Tọa đàm “Vận hành thủy điện thích ứng với biến đổi khí hậu”

- Thứ Ba, 03/11/2020, 19:13 - Chia sẻ
Những ngày qua, mưa bão, lũ lụt ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh miền Trung và trong tương lai, biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Thực tế này một lần nữa đặt ra vấn đề về vai trò, tác động và hiệu quả vận hành của thủy điện sao cho vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa bảo đảm điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và góp phần cắt lũ.

Trên diễn đàn Quốc hội, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội hôm nay, vấn đề quy hoạch, xây dựng, vận hành thủy điện cũng được nhiều đại biểu quan tâm đề cập.

Nhằm làm rõ hiện trạng an toàn hồ đập và kết quả quản lý vận hành thủy điện; phân tích những khó khăn và đề xuất chính sách để việc quản lý, vận hành thủy điện phát huy hiệu quả tối đa, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một phức tạp, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Vận hành thủy điện thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Ông Nguyễn Tài Sơn, Ủy viên phản biện, chuyên gia công trình thủy công - Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà

- Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam

- Bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

- Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương

- Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương

- Ông Mai Sỹ Diến, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

(03/11/2020 16:45)

Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng phát biểu khai mạc Tọa đàm: 

Thưa các vị khách mời tham gia chương trình Tọa đàm!

Thưa các Quý vị đại biểu!

Công tác quản lý, vận hành thủy điện là vấn đề đại biểu Quốc hội và xã hội hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh mưa bão vừa qua ở miền Trung. Đặc biệt, biến đổi khí hậu tới đây sẽ tác động lớn thì việc vận hành thủy điện cần phải làm rõ.

Tọa đàm “Vận hành thủy điện thích ứng với biến đổi khí hậu” hôm nay mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội có những thông điệp về vận hành thủy điện một cách chặt chẽ, phòng ngừa, thích ứng với những thay đổi bất thường từ khí hậu; sao cho thủy điện vừa đảm bảo an ninh năng lượng nhưng vẫn an toàn cho người dân. Tọa đàm không chỉ gửi thông tin đến các đại biểu Quốc hội, mà còn với cử tri, với người dân vùng thủy điện để họ an tâm.

Một lần nữa, xin cám ơn các vị khách quý đã nhận lời tham dự tọa đàm.

Hiện trạng an toàn của các công trình hồ đập thủy điện

(03/11/2020 16:51)

BTV Vũ Thủy: Xin ông cho biết, cả nước hiện có bao nhiều nhà máy thủy điện? Hiện trạng an toàn quản lý, vận hành các công trình hồ đập thủy điện như thế nào?

Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương Phạm Trọng Thực chia sẻ tại tọa đàm

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương:

Thủy điện là năng lượng tái tạo, và không mấy nước trên thế giới có nguồn sinh thủy và điều kiện tự nhiên như Việt Nam để phát triển loại năng lượng này.

Hiện nay, chúng ta có 429 nhà máy thủy điện đang vận hành, chiếm tới hơn 37% sản lượng điện hàng năm, đây là nguồn năng lượng quý. Cha ông ta những năm 60 của thế kỷ trước, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, đã xây nhà máy thủy điện Thác Bà, cho thấy đây là nguồn lực quý, và phải khai thác đảm bảo an toàn.

Trong quá trình quản lý, Bộ Công thương tuân thủ quy định của văn bản pháp luật và thực hiện Nghị định 114/2018 NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Với 429 nhà máy thủy điện, các chủ đầu tư đang chấp hành tốt  quy trình vận hành đã được phê duyệt.

Trong quá trình vận hành, còn có một số nhà máy vận hành chưa đúng quy định và đã bị các  cơ quan chức năng xử phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, phải nói là có rất thủy điện như vậy, cho đến lúc này thì quá trình quản trị, vận hành thủy điện đang bám rất sát.

Vận hành thủy điện bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào bản tin, dự báo khí tượng thủy văn để có thể nắm thông tin. Đặc biệt ở miền Trung, với địa hình dốc, sông ngắn nên một số hồ không có khả năng cắt lũ, xã lũ như một số hồ miền Bắc, vì thế việc dự báo tính thời gian thực của lượng mưa đến hồ rất quan trọng. Đây là dữ liệu để  chủ hồ và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh đưa ra quyết định, vì trong Nghị định 114 quy định Chủ tịch UBND có quyền điều hành các hồ chứa trong mùa mưa lũ và xử lý tình huống khẩn cấp. Nếu chúng ta có dự báo và có thiết bị quan trắc cập nhật được thì điều hành tốt hơn. 

