Quyết liệt, khẩn trương cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước

- Thứ Bảy, 19/03/2022, 11:31 - Chia sẻ
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có trọng tâm, trọng điểm. Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu về nội dung này.

- Tại cuộc họp mới đây của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này ?

Trước hết, tôi đánh giá cao Chính phủ đang khẩn trương xem xét đề án về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Đây là một nội dung rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội và cũng là nhiệm vụ được nhắc đến rất nhiều trong các kỳ kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cũng như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Việc phân cấp, phân quyền phải hiểu đó là việc thiết lập nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.

Có rất nhiều nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, nhưng ít nhất chúng ta phải tuân thủ việc tách bạch giữa quản lý nhà nước và sở hữu, cũng như phải tách bạch giữa sở hữu và quản trị điều hành doanh nghiệpNếu như nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu thì cũng phải thực hiện một cách độc lập và tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, tách bạch với việc hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu

- Vậy việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra những cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp nhà nước, thưa ông?

Nếu có thể quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế thì sẽ rất nhiều lợi ích. Chúng ta biết rằng, một trong những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước của chúng ta là nâng cao hiệu quả, hiệu lực của phần đầu tư của Nhà nước dưới hình thức là doanh nghiệp. Có rất nhiều những nhiệm vụ, giải pháp trong đề án đã nêu, nhưng một trong những nhiệm vụ là phải nâng cao và thiết lập nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp. Từ nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt thì sẽ nâng cao được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp lớn nhất.

Ngoài ra, khi ký kết và gia nhập rất nhiều những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thì đều có một cái chương về doanh nghiệp nhà nước. Có thể thấy, quốc tế họ quan ngại rằng doanh nghiệp nhà nước sẽ không hoạt động bình đẳng, không hoạt động cạnh tranh như các doanh nghiệp khác. Điều này sẽ có thể gây ra những sự méo mó về thị trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong các hiệp định thương mại tự do luôn yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng.

Việc chúng ta xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và hướng đến việc thiết lập một Chính phủ quản trị tốt theo những nguyên tắc thị trường, thông lệ quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp đảm bảo tuân thủ những cam kết theo các hiệp định thương mại tự do.

Đồng thời còn có một lợi ích lớn hơn là khi doanh nghiệp nhà nước được nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động tiếp cận với những nguyên tắc về quản trị theo thông lệ quốc tế, thì họ sẽ có cơ hội để vươn ra thị trường quốc tế. Khi đó, lợi ích của việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với chúng ta nhìn thấy.

- Theo ông đâu là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu, các nhiệm vụ của Đề án ?

Đề án cũng đã để ra rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cũng khá toàn diện. Từ việc cải cách thể chế đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả về mặt nhân sự đối với các cơ quan có liên quan trong điều hành hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước. Ngoài những giải pháp đã nêu trong đề án ra, theo tôi để triển khai thành công đề án thì chúng ta cần quan tâm đến khâu thực thi. Chúng ta có thể thấy, trước khi có đề án này thì đã có rất nhiều những chương trình hoặc những đề án về cơ cấu khác, nhưng khi đánh giá, tổng kết lại hoàn thành chưa đạt mục tiêu. Nguyên nhân của điều này là vì khâu thực thi chưa hiệu quả, chưa thực sự tốt. Vì vậy, theo tôi yếu tố quyết định lần này sẽ là khâu thực thi và để thực thi tốt thì chúng ta cần quan tâm tới hai yếu tố.

Thứ nhất, phải rất quyết liệt, rất khẩn trương. Bởi vì nếu như không quyết liệt, không khẩn trương thì cơ hội sẽ ngày càng giảm đi, hiệu quả không được nâng lên và dẫn tới gây thiệt hại. Nếu như sớm nâng cao hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước thì lợi ích mang lại sẽ tăng lên. Vì vậy, tất cả những cơ quan có liên quan cho đến bản thân doanh nghiệp nhà nước sẽ phải rất quyết liệt trong việc tổ chức thực thi đề án này.

Thứ hai, để thực thi đề án hiệu quả thì tính đồng bộ và tính toàn diện cũng rất quan trọng. Khi thực hiện đề án này chúng ta thấy các giải pháp, nhiệm vụ rất tổng thể, liên quan đến rất nhiều vấn đề cũng như các cơ quan, bộ, ngành. Vì vậy, khi thực hiện đề án này các cơ quan liên quan phải đồng thời cùng nhau chuyển động. Nếu không thể đồng đều thì sẽ làm giảm tính hiệu quả vì chúng ta chỉ cải cách được một số nội dung mà các nội dung khác lại chưa cải cách được, tạo ra những khoảng trống, mâu thuẫn về thể chể, năng lực.

Vì vậy, chúng ta phải thực sự khẩn trương và đảm bảo sự chuyển động đồng thời cùng một lúc, đồng đều và toàn diện thì mới giúp được đề án triển khai một cách có hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Tùng