Chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ...

- Thứ Năm, 30/06/2022, 09:09 - Chia sẻ

Trả lời tại Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV vừa qua về việc triển khai thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, nếu đến ngày 30.6, các trạm BOT ngoài Tổng Công ty Đường cao tốc chưa hoàn thành sẽ cho dừng thu phí, tập trung làm, khi nào xong sẽ thu phí lại. Với các trạm thuộc Tổng Công ty Đường cao tốc, đến 31.7, nếu không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ xả trạm, khi nào lắp xong sẽ cho thực hiện lại.

Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng. Theo đó, Thông báo nêu rõ, thu phí theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho hình thức thu phí thủ công là văn minh, hiện đại, giảm chi phí xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí.

Việc triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng là yêu cầu bắt buộc đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, cụ thể thể là Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21.10.2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17.6.2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27.2.2018, Chỉ thị số 39/CT-TTg ngày 17.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ... Các văn bản này đã quy định đầy đủ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng...

Tuy nhiên, để thực hiện thành công chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực, nỗ lực hơn nữa để triển khai hệ thống theo đúng kế hoạch. Tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thành lắp đặt các làn thu phí còn lại trước ngày 31.7.2022 để triển khai thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc kể từ ngày 1.8.2022, trong đó triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc...

Lợi ích của việc triển khai thu phí không dừng đã rất rõ ràng nhưng thực tế việc triển khai luôn "vỡ" kế hoạch bởi nhiều lý do. Thậm chí, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phải đặt câu hỏi rằng vì sao thu phí không dừng giúp minh bạch hơn trong việc kiểm soát và tiền thu phí nhưng các đơn vị ngần ngại triển khai? Và việc chậm triển khai có thiếu minh bạch, có lợi ích nhóm hay không?

Có nhiều lý do đã được đưa ra để giải thích cho việc triển khai thu phí tự động không dừng không đạt yêu cầu đã đề ra như không có kinh phí triển khai; do doanh thu hoàn vốn không như dự kiến ban đầu; nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu đã ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án... Những lý do này chỉ có thể đúng trong những thời điểm nhất định chứ không thể luôn được coi là "lá bùa" để "biện minh" cho việc chậm, không hoặc chưa triển khai thu phí tự động không dừng.

Cho nên, cái chính ở đây là ngoài sự quyết tâm của Chính phủ, phải có giải pháp cụ thể, kèm đó là chế tài xử lý nghiêm minh với các đơn vị không triển khai thực hiện. Nếu không, mục tiêu hoàn thành lắp đặt các làn thu phí còn lại trước ngày 31.7.2022 để triển khai thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc kể từ ngày 1.8.2022 và triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc sẽ vẫn chỉ là dự kiến...

Khương Ninh
#