(03/11/2020 16:57)

BTV Vũ Thủy: Thủy điện được xếp vào dạng năng lượng tái tạo. Thưa ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, xin ông làm rõ vai trò của thủy điện trong bảo đảm an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia hiện nay?

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương:

Cho đến bây giờ, thủy điện trong hệ thống điện Việt Nam vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong tương lai, khi các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời phát triển thì vai trò của thủy điện càng quan trọng hơn bởi vì thủy điện có thể điều chỉnh được việc phát điện theo thời tiết để bảo đảm an toàn, an ninh cung cấp điện.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Đỗ Đức Quân chia sẻ tại tọa đàm

Chúng ta đã phát triển thủy điện từ những thập kỉ 60, 70 của thế kỷ trước, nhưng thời gian đó kinh tế nước ta còn lạc hậu thì vai trò của thủy điện chưa rõ rệt. Tuy nhiên, khi có thủy điện Thác Bà, thủy điện Hòa Bình rồi các dự án như Trị An thập kỉ 80 - 90, thủy điện đã chiếm khoảng 70% sản lượng điện cho hệ thống. Lúc đó thủy điện Trị An và thủy điện Hòa Bình là một điểm sáng của ngành điện Việt Nam.

Khi làm thủy điện, đối với những công trình lớn nguyên tắc chung là xem xét là khả năng chống lũ, khả năng cấp nước và cung cấp cho hệ thống điện quốc gia. Ba nhiệm vụ đó là xuyên suốt, bất cứ khi nghiên cứu dự án nào chúng ta cũng phải đề cập. Tuy nhiên cụ thể từng vùng, từng địa phương ta có thể làm được hoặc có thể đáp ứng nhiệm vụ nào thì làm nhiệm vụ đó. Đó là nguyên tắc chung.

Từ sau năm 2000 đến nay, khi các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện khí và các dạng năng lượng khác được đưa vào vận hành thì thủy điện chiếm khoảng xấp xỉ 50% và đến hiện nay khoảng 40% cả về điện lượng cũng như công suất. Tương lai đến 2025 chúng ta chỉ phát triển những dự án thủy điện vừa và lớn, với tính chất là các dự án lớn đã làm rồi, có hồ chứa rồi chúng ta mở rộng để phù hợp với nhu cầu của điện tải hiện nay cũng như những dự án thủy điện nhỏ mà ảnh hưởng ít đến môi trường xã hội cũng như về đất, rừng thì có thể xem xét. Trong tương lai thủy điện sẽ giảm, xuống năm 2030 còn khoảng trên 20%, đến năm 2045 khoảng 12% công suất hệ .

Nói tóm lại, thủy điện từ trước đến nay đóng góp vai trò rất quan trọng và tôi nghĩ rằng tương lai đóng vai trò cũng rất quan trọng. Và một trong những vấn đề mà tôi chưa nói là tất cả những dự án thủy điện về giá thành hoàn thiện là rẻ nhất. Hiện nay thống kê từ thủy điện lớn đã đầu tư, ví dụ như thủy điện Hòa Bình thì giá thành 1kWh điện chỉ chưa đến 200 đồng một số, và các dự án vừa và nhỏ khác chỉ khoảng 1.100 - 1.200đ/kWh. Đó cũng là một trong những đóng góp rất tích cực về kinh tế của thủy điện.

Tôi cũng muốn nói thêm về công tác quản lý, vận hành. Chúng tôi thấy hiện nay về mặt thủy điện chúng ta có thể nắm chắc được tất cả các khâu từ thiết kế, xây dựng, vận hành chúng ta nắm rất chắc. Và đây là một trong những điểm rất mạnh. Tư vấn của chúng ta tốt, xây dựng tốt và vận hành đến bây giờ các nhà đầu tư tư nhân hoặc của nhà nước dần dần ổn định và rất tốt, góp phần lớn trong vấn đề vừa phát điện, vừa giảm lũ và cấp nước cho hạ du.

