Tăng kinh phí, mở rộng đối tượng hỗ trợ

- Thứ Hai, 26/09/2022, 06:27 - Chia sẻ

Để hoạt động khuyến công ngày càng hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, các địa phương đề xuất Bộ Công thương tăng kinh phí và mở rộng đối tượng được thụ hưởng chương trình.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nam Lê Nguyên Ngọc:
Khôi phục khuyến công sau ảnh hưởng của dịch

Tăng kinh phí, mở rộng đối tượng hỗ trợ

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã có bước phát triển đúng hướng song vẫn còn gặp nhiều hạn chế và chịu ảnh hưởng của đại dịch. 

Để chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh bảo đảm tính thiết thực, nhanh chóng khôi phục hoạt động sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hà Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công. Chú trọng xây dựng đề án khuyến công điểm, đề án nhóm tạo sức lan tỏa: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt hoạt động khuyến công; chủ động hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng hoàn thành tốt các dự án được phê duyệt.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các đề án đúng tiến độ, bảo đảm sử dụng các nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích, hiệu quả và đúng quy định. Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Dự báo về tình hình kinh tế, thị trường, những tác động tích cực và tiêu cực đối với lĩnh vực công nghiệp nông thôn, từ đó đưa ra các khuyến cáo, định hướng về nhu cầu thị trường, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Bộ Công thương, Cục Công thương địa phương tiếp tục quan tâm tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến công quốc gia để hỗ trợ ngày càng nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng. Bên cạnh đó, nâng cao sự kết nối giữa các tỉnh để phát triển khuyến công theo chuỗi, các tỉnh cần có những trao đổi với nhau để tạo thị trường tiêu thụ tốt hơn.

Giám đốc Sở Công thương Hải Dương Trần Văn Hảo:
Mở rộng đối tượng thụ hưởng 

Tăng kinh phí, mở rộng đối tượng hỗ trợ

Để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19, ngoài việc địa phương nỗ lực thúc đẩy hoạt động khuyến công, Bộ Công thương cần tham gia ý kiến với Bộ Tài chính có chính sách cụ thể hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất hàng năm làm trụ sở đối với các Trung tâm Khuyến công các tỉnh thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số: 16/2011/TTLT-BCT-BNV ngày 05/04/2011 của Bộ Công thương và Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, trong đó quan tâm hơn đến chức năng hỗ trợ duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống.

Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn trong việc hình thành và nguồn kinh phí chi trả cho mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công. Xem xét mở rộng các đối tượng được hưởng lợi về chính sách khuyến công đến các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở phường, thị xã, thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tăng cường nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cũng như tăng mức hỗ trợ kinh phí cho mỗi đề án khuyến công để khuyến khích các cơ sở bỏ vốn đầu tư phát triển công nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên Phan Bá Trường:
Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Tăng kinh phí, mở rộng đối tượng hỗ trợ

Không thể phủ nhận hiệu quả và sức lan tỏa của các hoạt động khuyến công, song tại Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc nói chung, nguồn kinh phí cho các hoạt động khuyến công còn hạn chế so với nhu cầu. Việc kiểm tra giám sát thực hiện đề án chưa được thường xuyên. Công tác tổng hợp nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện, thành phố chưa được kịp thời do chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực khuyến công ở cấp huyện. Các ngành nghề tham gia đăng ký vẫn chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bề nổi chưa thực sự đi vào khai thác chiều sâu để tận dụng hết tiềm năng thế mạnh. Do đó, chất lượng của các hoạt động khuyến công vẫn còn hạn chế.

Trước thực tế đó, để nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến công, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ, chương trình khuyến công có trọng tâm, trọng điểm. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng tích cực.

Ngoài ra, đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Lồng ghép có hiệu quả hoạt động khuyến công với các chương trình mục tiêu gắn với các chuỗi giá trị sản xuất bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hạnh Nhung