch không gian phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bền vững. Ứng dụng công nghệ số để quản lý các vùng sản xuất, cấp mã số vùng sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi), chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Tập trung cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch nông sản, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản. Có những giải pháp phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, hữu cơ và phục vụ du lịch nông thôn. Bên cạnh đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trên cơ sở liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất với chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm.  

Ở góc độ quy hoạch, bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần nâng cao chất lượng sống các khu định cư nông thôn. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội khu định cư nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa. Tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng làng xã thông minh. Nghiên cứu xây dựng khung hạ tầng xanh nông thôn gắn với khung thiên nhiên quốc gia và vùng, miền; phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, cần hướng đến khu vực nông thôn thuần nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, liên kết vùng nông thôn thuần nông với các đô thị và vùng phát triển. Phát triển nông thôn mới kết hợp với quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới hải đảo. Xây dựng bản làng dân tộc thiểu số xanh, thông minh, trong đó phát triển nguồn lực tại chỗ xây dựng cơ sở hạ tầng. Thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái nông thôn thuần nông, lâm, ngư nghiệp, cần phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo kinh tế tuần hoàn... “Nếu làm rõ được những vấn đề ưu tiên trên, Chương trình sẽ đạt được bước đột phá, xây dựng nông thôn Việt Nam có mức tăng trưởng khá trong tương lai”, bà Phạm Thị Nhâm nhấn mạnh.

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước đề xuất, cần có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu về thu hoạch bảo quản sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp xanh. Các đề án phải được triển khai hiệu quả, nhân rộng mô hình. Để giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống, phải gắn văn hóa với sản xuất, đời sống sinh kế của bà con.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chúng ta không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ qua đề tài mà còn góp phần chuyển giao tri thức, tăng tính chuyên nghiệp, chuẩn hóa cho nông dân, hợp tác xã, từ đó giá trị cũng tăng theo. Bộ trưởng yêu cầu trong giai đoạn mới, các nghiên cứu khoa học trong nông thôn mới cần song hành với việc chuyển hóa tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi đề tài nghiên cứu cần tích hợp nhiều yếu tố, kết nối nhiều nhà khoa học thành một thể thống nhất. Các đề tài có thể thực hiện từ trên xuống dưới, nhưng cũng có thể thực tiễn từ đồng ruộng, từ địa phương và phải dùng khoa học công nghệ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Các đề tài phải được quảng bá tiếp thị, khi thị trường chấp nhận thì đề tài sẽ hiệu quả. 

Hạnh Nhung