Phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm

- Thứ Sáu, 12/08/2022, 06:34 - Chia sẻ

Theo Bộ Tài chính, luỹ kế 7 tháng (tính đến ngày 20.7.2022), khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt trên 262.000 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021.

52,3% trái phiếu có tài sản bảo đảm

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, có 52,3% khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm. Lãi suất phát hành bình quân là 8,12%/năm, tăng 0,22% so với bình quân năm 2021; kỳ hạn phát hành bình quân là 3,64 năm, tăng 0,13 năm so với 2021.

Về cơ cấu phát hành, các ngân hàng thương mại đạt cao nhất với 33,6%; kế đến là các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,58% và xây dựng đạt 9,41%; doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đạt 4,1%; doanh nghiệp sản xuất đạt 8,7%.

Về cơ cấu nhà đầu tư sơ cấp, các ngân hàng thương mại mua 46,45% tổng khối lượng phát hành; các công ty chứng khoán mua 22,73%; các tổ chức và cá nhân mua 27,3% tổng khối lượng phát hành.

Hiện, Bộ Tài chính đang khẩn trương lấy ý kiến lần 2 các cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất.

7 tháng đầu năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ. Nguồn VGP
7 tháng đầu năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ. Nguồn: VGP

Chỉ mua khi nắm rõ thông tin

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Dù vậy, thị trường tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn, thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát hiệu quả.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, có 5 rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp:

Một là, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Vì thế, nhà đầu tư cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không bảo đảm được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Hai là, theo quy định của pháp luật hiện hành, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp vốn có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra; không được cơ quan quản lý cấp phép, khác với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng. Thực tế, thời gian qua, một số nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại).

Ba là, nhà đầu tư cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo đảm an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được giới thiệu là có bảo lãnh thì nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành.

Năm là, tài sản bảo đảm của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Hiện, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, phần lớn tài sản bảo đảm là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán)… Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản bảo đảm, chất lượng, giá trị của tài sản bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.

Từ những rủi ro trên, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư phải nắm rõ thông tin về trái phiếu, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải trước khi quyết định đầu tư; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Trước đó, ngày 20.7, Bộ trưởng Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, nếu phát hiện hành vi vi phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thiên An