Góc nhìn

Xử lý nghiêm hành vi trục lợi!

- Thứ Hai, 23/11/2020, 16:25 - Chia sẻ
“Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã triệu tập một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trong việc mua sắm máy xét nghiệm lên làm việc. Quan điểm của Thường trực Thành ủy, của Bí thư Thành ủy và của Ban Chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm, chúng ta không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào”. Thông tin này được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố vừa qua.

Câu chuyện nâng khống giá thiết bị không chỉ xảy ra ở lĩnh vực y tế. Đó là do có sự bắt tay giữa bên mua sắm với bên cung cấp thiết bị nhằm trục lợi để hưởng phần trăm “hoa hồng”, “lại quả”. Trong không ít trường hợp giá thiết bị được nâng gấp nhiều lần. Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) trước đây là ví dụ điển hình, khi các đối tượng nâng giá mua gấp 1.300 lần, chiếm đoạt 130 tỷ đồng chia nhau.

Tình trạng vi phạm trong mua sắm thuốc, trang thiết bị cũng từng được Kiểm toán Nhà nước nêu trong kết luận kiểm toán chuyên đề 2018. Có địa phương tổ chức mua sắm trực tiếp đối với danh mục thuốc lẽ ra phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong cả nước. Một số địa phương còn phê duyệt giá thuốc trúng thầu cao gấp nhiều lần giá trúng thầu bình quân của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố. Nhiều địa phương mua sắm trực tiếp không đúng quy định, đã áp thầu đối với các hợp đồng trúng thầu trước đó nhưng chưa phải hợp đồng có giá thấp nhất, không công khai kết quả mua sắm trực tiếp…

Ai cũng hiểu, trong các vụ mua sắm thiết bị, đấu thầu không tuân thủ quy định đương nhiên đều có mục đích cá nhân. Khoản tiền chênh lệch càng cao thì tiền “hoa hồng” chảy vào túi cá nhân càng lớn. Việc nâng khống giá thiết bị nói chung, thiết bị y tế nói riêng không chỉ làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà còn phá vỡ “sân chơi” cạnh tranh bình đẳng trong đấu thầu mua sắm thiết bị. Không ít đơn vị cung cấp thiết bị chất lượng tốt, giá cả hợp lý nhưng vẫn phải đứng ngoài cuộc bởi những cuộc đấu thầu, mua sắm thiết bị kiểu “đi đêm” này.

Đại dịch Covid-19 đã trở thành nỗi ám ảnh của cả nhân loại, bởi số ca nhiễm và số người chết tăng nhanh, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng “khủng hoảng thiếu” trang thiết bị, vật tư tế. Việt Nam đã chủ động từ khâu cung cấp thiết bị bảo hộ cho các lực lượng phòng, chống dịch và bảo đảm nhu cầu khẩu trang y tế cho người dân. Ngoài ra, chúng ta kịp thời mua sắm máy xét nghiệm để sớm phát hiện các ca nhiễm. Sự chủ động này rất cần thiết và phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát, khống chế được dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc mua sắm thiết bị cần phải rà soát, kiểm tra chặt chẽ. Đây là cách để bảo đảm yêu cầu chất lượng thiết bị y tế, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong mua sắm thiết bị y tế, tránh những hoài nghi không đáng có. Đặc biệt, việc vào cuộc sớm của các cơ quan chức năng lúc này sẽ giúp phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm (nếu có), tránh gây thiệt hại ngân sách nhà nước.  

Việc có hay không vi phạm trong mua sắm thiết bị xét nghiệm sẽ được cơ quan công an làm rõ và sớm có câu trả lời. Nếu có thì phải xử lý nghiêm minh. Nói như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong đối phó với dịch bệnh mà lại có hành vi vi phạm trong mua sắm thiết bị, thì phải là những tình tiết tăng nặng.

Hà An