(03/11/2020 17:10)

BTV Vũ Thủy: Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”. Thưa ông Mai Sỹ Diến, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông đánh giá như thế nào về vai trò của thủy điện trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực?

Ông Mai Sỹ Diến, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

Những năm vừa qua, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến an ninh nguồn nước. Hiện tượng nước biển dâng đã xâm chiếm diện tích rất lớn, cụ thể là xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nắng nóng kéo dài hồi tháng 5, tháng 6 cũng khiến biến đổi khí hậu. Rừng nguyên sinh có vai trò giữ nước thì bị thu hẹp khiến thảm thực vật không được như cũ nên khả năng tích trữ nước cho mùa hạn không tốt. Thêm vào đó, việc trồng lại rừng ở nơi xây dựng và vận hành thủy điện không bảo đảm về thảm thực vật để giữ nước cho sản xuất. Đặc biệt, đầu nguồn sông Cửu Long được đầu tư rất lớn để giữ nước ngọt, nhưng thời gian gần đây giảm rất nhiều dẫn đến xâm nhập mặn.

Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Mai Sỹ Diến chia sẻ tại tọa đàm

Vai trò của hồ đập thủy điện là giữ nước cho mùa hạn hán (tháng 4, 5, 6), bảo đảm nước đáp ứng cho mùa vụ. Do đó, hồ đập thủy điện đã tích trữ nước cho mùa mưa để cung cấp nước cho mùa khô, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực. Với vai trò quan trọng đó, đòi hỏi sự giám sát an ninh nguồn nước quốc gia cần được coi trọng.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết riêng về bảo đảm an ninh nguồn nước, tôi hi vọng sau khi Nghị quyết được thông qua, các bộ ngành có liên quan sẽ ban hành thông tư cụ thể, rõ ràng để bảo đảm nguồn nước.

(03/11/2020 17:17)

BTV Vũ Thủy: Phân tích của các đại biểu cho thấy thủy điện có những đóng góp quan trọng không chỉ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng mà còn trong cắt, giảm, làm chậm lũ và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa kiệt. Tuy nhiên, lâu nay, đặc biệt là trong đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua, có ý kiến cho rằng, thủy điện là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Ngược lại, cũng có ý kiến khẳng định đổ lỗi lũ lụt chỉ do thủy điện là cực đoan, không thuyết phục, chưa đủ cơ sở khoa học.

Thưa ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, góc độ chuyên gia, quan điểm của ông về vấn đề này như thế này? Liệu việc vận hành hồ chứa thủy điện có phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt hay không?

Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam:

Công tác vận hành hồ chứa thủy điện hết sức quan trọng. Trong những năm qua, nước ta cũng có một số sự cố liên quan tới vận hành thủy điện, như thủy điện Hố Hô. Các hồ thủy lợi cũng có một số sự cố liên quan tới vận hành. Chúng ta phải khẳng định, trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, công tác vận hành hồ thủy điện hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không làm tốt, nguy cơ mất an toàn đập là có. Quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành có ảnh hưởng tới các lưu vực sông, trong đó có các hồ, đập lớn về thủy điện. Quy trình vận hành hồ chứa đã quy định 2 thông số cơ bản là: mực nước cao nhất được tích trong mùa mưa và mực nước thấp nhất phải hạ xuống khi có mưa lũ. Theo dõi ở lưu vực sông Hồng, sông Đà, theo tôi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo rất tốt việc này. Mọi sự thay đổi so với quy trình này trong mùa mưa đều phải báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai.

Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam Hoàng Văn Thắng chia sẻ tại tọa đàm

Trong quy trình này, thẩm quyền để chỉ đạo vận hành trước mưa bão, không phải do chủ đập quyết định mà giao cho Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các địa phương, còn ở Trung ương là do Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của trung ương.

Quy trình vận hành của chủ đập rất dễ kiểm tra, thậm chí có thể kiểm tra trực tuyến theo thời gian thực. Tuy nhiên, quy trình vận hành để xả lũ là câu chuyện khó vì phụ thuộc rất nhiều vào dự báo mưa lũ và năng lực của các cơ quan chỉ đạo.

