Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Tạo môi trường để các doanh nghiệp cùng nỗ lực

- Chủ Nhật, 02/10/2022, 05:57 - Chia sẻ

“Trong một khu công nghiệp, nếu chỉ một doanh nghiệp bảo đảm nước thải ra môi trường đạt chuẩn, thậm chí theo chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp còn lại vẫn vi phạm xả thải vượt chuẩn vào hệ thống chung thì không thể có động lực cho tăng trưởng xanh”.

Ứng dụng công nghệ mới - giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Ảnh ITN
Nguồn: ITN

Thông điệp mà Giám đốc R&D và Phát triển kinh doanh, Tập đoàn PAN Nguyễn Trung Anh đưa ra tại Hội thảo "Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững - Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp" diễn ra mới đây, nhằm khẳng định: Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, chỉ nỗ lực của từng doanh nghiệp là chưa đủ!

Nhiều kết quả khả quan

Việt Nam là một trong những nước ở khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan.

Cụ thể, qua gần 10 năm triển khai Chiến lược, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt. Lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của Việt Nam đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) trong giai đoạn 2011 - 2015…

Tái khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững quốc gia, ngay trước thềm Hội nghị COP 26 tháng 11.2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Tháng 7.2022, Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg).

Để thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng vì đó chính là chủ thể đầu tư, tác động trực tiếp và toàn diện đến môi trường, xã hội. Trên thực tế, những năm gần đây, nhận thức của doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn đã nâng lên rõ rệt, từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020. Các doanh nghiệp cũng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số, hướng tới mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn và bền vững - giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.

Khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là xu thế và cũng là yêu cầu tất yếu. Theo các chuyên gia, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, như nhiều bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức tới tăng trưởng xanh, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa đồng bộ… song vượt qua các thách thức cũng chính là cơ hội.

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Việt Anh cho rằng, Việt Nam có “cơ hội chưa từng có từ sự thay đổi sâu sắc về tư duy và nhận thức của toàn xã hội hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế xanh sau đại dịch Covid-19”. Bên cạnh đó, chúng ta đã có quá trình chuẩn bị từ trước (từ năm 2012 với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050), xu hướng toàn cầu về chuyển hướng sang tăng trưởng xanh là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, theo các chuyên gia, cần tập trung vào các giải pháp mang tính xuyên suốt từ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, truyền thông, nâng cao nhận thức đến huy động nguồn lực tài chính… trong giai đoạn 2021 - 2030.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia, ông Lê Việt Anh cho biết, Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp như: Chủ trì hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp ngành và địa phương, hướng dẫn tích hợp trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành; nghiên cứu xây dựng lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng trung hòa carbon.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan về đầu tư - doanh nghiệp, chẳng hạn như: xây dựng cơ chế ưu đãi cụ thể đối với các doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ xanh; chính sách về khu công nghiệp sinh thái, áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy huy động nguồn lực, điều phối các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, nguồn tài chính khí hậu - nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc R&D và Phát triển kinh doanh, Tập đoàn PAN Nguyễn Trung Anh cho rằng, đầu tư cho tăng trưởng xanh không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích tức thì. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và quyết tâm theo đuổi định hướng phát triển bền vững. Đặc biệt, phải tạo ra môi trường để các doanh nghiệp cùng nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững.

“Trong một khu công nghiệp, nếu chỉ một doanh nghiệp bảo đảm nước thải ra môi trường đạt chuẩn, thậm chí theo chuẩn quốc tế, mà các doanh nghiệp còn lại vẫn có vi phạm xả thải vượt chuẩn vào hệ thống chung thì không thể có được động lực cho tăng trưởng xanh. Tức là, không chỉ một doanh nghiệp mà cần nhiều doanh nghiệp chung và hơn hết là các cơ quan quản lý phải bảo đảm sự kiểm tra, giám sát để các bên cùng hành động. Cơ chế phải tạo khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được ghi nhận”, ông Nguyễn Trung Anh nhấn mạnh.

Minh Châu