Muốn chuyển đổi số thành công, lãnh đạo phải quyết tâm

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 06:25 - Chia sẻ

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 diễn ra ở Hà Nội trong 2 ngày 25 - 26.5, các doanh nghiệp cho rằng muốn chuyển đổi số thành công trước hết lãnh đạo phải quyết tâm.

Covid thúc đẩy chuyển đổi số

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Xuân Hoàng, Việt Nam bàn về chuyển đổi số từ năm 2018. Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành một khái niệm phổ biến, một vấn đề nóng từ trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân, doanh nghiệp.

Diễn đàn thu hút hơn 2.500 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự
Diễn đàn thu hút hơn 2.500 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Ảnh: Q. Khánh

Hai năm qua, dịch Covid-19 đẩy nhanh tốc độ của chuyển đổi số của các doanh nghiệp, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc khối tư vấn Chiến lược và Đổi mới sáng tạo FPT Digital nhận định. Chúng ta đều biết rằng việc áp dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đó là cách tiếp cận ban đầu, còn thực tế hiện nay, các doanh nghiệp lớn trên thế giới tiếp cận với chuyển đổi số như là một hướng đi chiến lược bắt buộc phải thực hiện để phát triển bền vững. Thông qua công nghệ, các đơn vị sẽ khắc phục khoảng cách địa lý, việc kết nối với các đối tác trong hệ sinh thái thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy vậy, khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam  cho thấy, 69% doanh nghiệp được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.

Bà Nguyễn Hà Giang, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty CP Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI cho biết, thực trạng chung hiện nay là các doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu; không có lộ trình rõ ràng; quản lý và điều hành thủ công; dữ liệu phân mảnh, chưa được số hóa; sử dụng quá nhiều công cụ phần mềm; và quyết tâm từ ban lãnh đạo chưa triệt để.

Lãnh đạo ở trung tâm quá trình chuyển đổi số

Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Giang cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn chuyển đổi số thành công cần bắt đầu thay đổi từ bộ máy lãnh đạo. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần đồng thuận và quyết tâm với chuyển đổi số, đồng thời đề ra chiến lược tổng thể. Tiếp đó, cần lập kế hoạch và lộ trình theo từng giai đoạn, xây dựng, triển khai các kế hoạch đó trong thực tiễn. Cuối cùng, doanh nghiệp cần xây dựng kho dữ liệu tổng thể và ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, Blockchain, Cloud để đưa ra các mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

Cùng quan điểm, ông Đặng Duy Khánh, Giám đốc Chuyển đổi số khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tập đoàn VNPT cho biết, khi chuyển đổi số, lãnh đạo số là yếu tố đứng đầu. Lãnh đạo ở trung tâm quá trình chuyển đổi số với 4 trụ cột chính xoay quanh, gồm khách hàng, nhân viên, hoạt động, sản phẩm.

Đề cập đến thực tế 63 tỉnh, thành phụ trách phần lớn việc quyết định và thực thi chuyển đổi số, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, chuyển đổi số quốc gia cần là thành công của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Mỗi tỉnh thành, mỗi địa phương và doanh nghiệp cần tìm ra cho mình một nhà lãnh đạo chuyển đổi số có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng và thúc đẩy kết nối để toàn bộ tổ chức, cá nhân cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động.

Không thể thiếu blockchain

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) Nguyễn Văn Khoa nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để thúc đẩy kinh tế internet, đặc biệt là các nền tảng chuyển đổi số. Giới công nghệ cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, áp dụng trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, máy học, metaverse, blockchain.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng, blockchain (công nghệ khối chuỗi)  được nhắc tới rất nhiều thời gian gần đây, đặc biệt sau sự bùng nổ của xu hướng tiền mã hóa (cryptocurrency). Dù đang có nhầm lẫn giữa "blockchain" và "tiền mã hóa" trong đại bộ phận người dân, nhưng không thể phủ nhận lợi ích mà công nghệ này mang lại cho nền kinh tế, doanh nghiệp và đặc biệt là quá trình chuyển đổi số.

Các chuyên gia về blockchain Việt Nam nhận định, mỗi công nghệ đóng vai trò khác nhau trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa ở doanh nghiệp. Khi dữ liệu được số hóa, kéo theo đó là nhu cầu về công nghệ xử lý để mang lại trải nghiệm, chất lượng tốt hơn. Cùng lúc, sự bùng nổ của dữ liệu sẽ kéo theo nhiều vấn đề, trong đó có tính riêng tư, minh bạch hóa thông tin, buộc phải có giải pháp bảo đảm tính tin tưởng. Lúc này, công nghệ chuỗi khối (blockchain) là phương án khả thi.

Chủ tịch HĐQT Verchains Nguyễn Lê Thành cho rằng, áp dụng blockchain vào quy trình chuyển đổi số sẽ mang đến những yếu tố tích cực như minh bạch, tin cậy, an toàn hơn so với quy trình truyền thống. Còn theo đồng sáng lập kiêm CEO Karrdia Chain Huy Nguyễn, nhiều người vẫn có cái nhìn tiêu cực với blockchain nhưng do họ không hiểu nên nghĩ công nghệ này nhiều rủi ro. “Đúng là có rủi ro, rồi chuyện pháp lý, phổ cập, kỹ thuật - rất nhiều việc phải để khắc phục hiện trạng này, nhưng cùng lúc phải xem đó là cơ hội để bắt đầu. Chuyển đổi số Việt Nam đang ở giữa quá trình và cần số hóa dữ liệu, blockchain chính là một hình thức để số hóa dữ liệu”, ông Huy Nguyễn nhấn mạnh.

Vũ Quang