Thực tiễn thế giới

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 07:11 - Chia sẻ
Mặc dù khái niệm "thành phố 15 phút" mới có cách đây vài năm nhưng thực tế, nhiều chuyên gia và nhà quy hoạch đã đưa ra các yếu tố tạo nên khái niệm "thành phố 15 phút" trong nhiều thập kỷ qua. Giờ đây, mô hình đô thị kiểu này đang trỗi dậy và được thực hiện ở không ít đô thị trên thế giới.

Theo BBC, vào thập niên 1920, nhà quy hoạch đô thị người Mỹ Clarence Perry đã đề xuất ý tưởng “đơn vị khu phố” nơi người dân “có thể sống được”, trước khi có làn sóng ồ ạt xe hơi cá nhân và việc phân khu thành phố vốn xuất hiện vào cuối thế kỷ XX. Copenhagen biến các phố mua sắm chính của mình thành phố đi bộ vào năm 1962, trước khi các thành phố châu Âu đông đúc khác thực hiện cách tiếp cận tương tự đối với khu trung tâm. Sau đó là thời của chủ nghĩa đô thị mới, một phong trào thiết kế đô thị vốn thúc đẩy mô hình thành phố có thể đi bộ, tràn ra khắp nước Mỹ vào thời thập niên 1980. Tuy nhiên, mô hình "thành phố 15 phút" ngày nay có sự thay đổi lớn so với những mô hình trong quá khứ, nhằm có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và toàn cầu hóa.

Trong khi các sáng kiến trước đây tập trung vào việc đi lại dễ dàng, khả năng đi bộ được và các dịch vụ công, Paris đã thực hiện một cách tiếp cận toàn diện để đem đến cho các khía cạnh đó một nội dung xanh hơn cũng như bao gồm công sở, hoạt động văn hóa và kết nối xã hội. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thậm chí còn bổ nhiệm một ủy viên phụ trách cho "thành phố 15 phút", đó là bà Carine Rolland.

Nguồn: AFP

Việc chuyển đổi các khu phố diễn ra kể từ khi bà Hidalgo nhậm chức vào năm 2014, với việc cấm các phương tiện nhiều ô nhiễm, dành các bến tàu trên sông Seine chỉ cho người đi bộ và đi xe đạp, đồng thời tạo ra các khoảng xanh nhỏ trên toàn thành phố… Thị trưởng ne Hidalgo thậm chí giới thiệu khái niệm thành phố kéo dài 15 phút trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020 và bắt đầu thực hiện khái niệm này trong đại dịch Covid-19. Ví dụ, sân chơi của trường học đã được chuyển đổi thành công viên sau giờ làm việc, trong khi quảng trường Place de la Bastille và các quảng trường khác  được cải tạo với cây cối và làn đường dành cho xe đạp. Cụ thể, việc chỉnh trang quảng trường Bastille vào tháng 11.2020 đã được hoàn thành nằm trong kế hoạch thiết kế 7 quảng trường lớn trị giá 30 triệu euro. Ngoài ra, hơn 50km đường xe đạp gọi là “coronapiste” cũng đã được xây dựng kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát. Sự thành công của "thành phố 15 phút" ở Paris đã khiến Madrid, Milan, Ottawa hay Seatle muốn học hỏi cách làm của thủ đô nước Pháp.

Trong bài báo năm 2019, tác giả Weng và các cộng sự sử dụng Thượng Hải làm nghiên cứu điển hình, đề xuất khu phố có thể đi bộ trong 15 phút tập trung vào sức khỏe, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Các tác giả coi khu phố có thể đi bộ 15 phút là một cách để cải thiện sức khỏe của người dân. Tương tự, tác giả Da Silva và các cộng sự trong một bài báo năm 2019 đã trình bày nghiên cứu của mình. Họ sử dụng thành phố Tempe, Arizona, làm nơi nghiên cứu điển hình cho đề xuất thành phố 20 phút (nhiều hơn 5 phút so với thành phố 15 phút), nơi mọi nhu cầu có thể được đáp ứng trong vòng 20 phút bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc chuyển tuyến.

Chưa hết, Cơ quan Giao thông Vận tải đất liền của Singapore vào năm 2019 từng đề xuất Quy hoạch tổng thể năm 2040 bao gồm các mục tiêu về các “thị trấn 20 phút” và “thành phố 45 phút”.

Trong khi đó, thành phố Portland, Mỹ vào năm 2012, đã phát triển kế hoạch cho các khu dân cư hoàn chỉnh trong thành phố, nhằm hỗ trợ thanh niên và cung cấp nhà ở giá cả phải chăng, từ đó thúc đẩy sự phát triển dựa vào cộng đồng và thương mại trong các khu dân cư. Kế hoạch Portland nhấn mạnh đến việc tăng cường đi bộ và đi xe đạp trong thành phố như những cách để chống lại các bệnh không lây nhiễm như béo phì, cũng như đề cao tầm quan trọng của việc cung cấp thực phẩm lành mạnh có giá cả phải chăng.

Ở châu Đại dương, thành phố Melbourne của Australia phát triển Kế hoạch Melbourne 2017 - 2050, trong đó có nhiều yếu tố của khái niệm "thành phố 15 phút", bao gồm các làn đường dành cho xe đạp mới và việc xây dựng “các khu phố 20 phút”.

Nhóm các thành phố C40 - một liên minh các thành phố cam kết tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu, thậm chí còn quảng bá ý tưởng "thành phố 15 phút" như cơ sở cho sự phục hồi sau Covid-19. Bởi những thành phố như thế này không chỉ giúp giảm lượng khí thải thông qua giao thông, mà còn giúp nâng cao sức khỏe tâm thần và thể chất, khiến các cư dân hạnh phúc hơn vì họ trở nên gắn bó, kết nối sâu sắc hơn với khu phố nơi ở của mình…  

Linh Anh