Sức ép rất lớn...

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 15:58 - Chia sẻ

Trong lần điều chỉnh ngày 23.5, giá xăng RON 95 ở mức 30.650 đồng/lít, tăng 670 đồng/lít; xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng/lít, tăng 680 đồng/lít. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, tạo sức ép rất lớn với nền kinh tế.

Trả lời trên báo chí về giá xăng dầu năm nay, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, có khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng cao, nhất là khi nguồn cung trong nước vẫn chưa ổn định, chuỗi cung ứng xăng dầu trên thế giới bị gián đoạn. Do đó, giải pháp quan trọng trong điều hành là phải bám sát tình hình, đồng thời theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về tiến độ nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ Công thương cũng đã lên kịch bản của cả năm cũng như kịch bản của từng quý, hàng tháng, liên tục rà soát lại các nguồn từ trong nước và nhập khẩu để bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng...

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới nên khi giá thế giới tăng, tất yếu giá trong nước cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu tăng cao sẽ có tác động rất lớn đến quá trình phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid - 19. Cho nên câu hỏi đặt ra là liệu có còn dư địa để giảm giá hay không?

Thực tế, xăng dầu đang phải chịu 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán, thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít. Ngoài ra, mỗi lít xăng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bởi vậy, theo ý kiến của một đại biểu Quốc hội thì nên giảm một số lệ phí cấu thành nên giá xăng dầu, ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng nhưng giảm như thế nào để cân bằng thu chi cần xem xét kỹ lưỡng. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, giai đoạn tới cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Ý kiến của nhiều chuyên gia khác băn khoăn về việc áp dụng cả thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, trong khi xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ. Vậy nên, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp giảm giá, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp...

Về bản chất, xăng dầu không phải khan hiếm nhưng do bị "đứt gãy" nguồn cung nên trong một giai đoạn nhất định hàng hoá không chuyển tiếp tới người tiêu dùng nên giá xăng dầu bị đẩy lên cao, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Bởi vậy, điều quan trọng ở đây là cần có giải pháp điều hành linh hoạt, đồng thời cân nhắc sử dụng các công cụ cần thiết để có mức giá phù hợp.

Ninh Khương
#