Tôi theo dõi thông tin vừa qua và báo cáo của Bộ Công thương cũng cho thấy việc vận hành các hồ đập thủy điện tuân thủ quy trình. Còn một vấn đề cần tiếp tục nâng cao là dự báo mưa lũ, từ đó ra quyết định vận hành và năng lực của tổ chức bộ máy liên quan.

(03/11/2020 17:25)

BTV Vũ Thủy: Thưa ông Nguyễn Tài Sơn, Ủy viên phản biện, chuyên gia công trình thủy công - Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà, xin mời ông chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này. Đặc biệt, xin ông cho biết quy trình vận hành hồ chứa thủy điện có các khâu như thế nào? Quy trình này liệu đã đủ chặt chẽ để bảo đảm an toàn hồ đập, góp phần nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản suất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện hay chưa?

Ông Nguyễn Tài Sơn, Ủy viên phản biện, chuyên gia công trình thủy công - Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà:

Trước tiên, đối với công trình thuỷ điện, chúng ta có 2 bộ phận chính là hồ chứa nước và nhà máy phát điện. Nhà máy phát điện chính là một công trình dân dụng, vấn đề ở đây liên quan đến việc an toàn hồ chứa nước. 

Ủy viên phản biện, chuyên gia công trình thủy công - Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà Nguyễn Tài Sơn chia sẻ tại tọa đàm

Nói đến an toàn đập, chúng ta hiểu là an toàn hồ chứa nước. Hồ chứa chính là kho dự trữ nước tích trữ mùa lũ thừa nước và sau đó lấy dần ra sử dụng khi thiếu, phục vụ hầu hết các vấn đề như phát điện, nông nghiệp tưới tiêu, thuỷ sản,... Vì vậy, vai trò hồ chứa nước rất quan trọng.

Về vấn đề an toàn hồ chứa, đấy chính là an toàn đập. Đập chính là hạng mục tạo nên hồ chứa và điểm yếu nhất của hồ chứa có thể gây ra những rủi ro cho hạ lưu; vấn đề an toàn đập được chú trọng.

An toàn đập là toàn bộ quá trình hình thành nên con đập, để bảo đảm an toàn đập phải từ khâu khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành.

Kỹ thuật làm đập Việt Nam hiện nay rất tiến bộ, thể hiện ở tiêu chuẩn an toàn tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Ví dụ như thiết kế đập Sông Đà theo yêu cầu an toàn của Quốc hội thoả mãn đủ 2 tiêu chuẩn của Việt Nam – Liên Bang Nga và hệ thống tiêu chuẩn phương Tây, cụ thể ở đây là Mỹ. Có thể nói tiêu chuẩn an toàn đã rất cao đạt chuẩn quốc tế.

Về quá trình thi công, trình độ thi công hiện nay được đánh giá cao, nhiều nhà thầu Việt Nam đang được đấu thầu thi công quốc tế. Đấy là một niềm vui cho ngành xây dựng Việt Nam.

Về khâu an toàn quản lý vận hành, đầu tiên chính là bộ quy trình vận hành được lập và trình duyệt qua các cấp quản lý Nhà nước, là công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học điều tiết nước sao cho thu được hiệu quả tối đa nhất từ hồ chứa để đáp ứng được những mục tiêu của từng công trình. Với tiềm năng vị trí địa lý, chúng ta không đáp ứng được 3 mục tiêu mà chỉ đáp ứng được 1 hoặc 2 mục tiêu thì quá trình vận hành vẫn phải an toàn với mục tiêu đó và không được làm trầm trọng cho hạ du so với tự nhiên. 

Quy định thứ 2 trong quy trình vận hành là mùa lũ phải bảo đảm an toàn công trình và bảo đảm an toàn cho khu vực hạ du; trong mùa hạn, nước phải xả về bao nhiêu, duy trì bao nhiêu... Có thể thấy, những hồ chứa lớn, thủy điện đã giữ nước và cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa kiệt, qua đó giúp cho mức thiệt hại khi hạn hán ở mức tối thiểu, nhiều nơi không bị thiệt hại.

Cuối cùng là yếu tố kỹ thuật, quy định về các yếu tố khí tượng thuỷ văn, các quy định về việc đánh giá an toàn. Đi sâu vào an toàn hồ chứa, hồ càng to hiệu quả càng lớn nhưng rủi ro cũng lớn. Ngược lại, hồ nhỏ thì rủi ro nhỏ. Tuy nhiên, nhìn chung bản thân nội dung các quy trình vận hành đã đề cập đến vấn đề cần thiết bảo đảm an toàn hạ du. Đấy là luật với từng công trình, sai thì sẽ xử phạt ngay.

