Minh Hóa, Quảng Bình: Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ tín dụng chính sách

- Thứ Năm, 16/07/2020, 19:19 - Chia sẻ
Từ chỗ chỉ có 2 chương trình cho vay đầu năm 2003 với dư nợ 19 tỷ đồng, đến nay, sau gần 17 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Minh Hóa đang thực hiện 19 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt 366 tỷ đồng với trên 9.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang thụ hưởng.

Minh Hoá là huyện miền núi, rẻo cao nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, một trong những huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, có tổng diện tích tự nhiên 141.006 ha, dân số 56.597 người. Ngoài dân tộc Kinh chiếm chủ yếu, huyện có các dân tộc cùng sinh sống, gồm: Bru Vân Kiều, Chứt, Thổ, Mường, Tày, Thái. Toàn huyện có 2.714 hộ đồng bào DTTS (chiếm 20,1% tổng số hộ toàn huyện) với 11.849 khẩu, trong đó hộ DTTS nghèo 2.022 hộ (chiếm tỷ lệ 74,5%); hộ cận nghèo 440 hộ (chiếm tỷ lệ 16,21%).

Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Minh Hóa luôn dành cho vùng đồng bào DTTS sự quan tâm rất lớn, thể hiện qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt nguồn vốn từ các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho vay đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển huyện.


NHCSXH huyện Minh Hóa giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Hóa Thanh

Nguồn vốn của NHCSXH đã được tập trung đầu tư để phát triển các chương trình kinh tế trọng điểm của huyện như: Chương trình phát triển chăn nuôi, Chương trình phát triển trồng rừng kinh tế, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS...

Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng, NHCSXH huyện luôn chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến các Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn. Lãnh đạo chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo mạnh và đồng bộ về các cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH đang thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến thời điểm hiện tại là rất phù hợp để phát triển kinh tế trên địa bàn, đáp ứng nguyện vọng của người nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 


Vốn ưu đãi luôn đồng hành cùng bà con huyện Minh Hóa phát triển kinh tế

Có thể thấy, từ năm 2002 về trước, huyện Minh Hoá có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (trên 75%), đặc biệt là vùng đồng bào DTTS; cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện phát triển kinh tế hộ để vươn lên thoát nghèo. Hiện nay nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% thôn, bản, đông đảo hộ đồng bào DTTS đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Đồng bào đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đưa nhiều giống mới vào sản xuất, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng như: trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi bò, nuôi lợn bản, nuôi ong lấy mật, đi lao động xuất khẩu… Thời điểm cuối năm 2009, có 17 hộ có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2018 có trên 100 hộ có thu nhập từ 15 đến 60 triệu đồng/năm. Kết quả này đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo mục tiêu Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng năm từ 15 đến 60 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào DTTS là 81,8% và đến cuối năm 2018 số hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn 3.334 hộ, chiếm tỷ lệ 24,73%; số hộ cận nghèo là 5.473 hộ, chiếm tỷ lệ 40,59%.

 

Những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự tập trung trí tuệ tập thể của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện đến cấp xã; sự phối hợp giúp đỡ nhiệt tình của NHCSXH cấp trên về nguồn vốn và cơ chế, chính sách. Kết quả trên đã khẳng định nguồn vốn tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội, nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Thu Thủy