Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

- Thứ Hai, 26/09/2022, 06:04 - Chia sẻ

Năm 2022, 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Các địa phương mong muốn những hạn chế về nguồn kinh phí, nguồn lực, cơ sở hạ tầng, các vướng mắc chính sách... sớm được tháo gỡ để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác khuyến công, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Khuyến công là trợ lực phục hồi

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Bình Hoàng Trung Kiên cho biết, thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động đã tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất bị gián đoạn, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là giá xăng, dầu... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, công nghiệp của tỉnh Ninh Bình vẫn duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ sự chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch và triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến công.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc -0
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khuyến công. Nguồn: ITN

Cụ thể, chỉ số công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 toàn tỉnh Ninh Bình tăng 5,83%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 toàn tỉnh đạt 100.105 tỷ đồng, vượt 3,8% kế hoạch năm và tăng 6,9% so với năm 2020. Trong 9 tháng năm nay, chỉ số IIP toàn tỉnh ước tính tăng 2,1% so với cùng kỳ. Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt 73.128 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 67% kế hoạch năm.

“Mức độ ảnh hưởng, sức lan tỏa của hoạt động khuyến công đến các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng cao”, là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hòa Bình Dương Quốc Thắng.

Theo ông Thắng, các đề án được giao trong 9 tháng năm nay đã triển khai đúng theo yêu cầu của Hợp đồng, dự kiến nghiệm thu hoàn thành trong tháng 9. Số lượng các đề án, dự án hàng năm tăng lên và đã khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Cũng nhờ hoạt động khuyến công, một số địa phương đã khôi phục nghề truyền thống và mở thêm ngành nghề mới, góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn.

Gỡ vướng về chính sách

Năm 2022, 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Các địa phương mong muốn thời gian tới, những hạn chế về nguồn kinh phí, nguồn lực, cơ sở hạ tầng, các vướng mắc chính sách... sẽ được tháo gỡ.

Cụ thể, ông Hoàng Trung Kiên đề xuất, các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hàng năm phải bảo đảm đúng nội dung, tiến độ, phù hợp với chương trình khuyến công giai đoạn đã được phê duyệt. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành đề án theo đúng nội dung, tiến độ và sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ chính sách. Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước. Bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn vướng mắc, nhu cầu đầu tư đổi mới máy móc thiết bị để lựa chọn hỗ trợ kịp thời. Tăng cường quản lý nhưng cũng giảm bớt thủ tục hành chính cho các cơ sở được lựa chọn tham gia hoạt động khuyến công. Đặc biệt, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.

Đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hòa Bình cũng đề nghị, Bộ Công thương, Cục Công thương địa phương quan tâm ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công quốc gia cho các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Hiện, một số cơ sở công nghiệp nông thôn muốn được hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương theo từng năm để đầu tư trọng tâm, trọng điểm trong chế biến sâu cho một loại sản phẩm mũi nhọn. Tuy nhiên, khi khảo sát cơ sở và đối chiếu với quy định tại khoản 4, Điều 5 Thông tư số 28/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính (cam kết của tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc thụ hưởng từ đề án khuyến công chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ) và khoản 3, Điều 6 Thông tư 28/2018/TT-BTC (hướng dẫn, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công) quy định: có 10 nội dung chi thì không thực hiện được đề án hỗ trợ. Bộ Công thương, Cục Công thương địa phương cần có ý kiến với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các quy định này.

Thống nhất với các ý kiến trên, Sở Công thương Hải Phòng nhấn mạnh, chính sách về khuyến công cần tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Chú trọng hỗ trợ các ngành nghề có lợi thế của địa phương, tăng cường thiết lập mối quan hệ để thu hút thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp, khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp có uy tín, năng lực để xây dựng đề án khuyến công chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển.

Hạnh Nhung