Việc duy trì nước mùa lũ đang được chú trọng, thứ nhất là mực nước hồ, thứ hai là mực nước ở hạ du mà hồ đó đảm nhận bảo vệ. Ở miền Trung vừa qua, theo tôi việc điều hành rất tốt, nếu các cơ quan chức năng chuyên tâm vào quản lý thì ai vi phạm sẽ phát hiện ngay. Bởi việc giám sát là "online", trực tuyến nên hiệu quả tốt. Cuối cùng là các dự báo thảm hoạ, các biện pháp hiện tại dự báo được khoảng 20%, còn 80% không chống được.

(03/11/2020 18:08)

Những hạn chế, khó khăn trong quản lý vận hành thủy điện

BTV Vũ Thủy: Với chủ đề này, trước hết việc quản lý vận hành thủy điện hiện gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông Phạm Trọng Thực?

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: 

Đây là vấn đề Bộ Công thương cũng đã có nhiều cuộc trao đổi. Hiện nay vận hành các nhà máy thủy điện, đặc biệt là những thủy điện quan trọng đang được điều hành bởi nhiều luật: Luật Thủy lợi, Luật Bảo vệ tài nguyên nước, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều và Luật Điện lực...

Tuy nhiên, trong Luật Điện lực không đề cập gì đến thủy điện cả, đây là cái rất vướng mắc trong quá trình vận hành. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị và trong buổi hợp giải trình về tài nguyên nước của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất sửa Luật Điện lực. Ví dụ, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà… về mùa lũ vận hành theo chỉ đạo của cơ quan phòng chống thiên tai. Nói các chủ hồ cần chủ động nhưng không chủ động được vì những cái đó là sinh mệnh của đồng bằng sông Hồng cũng như Hà Nội cho nên trong quy trình liên hồ quy định rất rõ. 

Khi vận hành mùa kiệt, cũng Bộ NN – PTNT điều hành xả nước hạ du để phục vụ sản xuất, tưới tiêu, cộng thêm dòng chảy theo quy định của Bộ tài nguyên và Môi trường. Vì thế vận hành mùa kiệt nhiều khi còn khó hơn mùa lũ. Đồng thời, khi trong mùa lũ tích nước, vừa rồi có cơn bão ngày 20.9 đó là lũ cuối vụ, còn trước đó lũ chính vụ, mức nước duy trì ở Hòa Bình khác, Sơn La khác nhau thì Trưởng ban phòng chống thiên tai Trung ương quyết định chứ không phải là Tập đoàn Điện lực hay Bộ Công thương. Do đó, trong khuôn khổ pháp luật sau này cần bổ sung cho hoàn chỉnh.

Còn về khó khăn, đầu tiên là về công tác dự báo, nếu có thông tin tốt, cập nhật tốt thì việc điều hành sẽ tốt. Thứ hai, công tác phối hợp giữa các bên để điều hành vận hành trong mùa lũ, mùa kiệt. Thứ ba, trong vùng sâu vùng xa đường đi, thông tin liên lạc khó khăn, một số thủy điện có kết nối thủy điện tốt thì trong vận hành xã lũ, kể cả có sạt lỡ chia cắt thì có thể đảm bảo an toàn. Thứ tư, trong hành ngày cơ quan yêu cầu báo cáo, đặc biệt trong mùa lũ phải tức thời để có thể làm được. Nếu làm tốt cái đó thì sẽ phối hợp được bậc thang bên trên bên dưới để điều tiết phù hợp. Việc này, các thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thủy điện lớn làm tương đối tốt, còn các thủy điện nhỏ nhiều khi thực hiện chưa tốt. Thứ năm, nhân lực quản lý vận hành, chỉ quan tâm phát điện còn an toàn công trình chưa chú trọng, đôi khi địa phương không có chuyên gia, chuyên ngành về thủy điện để kiểm tra giám sát chủ đầu tư. Cuối cùng, là khó khăn trong công tác tuyên truyền.

