Phòng chống COVID-19 từ nơi cư trú

- Thứ Hai, 23/11/2020, 15:57 - Chia sẻ
Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ lây lan nhanh, công tác phòng chống bệnh dịch tại nơi cư trú được đẩy mạnh, bảo đảm an toàn cho mỗi cá nhân từ hộ gia đình cho đến môi trường công cộng. Ngày 12.3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chung cư nhằm đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức nhân dân. Đồng thời, UBND TP Hà Nội giao đơn vị liên quan xây dựng phương án cách ly cả tổ dân phố trong trường hợp cần thiết.

Xây dựng phương án cách ly tổ dân phố

Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân từ chính môi trường cộng đồng nơi cư trú, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành công văn số 854/UBND – KGVX ngày 12.3 về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan hạn chế tổ chức các cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người; lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc việc khoanh vùng, điều tra, xử lý ca bệnh; bố trí khu vực cách ly tại cơ sở y tế để tổ chức cách ly trong vòng 14 ngày đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19 (F1) và các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở mà có tiền sử đi từ các nước có dịch về Việt Nam chưa qua 14 ngày.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng được yêu cầu khẩn trương chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly ngoài cơ sở cách ly của quân đội, công an; bảo đảm đáp ứng đủ các trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở y tế và tại các cơ sở cách ly tập trung. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cách ly một tổ dân phố, thôn xóm, xã, phường. Đồng thời, cơ quan y tế cũng đề xuất việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế bảo đảm đủ theo diễn biến tình hình dịch với cấp độ 3.


Xây dựng phương án cách ly cả tổ dân phố trong trường hợp cần thiết

Để thực hiện tốt công tác phòng dịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng phương án dự phòng địa điểm, cơ sở cách ly, chỗ ở, nhu yếu phẩm bảo đảm tiếp nhận và thực hiện cách ly người về từ vùng dịch trong thời gian tới và khi triển khai cách ly diện rộng. Chăm lo bảo vệ sức khỏe, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, không để lây nhiễm cho đội ngũ lực lượng vũ trang làm việc tại khu, cơ sở cách ly tập trung.

“Đồ mang vào khu cách ly đều phải qua kiểm dịch. Đồ tiếp tế được phường tiếp nhận tại cổng riêng. Bộ phận y tế sẽ khử khuẩn toàn bộ rồi để tại bàn cho người dân tự tới lấy. Trên bàn tiếp nhận đặt sẵn nước sát trùng để người dân rửa tay trước khi nhận đồ” - Chủ tịch phường Trúc Bạch - địa điểm hiện đang bị cách ly tại Hà Nội Nguyễn Dân Huy chia sẻ. 

Cùng với đó, Công an thành phố được giao nhiệm vụ tiếp tục tổ chức việc cách ly tập trung đối với các đối tượng là người nước ngoài, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất và sinh hoạt; an ninh trật tự cho quá trình tổ chức cách ly, trong quá trình vận chuyển người cách ly, quá trình tổ chức cách ly tại các cơ sở y tế và cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú, cư trú.


Ban quản lý lắp những miếng xốp cắm tăm bên cạnh hộp nhựa trong thang máy nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp

Chủ động phòng dịch tại khu chung cư

Theo thống kê mới nhất năm 2020, hiện nay có 13,5% dân số Hà Nội đang sinh sống ở chung cư. Thành phố có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Đây là một con số không nhỏ, cần có sự quan tâm đúng mực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Ngày 12.3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chung cư hướng dẫn với người dân, với ban quản lý/ban quản trị/ban đại diện và người quản lý khu nhà/chung cư cho thuê, người cho thuê căn hộ chung cư. Bao gồm các biện pháp vệ sinh, phòng dịch an toàn; hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong thang máy, thang bộ; thường xuyên mở cửa sổ và gom rác đúng nơi quy định… 

Bộ Y tế đề nghị dân cư sinh hoạt ở chung cư bảo đảm vệ sinh công cộng, tự biết theo dõi sức khoẻ bản thân và gia đình; cập nhật thông tin chính xác. Thông báo ngay cho Ban quản lý chung cư nếu nghi ngờ có người thuộc diện phải quản lý sức khỏe hoặc cách ly.

Thực tế tình hình thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, cư dân tại nhiều khu chung cư còn sáng tạo ra những giải pháp nhằm phòng tránh dịch lây lan như dán và bọc nilon ở nút bấm thang máy, tay nắm cửa của các căn hộ, dùng tăm chọn tầng thay vì tiếp xúc trực tiếp.

Đại diện Ban quản lý một chung cư cho biết, toàn bộ tòa nhà đều được trang bị nước sát trùng để cư dân rửa tay khi ra vào tòa nhà. Đáng chú ý ở trong mỗi thang máy, Ban quản lý tòa nhà đã lắp đặt những miếng xốp trên đó cắm nhiều tăm để cư dân lựa chọn tầng mà không cần dùng tay bấm, sau đó vứt vào hộp để giảm nguy cơ lây nhiễm. Giải pháp này được nhiều cư dân tại đây chia sẻ và ủng hộ vì vừa tiết kiệm chi phí mà có thể hạn chế được việc tiếp xúc giữa tay của mọi người với nút bấm thang máy.


Có ý kiến cho rằng việc dùng tăm tránh tiếp xúc trực tiếp trong thang máy vẫn chứa đựng rủi ro

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán dương biện pháp phòng dịch bệnh này vẫn có ý kiến cho rằng giải pháp này cũng chứa nhiều rủi ro vì những que tăm để trong không gian kín thời gian dài vẫn có nguy cơ bị dính virus và lây nhiễm cho người cầm.

Trước đó, Ban quản lý các tòa nhà trên địa bàn Hà Nội đã chủ động phun thuốc phòng dịch, phát khẩu trang miễn phí từ sảnh, khuyến cáo cư dân hạn chế nói chuyện trong thang máy và sử dụng cồn và dung dịch sát khuẩn trước khi bấm thang, nhằm bảo đảm an toàn tối đa, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng dân cư.

Hải Yến