Hàng không dẫn sóng phục hồi

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 06:19 - Chia sẻ

Theo GS. TRẦN THỌ ĐẠT, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, vận tải hàng không giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, chuỗi cung ứng; là nền tảng mang tính  “mở đường”, “đi trước một bước” cho nhiều lĩnh vực logistics, du lịch, xuất - nhập khẩu, đầu tư... Do vậy, khôi phục ngành hàng không chính là mở đường để phục hồi kinh tế - xã hội.

Hàng không “đi trước mở đường”

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng phục hồi của ngành hàng không nước ta sau đại dịch?

GS. Trần Thọ Đạt - Ảnh: Quang Khánh
GS. Trần Thọ Đạt. Ảnh: Quang Khánh

- Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, ngành hàng không bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2021 nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cùng với các quy định phòng, chống dịch để bảo đảm khai thác an toàn. Việc mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi du lịch đã tạo điều kiện để ngành hàng không nước ta tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động, không bị lỡ nhịp trong cuộc cạnh tranh với các hãng trong khu vực và trên thế giới.

Triển vọng phát triển hàng không trong năm nay và thời gian tới khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi sau dịch.

- Cơ sở nào để ông cho rằng hàng không có thể dẫn sóng phục hồi?

-  Các chuyến bay nội địa có sự bứt phá, các chuyến bay quốc tế cũng sôi động trở lại góp phần củng cố niềm tin vào bức tranh sáng hơn của ngành hàng không trong năm nay. Theo Cục Hàng không Việt Nam, 4 tháng đầu năm nay, tổng thị trường nội địa đạt 98% so cùng kỳ 2019, chỉ riêng tháng 4 đã tăng 19%. 

Thời gian qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, bị ảnh hưởng nặng nhất là hàng không, du lịch, dịch vụ liên quan. Do vậy, khi nền kinh tế phục hồi, các khu vực này được dự đoán là sẽ bật tăng mạnh khi nhu cầu đi lại và du lịch đã bị nén quá căng trong thời gian qua.

Hiện tại có một số dự báo về quy mô phục hồi ngành hàng không trong năm 2022 nhưng kịch bản trung bình với tính khả thi cao là đón 42 - 43 triệu lượt hành khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, lượng khách nội địa sẽ gần như phục hồi hoàn toàn, đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Thị trường quốc tế sẽ cần thời gian dài hơn để phục hồi do thị trường Trung Quốc - có hơn 7 triệu khách đến Việt Nam năm 2019, đang gặp trở ngại bởi các quy định chống dịch của nước này

- Theo ông, s khôi phục của ngành hàng không có ý nghĩa như thế nào với đất nước?

- Hàng không và du lịch là những ngành mũi nhọn của quốc gia. Vận tải hàng không giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, chuỗi cung ứng; là nền tảng mang tính  “mở đường”, “đi trước một bước” cho nhiều lĩnh vực logistics, du lịch, xuất - nhập khẩu, đầu tư…

Hàng không Việt Nam thời gian qua có phát triển vượt bậc cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, đạt được vị thế nhất định trong ngành hàng không quốc tế, là 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.

Do vậy có thể khẳng định, khôi phục hàng không cũng chính là mở đường để phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp nhiều thách thức.

­ Triển khai sớm các gói hỗ trợ

- Cụ thể những thách thức đó là gì, thưa ông?

- Dù dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát căn cơ nhưng quá trình phục hồi sẽ cần nhiều thời gian để doanh nghiệp hàng không thu xếp nguồn lực tài chính lớn và nhân lực đặc thù chất lượng cao để có thể khắc phục tổn thất.

Hiện, “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp hàng không là nhân tố rất quan trọng trên con đường phục hồi. Các hãng bay trên thế giới cũng đều gánh chịu khoản lỗ khổng lồ do dịch, như American Airlines (Mỹ) báo cáo khoản lỗ 2 tỷ USD trong năm 2021; Japan Airlines (Nhật Bản) dự báo khoản lỗ ròng 1,3 tỷ USD trong năm tài chính tính đến tháng 3.2022… Tại Việt Nam, riêng hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines, mặc dù mức lỗ 13.337 tỷ đồng tính cả năm 2021 đã giảm mạnh (1.300 tỷ đồng) so với kế hoạch, nhưng vẫn đang đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp và có nguy cơ âm vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu (vốn chiếm lần lượt 29% và 43% tổng chi phí bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet trong giai đoạn 2015 - 2019) biến động; căng thẳng Nga - Ukraine khiến nhiều hãng bay phải thay đổi lộ trình làm tốn thêm chi phí và thời gian cũng tác động tới quá trình phục hồi.

Việc mở lại đường bay quốc tế còn phụ thuộc nhiều vào quy mô và tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới. Ngoài ra, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, nhất là du lịch trong nước bật tăng trở lại dẫn đến quá tải hạ tầng. Tỷ lệ bay đúng giờ của các hãng bay đều sụt giảm mạnh, tại một số thời điểm có hiện tượng ùn tắc do quá tải, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất.

- Theo ông, cách nào để thúc đẩy ngành hàng không phục hồi?

- Chính phủ đang triển khai giải pháp tổng thể thông qua các gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Thông điệp rõ ràng là các ngành hàng không, du lịch, vận tải được ưu tiên hàng đầu với gói hỗ trợ lãi suất 2%. Vấn đề là cần triển khai sớm, kéo dài không chỉ trong năm 2022 - 2023 mà cả những năm tiếp theo.

Đồng thời, cần cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua cân nhắc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy; cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không.

Bên cạnh đó, cần tạo liên kết chuỗi giá trị hàng không - du lịch - dịch vụ. Thống kê cho thấy, có tới 70% khách đi hàng không là du lịch, do vậy “mở đường” hàng không sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phục hồi mạnh, từ đó tạo tác động lan tỏa tích cực đối với các ngành kinh tế có liên quan như bán lẻ, nhà hàng, khách sạn... và ngược lại. Chính phủ cần đẩy mạnh các biện pháp kích cầu để thu hút người dân du lịch trong nước.

Việt Nam cũng cần nghiên cứu mở rộng diện miễn visa tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hơn để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế với nhiều quốc gia. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng sân bay luôn ở tình trạng quá tải, chất lượng phục vụ thấp, do vậy cần triển khai ngay các biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết bài toán này với chủ trương nhất quán là thực hiện xã hội hóa.

- Xin cảm ơn ông!

ĐAN THANH thực hiện