Gánh nặng thông tư

Bài 2: Khi thông tư… “ẩn” các điều kiện

- Thứ Sáu, 06/05/2022, 16:27 - Chia sẻ
Quy trình ban hành thông tư chủ yếu thực hiện giữa các đơn vị chuyên môn của bộ. Mặc dù, trong quá trình soạn thảo, các bộ phải lấy ý kiến đối với đối tượng chịu tác động và có giải trình tiếp thu, nhưng ban soạn thảo, đơn vị thẩm định, người có thẩm quyền ký ban hành đều là của bộ. Đây là lý do cơ bản khiến không ít thông tư khi có hiệu lực thì mới bị phát hiện có lỗi.

Vẫn ban hành thủ tục hành chính

Thông tư không được ban hành thủ tục hành chính trừ trường hợp được ủy quyền trong luật. Đây là quy định mới có từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2018, tiếp tục được giữ trong Luật sửa đổi năm 2020. Tuy vậy, thực tế cho thấy thông tư vẫn quy định về điều kiện về kinh doanh.

Chẳng hạn, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 và được tiếp tục duy trì trong Luật Đầu tư năm 2014, 2020 đều quy định thông tư không được quy định điều kiện kinh doanh. Việc giới hạn thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo các quy định dạng này được kiểm soát chất lượng thông qua các cơ quan độc lập đánh giá (cơ quan thẩm định, thẩm tra) và hạn chế tình trạng ban hành các điều kiện kinh doanh tràn lan, ảnh hưởng lớn đến “quyền tự do kinh doanh” của doanh nghiệp.

Vẫn còn nhiều thông tư ban hành thủ tục hành chính
Nguồn: ITN

Điển hình, có những thông tư ban hành từ trước năm 2016 quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang được áp dụng trên thực tế. Đơn cử, Điều 12, Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30.6.2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc điều tra, đánh giá đất đai quy định điều kiện của doanh nghiệp thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, điều kiện của cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai trong tổ chức có chức năng tư vấn điều tra, đánh giá đất đai. 

Thông tư ban hành các quy định điều kiện kinh doanh dạng “ẩn”. Điều kiện kinh doanh “ẩn” trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, từng được tranh luận khá nhiều khi bàn về điều kiện kinh doanh. Có nhiều quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu doanh nghiệp phải có cơ sở vật chất nhất định; đáp ứng diện tích tối thiểu của các cơ sở sản xuất, hay yêu cầu chứng chỉ hành nghề của nhân sự ở một số bộ phận… khi sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.

Một dạng “ẩn” điều kiện kinh doanh khác là các quy định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ cho cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác.

Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử được coi là một dạng của điều kiện kinh doanh
Nguồn: ITN

Chẳng hạn, Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua. Cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử là một ngành nghề kinh doanh. Hoạt động kinh doanh của các tổ chức này phụ thuộc vào việc có được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn với cơ quan thuế (đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế) hay cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử cho bên mua và bên bán hay không?. Để được sự đồng ý này, các tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử đáp ứng phải các điều kiện/tiêu chí theo quy định. Như vậy, xét về bản chất, các quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử là một dạng của điều kiện kinh doanh.

Khi thông tư bị lạm dụng ban hành

Thực tế cho thấy, việc tổ chức thi hành pháp luật phụ thuộc quá nhiều vào thông tư, nếu không có thông tư thì… phải chờ có hướng dẫn của thông tư, mặc dù nghị định đã quy định rõ.

Khi rà soát văn bản nhận thấy khá nhiều thông tư chưa tuân thủ nguyên tắc này và dường như đang có sự lạm dụng trong quá trình ban hành thông tư. Điển hình, Luật Giá 2012 ủy quyền cho Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận tại khoản 6 Điều 39. Tuy nhiên, Thông tư số 38/2014/TT-BTC, Thông tư số 60/2021/TT-BTC đã quy định chi tiết về tài liệu trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận (hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định viên về giá, thủ tục bổ sung thẩm định viên về giá, thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận - những nội dung không được ủy quyền. Hay, như Thông tư số 10/2021/TT-BKHCN hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, nhưng Nghị định này lại không có quy định nào trao quyền cho thông tư quy định chi tiết.

Có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017
Nguồn: ITN

Ở một số ngành, lĩnh vực, nhận thấy việc thực thi các quy định phụ thuộc quá nhiều vào thông tư. Đơn cử, có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017, các quy định về điều kiện, trình tự thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức tài chính vi mô; các biện pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đều quy định tại thông tư.

Hoặc, trong lĩnh vực thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp hầu như chỉ quan tâm đến 14 thông tư quy định về thuế giá trị gia tăng (bao gồm thông tư hướng dẫn trực tiếp Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, các nghị định hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi và các nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định này; các thông tư sửa đổi, bổ sung liên tục trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2017). Doanh nghiệp chỉ cần tra cứu các quy định tại thông tư là có thể áp dụng các quy định về thuế giá trị gia tăng trên thực tế không cần tra cứu thêm nghị định hay luật.

Điều này phản ánh thực trạng, thực thi luật bị lệ thuộc quá lớn vào các quy định tại thông tư đưa đến quan ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại hay là quy định tại thông tư “to hơn” cả luật. Hậu quả là tạo rủi ro cho môi trường kinh doanh, khi các quy định tác động đến doanh nghiệp lại được ban hành theo quy trình có tính chất nội bộ của các cơ quan thực thi....

Đình Khoa