Hệ thống các tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu GDP, GNP, GNI

- Thứ Năm, 13/02/2020, 07:22 - Chia sẻ
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng chỉ tiêu GDP phản ánh được quy mô nền kinh tế nhưng không phản ánh được những hiệu ứng tiêu cực của tăng trưởng, không chuẩn xác trong đánh giá mức sống và đề nghị bổ sung chỉ tiêu đánh giá, đặc biệt là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc dân (GNI). Để các đại biểu có thêm thông tin, xin giới thiệu về Hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA) và sự khác nhau giữa GDP, GNP và GNI.

Các chỉ tiêu GDP, GNI, NDI (thu nhập quốc gia khả dụng) và tiết kiệm (saving) là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thuộc Hệ thống các tài khoản Quốc gia của Liên Hợp Quốc (System of National Accounts - SNA). Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến chỉ tiêu GDP và GNI.

Lịch sử của Hệ thống các tài khoản Quốc gia

Ngày 25.12.1992 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về việc áp dụng Hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA) của Liên Hợp Quốc thay thế hệ thống các bảng cân đối vật chất (MPS) trước đây các nước xã hội chủ nghĩa áp dụng. Như vậy, Việt Nam chính thức áp dụng SNA từ năm 1993. Đến nay, hầu hết các nước thành viên Liên Hợp Quốc đều áp dụng SNA ở các mức độ khác nhau.

Sự ra đời của SNA bắt nguồn từ Báo cáo năm 1947 của Tiểu ban về Thống kê thu nhập quốc gia. Tại phiên họp đầu tiên năm 1947, Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSC) nhấn mạnh sự cần thiết phải có các tiêu chuẩn thống kê quốc tế để tổng hợp và cập nhật các số liệu thống kê tương đương nhằm hỗ trợ một lượng lớn nhu cầu chính sách.

Sau đó, SNA 1953 được xuất bản dưới sự bảo trợ của UNSC. Nó bao gồm một bộ 6 tài khoản tiêu chuẩn và một bộ 12 bảng tiêu chuẩn trình bày chi tiết và phân loại thay thế của các dòng chảy trong nền kinh tế. Các khái niệm và định nghĩa của các tài khoản được áp dụng rộng rãi cho hầu hết các quốc gia, kể cả các nước đang phát triển.

Hai phiên bản sửa đổi của SNA 1953 lần lượt được xuất bản vào năm 1960 và 1964. Bản sửa đổi đầu tiên phản ánh kinh nghiệm của các nước trong việc thực hiện SNA 1953 và lần sửa đổi thứ hai đã cải thiện tính nhất quán với Hướng dẫn cán cân thanh toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

SNA năm 1968 mở rộng phạm vi của các tài khoản quốc gia một cách đáng kể bằng cách thêm vào bảng cân đối liên ngành (bảng I/O) và bảng cân đối tài sản. Phiên bản này quan tâm nhiều hơn đến các ước tính ở mức giá so sánh. Phiên bản này cũng là một nỗ lực toàn diện để đưa SNA và Hệ thống các bảng cân đối vật chất (MPS) lại gần nhau hơn. Từ đó, chỉ tiêu GDP được tính bằng 3 phương pháp (phương pháp chi tiêu cuối cùng, phương pháp sản xuất và phương pháp thu nhập) do tính chất cân bằng của bảng I/O.

SNA năm 1993 toàn diện hơn các phiên bản trước đó, thể hiện một bước tiến lớn trong hạch toán quốc gia và thể hiện kết quả của việc làm hài hòa SNA với các tiêu chuẩn thống kê của các tổ chức quốc tế khác.

Phiên bản mới nhất là SNA 2008, một bản cập nhật của SNA năm 1993, giải quyết các vấn đề do thay đổi trong môi trường kinh tế, tiến bộ trong nghiên cứu phương pháp luận và nhu cầu của người dùng.

GDP, GNP và GNI

Một trong những cải tiến chính được thực hiện trong SNA năm 1993 liên quan đến việc thay thế tên gọi Tổng sản phẩm Quốc gia (Gross National Products - GNP) thành Tổng thu nhập Quốc gia (Gross National Income - GNI), cả hai chỉ số GNP và GNI đều được đo lường từ chỉ tiêu GDP.

