Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Bài cuối: Củng cố địa vị pháp lý cho cơ quan thuế

- Thứ Năm, 30/06/2022, 19:25 - Chia sẻ

Trong bối cảnh thất thu thuế từ thương mại điện tử rất lớn, ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, lấy công nghệ thông tin làm nòng cốt và từng bước hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Theo các chuyên gia, cần sửa đổi quy định pháp luật, trong đó xem xét củng cố địa vị pháp lý cho cơ quan thuế.

Không để giao dịch nằm ngoài kiểm soát cơ quan thuế

Với quyết tâm không để giao dịch thương mại điện tử nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan thuế, trên thực tế, ngành thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Bài cuối: Củng cố địa vị pháp lý cho cơ quan thuế -0
Một số địa phương đã xây dựng Đề án về chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến

Về phía Tổng cục Thuế, thời gian qua đã từng bước hiện đại hóa công tác quản lý để hỗ trợ nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức điện tử tại Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu xây dựng giải pháp kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử và thông tin từ các cơ quan nhà nước có liên quan để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), trên cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ phân tích rủi ro, trong đó có áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động này.

Về phía các địa phương cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu về thuế để thống nhất, chia sẻ và kết nối thông tin; đẩy mạnh điện tử hóa ở tất cả các khâu quản lý thuế; thậm chí là xây dựng Đề án về chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến…

Bài cuối: Củng cố địa vị pháp lý cho cơ quan thuế -0
Cán bộ Chi cục Thuế Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xét duyệt hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp, người dân

Tại TP. Hồ Chí Minh hiện có gần 20.500 website thương mại điện tử bán hàng, hơn 570 website cung cấp trang thương mại điện tử. Thành phố cũng có 35,7% số doanh nghiệp đã xây dựng website độc lập với các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Đại diện Cục Thuế thành phố đã kiến nghị UBND thành phố nhiều giải pháp siết chặt hơn nữa các luồng hàng thông qua các sàn thương mại điện tử và việc thanh toán không dùng tiền mặt; có quy định đối với việc mua bán trên sàn thương mại điện tử phải thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát dòng tiền cũng như bảo đảm thực hiện các việc liên quan đến nghĩa vụ thuế.

Còn tại Lâm Đồng, UBND tỉnh mới đây đã có chỉ thị về triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử. Trong đó, yêu cầu Cục Thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập các thông tin doanh nghiệp, thu thập thông tin, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google, Youtube... Triển khai nghiên cứu khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế để thanh lọc danh sách các đơn vị liên quan kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, đề nghị cung cấp thông tin phục vụ quản lý thuế; đồng thời nhận diện 5 nhóm kinh doanh thương mại điện tử để triển khai các biện pháp quản lý thuế…

Tương tự, tỉnh Quảng Ninh cũng rà soát, phân loại, cập nhật thông tin các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ thương mại điện tử. Tỉnh cũng xác định đẩy nhanh triển khai các đề án hiện đại hóa của ngành thuế như: hóa đơn điện tử; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là đăng ký, khai, nộp, hoàn thuế điện tử của cá nhân được triển khai rộng rãi, đồng bộ với dữ liệu dân cư và Cổng Dịch vụ công quốc gia, sử dụng tiện lợi trên mạng internet qua ứng dụng thuế điện tử và eTax Mobile dùng trên thiết bị di động; đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mặc dù thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử rất gian nan nhưng Bộ sẽ cố gắng, tiếp tục thực hiện kê khai; xây dựng cổng quy định mức thu và thông báo, vận động, giải thích để cho các sàn thương mại điện tử và các ông chủ công nghệ phải đăng ký nộp thuế. Bộ cũng đang nghiên cứu và tìm phương án tối ưu để thực hiện được vấn đề thu thuế trên sàn thương mại điện tử.

Xem xét lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao

Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam được Bộ Tài chính phê duyệt mới đây đã xác định rõ lộ trình đến năm 2025. Theo đó, một mặt sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hoá công tác quản lý thuế; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thương mại điện tử… Mặt khác, ngành thuế sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với thương mại điện tử nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng tình với các giải pháp mà Đề án đưa ra, các chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là yếu tố then chốt để công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử hiệu quả.

Bài cuối: Củng cố địa vị pháp lý cho cơ quan thuế -0
Nhiều chuyên gia đề nghị có chế tài phạt nặng buộc các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử trong nước nói riêng và nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật

Trên thực tế, việc đánh thuế trực thu đối với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube, Netflix… là không dễ dàng. TS. Nguyễn Ngọc Tú, Trường Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội đề nghị cần bổ sung kinh doanh thương mại điện tử vào danh mục đăng ký kinh doanh; phân định rạch ròi hộ kinh doanh khoán thuế truyền thống nộp thuế riêng với thuế thương mại điện tử, không lẫn lộn giữa thuế truyền thống và thương mại điện tử tạo sự minh bạch dễ thực hiện; liên kết với nước thứ ba để quản lý thuế…. Ngoài ra, cần có chế tài phạt nặng buộc các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử trong nước nói riêng và nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính bổ sung, cần sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế; phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. Đồng thời, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với thương mại điện tử trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão hiện nay.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, cần nghiên cứu thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế để phục vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế là tổ chức ở nước ngoài có giao dịch xuyên biên giới, cá nhân có thu nhập cao, các giao dịch không bằng tiền mặt (qua ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, thanh toán ngang hàng, tiền ảo...).

Một vấn đề được chuyên gia chỉ ra là cần xem xét củng cố địa vị pháp lý cho cơ quan thuế, theo hướng cho phép Tổng cục Thuế có chức năng điều tra. Theo quy định hiện hành, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển, kiểm ngư, công an nhân dân, quân đội nhân dân. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số diễn ra khá sôi động, cần đặt ra chức năng này cho cơ quan thuế. Vấn đề này cần được nghiên cứu thấu đáo để góp phần hữu hiệu cho quản lý thuế trong nền kinh tế số.

Thực tế cho thấy, để quản lý thuế hiệu quả không chỉ là công việc riêng của ngành thuế mà cần sự vào cuộc của các bên liên quan. Do vậy, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành xác định nhân thân của người nộp thuế.

Cùng với đó, vai trò của ngành ngân hàng cũng cần được phát huy. Việc bổ sung quy định bất kỳ khoản thanh toán nào cho các doanh nghiệp thương mại điện tử đều phải được thực hiện qua tài khoản ngân hàng thương mại, hoặc tài khoản thanh toán trung gian đã đăng ký trước với cơ quan thuế được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm việc thu thuế công bằng, hiệu quả đối với hoạt động trên môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tựu trung, trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ hiện nay, việc cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội về hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử buộc Bộ Tài chính cần đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn quá trình này. Đây là cơ sở quan trọng để lấp lỗ hổng, tránh thất thu cho ngân sách cũng như bảo đảm bình đẳng, công bằng về nghĩa vụ thuế, đồng thời tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân! 

Vũ Minh
#