(03/11/2020 18:15)

BTV Vũ Thủy: Trong vận hành liên hồ chứa, việc giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa đảm bảo an toàn cho hạ lưu với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho các ngành (như phát điện, tưới tiêu, hoặc cấp nước dân dụng) cũng khá phức tạp. Khi không có công cụ dự báo và hỗ trợ vận hành hữu hiệu, những quyết định để đảm bảo an toàn có thể mâu thuẫn với thực tiễn thời tiết. Chẳng hạn như xả lũ dự phòng, nhưng lũ không đến làm lãng phí nước, hoặc cũng do không nắm được tình hình thời tiết cụ thể cho từng lưu vực nên có thể xảy ra tình trạng lũ về ở lưu vực này, nhưng lại xả dự phòng cả ở những lưu vực khác mà lũ không về. Xin mời ông Hoàng Văn Thắng chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?

Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam:

Đây là một vấn đề quan trọng, trong quá trình vận hành các lưu vực chứa thì cho phép chứa một lượng nước nhất định, Ví dụ như trên sông Hương, hồ Tài Trạch có thể chứa đến cao độ 45 nhưng khi có lũ đến thì phải xả đến cao độ 38. Như vậy xả bao nhiêu là một câu chuyện rất cần cân nhắc. Nếu xả nhiều quá thì lượng mưa tiếp theo quá ít sẽ không đủ, đặc biệt là vào cuối mùa mưa. Nếu xả quá nhiều thì hồ năm sau thiếu nước và hiệu quả cung cấp điện lại thấp đi.

Trên thực tế vận hành trước đây tôi là Phó ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và gặp hai trường hợp. Khi vận hàng xả lũ hồ Tài Trạch trước Apec ở Đà Nẵng, mưa đợt đó lên tới 600mm, tôi có tham khảo mọi người trong Ban Phòng chống thiên tai thì mưa có thể lên tới 1.100mm. Cảm thấy tầm quan trọng của hội nghị Apec nên tôi chỉ đạo xả lũ theo phương án mưa 1.100, và cuối cùng đợt mưa ấy là trên 1.000mm.

Câu chuyện thứ hai là ở Bình Thuận, năm 2017, khi dự báo năm sau là hạn hán, nếu xả nước trong hồ thủy điện thì năm sau không có nước.

Kể ra như vậy để thấy đây là một câu chuyện rất lớn mà để giải quyết được thì phải nâng cao năng lực dự báo. Ở các nước, tại các lưu vực sông lớn họ đều có một trung tâm vận hành và họ tập trung rất cao để dự báo để đạt được sự chính xác cao nhất. Họ dự báo có độ chính xác rất cao và cũng rất dài hạn. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ rất chủ động, hiệu quả cung cấp điện, cấp thoát nước sẽ được tăng lên và các công tác bảo đảm an toàn cho vùng hạ du cũng sẽ được tăng lên.

Mới đây ta được tổ chức JICA của Nhật Bản hỗ trợ một dự án khá lớn cho Huế vì địa phương này rất nhiều hồ đập lớn nên ta đang xây dựng hệ thống này theo chuẩn thế giới. Tôi cũng biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xây dựng trung tâm vận hành thời gian thực cho lưu vực sông Đà, đó là một yếu tố rất quan trọng và các lưu vực sông lớn phải chú ý điều này.

Năng lực chỉ đạo cũng là một yếu tố quan trọng cùng với công tác dự báo. Bởi vào mùa mưa lũ thì hạn mực nước lại do chính quyền, cụ thể là cơ quan phòng chống thiên tai của Trung ương hoặc địa phương quyết định. Trong vấn đề này vai trò của chủ đập là không thể tránh khỏi vì là người trực tiếp vận hành. Như trên Sông Hồng, Sông Đà ta mời đến 6 cơ quan dự báo, hoạt động độc lập và đưa ra tham mưu cho cơ quan quản lý. Tôi nghĩ mọi lưu vực sông lớn đều phải kết nối với các cơ quan khoa học để dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản cho cơ quan quản lý để ra quyết định.