Tổng thu nhập Quốc gia (GNI) đo lường thu nhập kiếm được, bao gồm thu nhập từ đầu tư, chảy ngược vào trong nước và trừ đi phần luồng tiền chảy ra nước ngoài của công dân nước ngoài sống trong nước chuyền tiền về nước họ.

Tổng sản phẩm Quốc gia (GNP) gồm thu nhập từ tất cả các tài sản thuộc sở hữu của cư dân. Nó thậm chí bao gồm các khoản thu nhập không chảy ngược vào trong nước. Sau đó, nó bỏ qua thu nhập của tất cả người nước ngoài sống trong nước, ngay cả khi họ chi tiêu trong nước. GNP chỉ báo cáo số tiền kiếm được của công dân và doanh nghiệp của đất nước, bất kể chi tiêu ở đâu trên thế giới.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đo lường thu nhập của bất kỳ ai trong phạm vi của một quốc gia. Nó không quan trọng ai sản xuất ra sản phẩm vật chất và dịch vụ. Nó bao gồm mọi thứ kiếm được kể cả từ người nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi họ ở trong nước. GDP đo lường sản xuất trong khi GNI đo lường thu nhập.

Để đánh giá đúng thu nhập tạo nên từ các nhân tố sản xuất của một quốc gia, SNA dùng khái niệm Tổng thu nhập quốc gia (GNI). Mối liên hệ giữa GNI và GDP như sau:

GNI = GDP + Thu nhập thuần của người lao động thường trú từ nước ngoài + Thu nhập sở hữu thuần từ nước ngoài

Trong đó, thu nhập thuần của người lao động thường trú từ nước ngoài là chênh lệch giữa thu nhập của người lao động thường trú Việt Nam ở nước ngoài gửi về và thu nhập của người nước ngoài (không thường trú) ở Việt Nam gửi ra nước ngoài.

Thu nhập sở hữu thuần từ nước ngoài là thu nhập lợi tức (chi trả lợi tức) giữa đơn vị thể chế trong nước và nước ngoài do cung cấp tài sản tài chính và tài sản hữu hình không do sản xuất ra. Thu nhập (chi trả) sở hữu gồm các loại: lãi tiền gửi; cổ tức đầu tư; tiền thuê tài nguyên, đất đai, vùng trời, vùng biển; lợi tức thu nhập tái đầu tư của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thu nhập sở hữu thuần từ nước ngoài bằng chênh lệch giữa thu nhập lợi tức sở hữu nhận được từ nước ngoài với thu nhập lợi tức sở hữu chi trả cho nước ngoài.

GNI = GNP + Thu nhập thuần của người lao động thường trú từ nước ngoài

Như vậy có thể thấy GDP bao gồm cả phần giá trị tăng thêm của khu vực đầu tư nước ngoài, nhưng khi các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước họ sẽ không được bao gồm trong GNI (hoặc GNP). Thực tế khoản này đất nước không được lợi gì về mặt trực tiếp, nếu như lợi ích gián tiếp như thu hút lao động, chuyển giao công nghệ, thuế… cũng không có gì mà chỉ nhìn vào GDP có thể dẫn đến GDP càng tăng trưởng thì nguồn lực của nền kinh tế và tài nguyên của đất nước càng xói mòn, do các doanh nghiệp FDI chuyển tiền một cách công khai về nước họ.

Ở nhiều nước đang phát triển như Việt Nam, cư dân của họ chuyển đến các quốc gia khác, nơi họ có thể kiếm được một cuộc sống tốt hơn. Họ gửi rất nhiều tiền về cho gia đình ở quê nhà. Khoản này đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó được tính vào GNI và GNP mặc dù không được tính vào GDP. Do đó, việc so sánh GDP theo quốc gia sẽ vượt quá quy mô nền kinh tế của các quốc gia này.

Hiện nay trên website và Niên giám Thống kê không chỉ có GDP mà có cả GNI theo giá hiện hành. Vấn đề là chiến lược của những nhà hoạch định chính sách là gì? Các chuyên gia kinh tế thích phân tích theo hướng nào?

TS. Bùi Trinh