Đừng để visa cản khách quốc tế đến Việt Nam

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 05:48 - Chia sẻ

Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, để mở cửa hoàn toàn du lịch, chính sách miễn thị thực (visa) quan trọng hàng đầu. Tuy vậy, chúng ta đang vướng ở chính khâu này khi chính sách visa chưa thực sự cởi mở, thậm chí khắt khe.

Ông Nguyễn Châu Mỹ, Phó tổng giám đốc Công ty Oxalis Adventure: Khách quốc tế thưa vắng vì bất cập visa

Phó Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure, Nguyễn Châu Mỹ

Du lịch đã mở cửa hơn 2 tháng, nhưng chính sách visa chưa cởi mở nên lượng khách quốc tế chưa nhiều, thậm chí “thưa vắng”. Dù đây chưa phải thời điểm đón khách quốc tế đông, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì đến mùa cao điểm cũng sẽ không đón được nhiều khách.

Khó khăn thể hiện rõ qua các quy định. Ví dụ người nước ngoài muốn đến Việt Nam khi xin thị thực điện tử (e-visa) bắt buộc phải mua chương trình tour thông qua các công ty du lịch trong danh sách được chỉ định. Khi các công ty phát hành giấy bảo lãnh thì du khách mới xin được visa. Nhiều khi khách chờ visa điện tử rất lâu nhưng chưa chắc nhận được nên phải hủy vé. Với những bất cập thế này, du khách sẽ không chọn Việt Nam làm điểm đến. Thay vào đó, họ sẽ chọn các nước thông thoáng hơn về chính sách visa, nhất là đối tượng khách du lịch theo hướng trải nghiệm, ngắn ngày...

Nhìn rộng ra các nước trong khu vực, Thái Lan hiện đã miễn thị thực tới 60 ngày cho nhiều lần nhập cảnh; Indonesia là 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn. Để chính sách visa không cản trở khách quốc tế đến Việt Nam, các doanh nghiệp rất mong muốn mở rộng diện miễn thị thực, nâng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Cùng với đó, áp dụng thị thực xuất, nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn; giảm giấy tờ và thủ tục với doanh nghiệp lữ hành, với du khách; đơn giản thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu.

PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Visa "cởi mở" mang lại nguồn thu lớn

Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Phạm Hồng Long

Việt Nam xác định du lịch là ngành mũi nhọn để phục hồi kinh tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Chúng ta mở cửa hoàn toàn du lịch với kỳ vọng sẽ kích hoạt tăng trưởng một loạt ngành nghề liên quan như hàng không, thương mại, lữ hành, hệ thống lưu trú, xuất khẩu...

Tuy nhiên, đón khách quốc tế lại không đạt được như kỳ vọng bởi nhiều yếu tố, quan trọng nhất là chính sách thị thực vẫn còn bất cập, ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đủ cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Xu thế bây giờ phải tạo môi trường hấp dẫn để khách chọn đến và chi tiêu nhiều nhất. Nếu cởi mở về visa hơn, chắc chắn du khách sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến, tăng doanh thu cho ngành. Việt Nam phải xác định chính sách miễn thị thực hướng đến những thị trường đã mở cửa, đặc biệt là châu Âu vì có các quốc gia rất phát triển, nguồn khách lớn. Bên cạnh đó, miễn visa cũng nên hướng đến những thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ. Vấn đề visa đôi khi còn là chính sách song phương, có tầm ảnh hưởng lẫn nhau, do đó cần cân nhắc sớm vấn đề này.

Nếu Chính phủ điều hành theo hướng mở rộng diện miễn visa thì đây sẽ là biện pháp kích cầu tốt nhất. Chúng ta đã có sự thông thoáng về y tế, tạo dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có được sự liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp... Do đó, cần sớm tháo gỡ rào cản này để du lịch phát triển đúng với tiềm năng và kỳ vọng. 

Ông Hồ Văn Tín, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Nha Trang: Không thông thoáng sẽ mất cơ hội

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Nha Trang, Hồ Văn Tín

Xu hướng hiện nay của khách du lịch là chọn những điểm đến có độ mở cao về thị thực nhập cảnh. Quốc gia nào đáp ứng được vấn đề này sẽ có cơ hội thu hút khách quốc tế lớn nhất.

Nước ta hiện đã trở lại như thời điểm chưa có dịch bệnh nhưng chính sách visa vẫn chặt chẽ quá. Thời điểm này, cần có chính sách thông thoáng, phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho du khách như: xem xét miễn thị thực cho các nước; không cần phức tạp các thủ tục, làm thế nào cấp visa đóng dấu ngay tại cửa khẩu. Ngoài ra, cần nâng số ngày được miễn thị thực lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay để tạo điều kiện cho du khách ở lại lâu hơn, như thế nền kinh tế mới có lợi.

Các sản phẩm du lịch của Việt Nam được thế giới đánh giá rất hấp dẫn. Chúng ta phải tạo sức hút cho du lịch Việt Nam bằng những chính sách thông thoáng, trong đó có vấn đề miễn thị thực. Nếu không mạnh dạn mở rộng cánh cửa du lịch thì cả ngành này và nền kinh tế sẽ mất cơ hội phục hồi.

Hạnh Nhung