Bảo đảm mục tiêu phục hồi, phát triển trong trung, dài hạn

- Thứ Sáu, 01/07/2022, 21:04 - Chia sẻ

Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31.12 và đề xuất giảm thuế suất ưu đãi nhập khẩu với xăng sẽ giúp giảm giá xăng dầu trong thời gian tới. Cụ thể, đối với thuế bảo vệ môi tường, Bộ Tài chính đề xuất giảm với mặt hàng xăng là 1.000 đồng/lít, các loại dầu giảm 700 đồng/lít, kg.

Ngoài ra, để thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng, góp phần giảm chi phí nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống còn 12%.

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nên giá tăng liên tục và liên tiếp lập kỷ lục từ đầu năm nay đã đẩy giá cả các mặt hàng, dịch vụ tăng theo, khiến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, đã có nhiều ý kiến đề nghị cần sử dụng công cụ thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu vì hiện mỗi lít xăng đang phải chịu 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng RON 95 là 10% và xăng E5 RON 92 là 8%; thuế bảo vệ môi trường từ 1.900-2.000 đồng với xăng, 1.000 đồng/lít với dầu và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.

Bên cạnh đó, với giá giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu. Như vậy, trong cơ cấu giá bán lẻ mỗi lít xăng, dầu, tùy từng thời điểm đang phải chịu khoảng 34 - 35% thuế, chi phí.

Thực tế, để giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã chọn thuế bảo vệ môi trường và đề xuất giảm từ 1.8 tới nhưng với mức giảm 1.000 đồng đối với xăng và 500 đồng với dầu nhưng nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm này là quá ít và không còn nhiều tác dụng như việc giảm thuế bảo vệ môi trường cách đây vài tháng.

Giải pháp căn cơ hơn, một chuyên gia cho rằng, nên giảm loại thuế gián thu như thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT) sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn. Bởi đây là các loại thuế gián thu - thu trên tỷ lệ giá nhập khẩu và thuế nhập khẩu. Khi giá nhập khẩu xăng thành phẩm càng cao, thuế thu từ các loại thuế này càng lớn, tức giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng thì số thu các loại thuế này cũng cao hơn dù thuế suất không đổi.

Bên cạnh đó, tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt hay VAT giảm sẽ giúp giảm tương đối giá bán lẻ xăng dầu hơn là tiếp tục giảm thuế môi trường khi dư địa còn lại không còn nhiều...

Cân đối ngân sách là một trong những lý do khiến cơ quan chức năng thận trọng khi quyết định giảm loại thuế nào, hoặc thậm chí là không giảm. Tuy nhiên, bản chất giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu không phải giảm thu hay "hy sinh" ngân sách mà là điều chỉnh phù hợp với giá thế giới. Và điều quan trọng hơn là giảm thuế sẽ giúp hạn chế việc tạo lập mặt bằng giá mới, bảo đảm mục tiêu phục hồi, phát triển trong trung - dài hạn.

Sau 7 lần tăng liên tiếp, từ 15h ngày 1.7, giá xăng E5 RON 92 đã được điều chỉnh giảm 410 đồng. Xăng RON 95-III giảm 110 đồng và dầu diesel giảm 400 đồng. Với việc điều chỉnh này, hiện giá xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng/lít, xăng RON 95-III về mức 32.760 đồng/lít.
Ninh Khương
#