 Có nhiều việc cần làm nhưng hai điều cơ bản nhất: một là dự báo, hai là năng lực đội ngũ chỉ đạo thì chúng ta mới vận hành tốt và giải được bài toán an toàn đập và bài toán kinh tế cấp điện – thoát nước. Để nâng cao chuyên môn của công tác lãnh đạo, các ban chỉ huy phòng chống thiên tai nên kết nối với các cơ quan khoa học ở cả 3 bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường, NN - PTNT. Công trình thủy điện trên các sông lớn nên kết nối với các cơ quan như Đại học Thủy lợi, Viện khoa học Thủy lợi… Họ sẽ dự báo và cập nhật dự báo ở tất cả các kênh trong nước và quốc tế và tính toán xem nên xả, xả bao nhiêu. Trên các sông nhỏ hơn chúng ta cũng nên kết nối với 2-3 cơ quan khoa học để xây dựng những kịch bản hợp lý nhất.

(03/11/2020 18:30)

BTV Vũ Thủy: Dự báo tình hình khí tượng thủy văn ngắn hạn (trong vòng vài giờ) và trung hạn (trong vòng vài ngày) là rất quan trọng để đưa ra những quyết định vận hành hồ chứa điều tiết cắt giảm lũ. Thưa TS. Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bà có ý kiến gì về vấn đề này? Đồng thời, xin bà cho biết thêm về mức độ phức tạp của biến đổi khí hậu cũng như tác động của biến đổi khí hậu với nước ta trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương:

Công tác dự báo khí tượng thủy văn đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận hành các hồ chứa. Gần 50 năm nay, các bản tin dự báo khí tượng thủy văn góp phần tích cực trong thi công, điều tiết phát điện cũng như vận hành các hồ chứa cắt giảm lũ. Ví dụ chúng tôi đã phục vụ hồ Thác Bà từ năm 1975, hồ Hòa Bình từ năm 1980, Sơn La từ năm 2004, Tuyên Quang từ năm 2006, Lai Châu… và tất cả các hồ thủy điện có tên trong 11 quy trình vận hành liên hồ chứa từ năm 2010. Cũng chính như vậy trong quy trình vận hành liên hồ chứa đã có những quy định rõ trách nhiệm về quan trắc, về dự báo, về phục vụ hồ chứa, điều tiết cắt giảm lũ.

Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Nguyễn Lan Châu chia sẻ tại tọa đàm

Quy trình quy định rất cụ thể chế độ quan trắc, chế độ thông tin, nội dung bản tin dự báo cũng như thời lượng các tin dự báo trong điều kiện thời tiết bình thường cũng như thời tiết nguy hiểm như mưa, lũ, bão. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia luôn cập nhật thời tiết kịp thời, nhất là các bản tin dự báo ngắn, cực ngắn, hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài, thậm chí cả bản tin dự báo mùa cho các hồ chứa. Đặc biệt trong các bản tin ấy chúng tôi rất chú trọng tác động của bão, mưa lớn, lũ lớn, lũ trong sông, lũ quét ở vùng núi, vùng trũng. Chúng tôi cũng cung cấp thông tin cho nhiều bên khác nhau như Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, truyền hình, các đài báo, các địa phương. Cụ thể như bão số 9, từ ngày 24.10 chúng tôi đã phát liên tục các tin cho đến ngày 28.10 là ngày bão đổ bộ. Cho đến bây giờ bão số 10 cũng phát tin liên tục từ 29.10 cho đến nay và ngày 4.11 sẽ có tác động đến thời tiết miền Trung.

Những năm gần đây biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ và ngày càng nghiêm trọng đến toàn thế giới cũng như Việt Nam, thể hiện những chỉ số bất thường, dị thường, cực đoan, lớn nhất lịch sử, hiếm thấy, thể hiện ở những trận mưa, bão, lũ trong tháng 10.2020. Ví dụ như chưa bao giờ trong 1 tháng có 4 trận bão, bão chồng bão tàn phá miền Trung. Cũng trong khoảng thời gian đó, có 4 đợt lũ xảy ra lũ lịch sử trên sông Hiếu (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên Huế), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Kiến Giang (Quảng Bình) gây thiệt hại nhiều cho miền Trung.  Đặc biệt, ngưỡng mưa ngày cũng vượt ngưỡng lịch sử. Tại Thừa Thiên Huế lượng mưa ngày 24h (ngày 18-19.10) đạt 872mm cao nhất lịch sử. Tại Hà Tĩnh lượng mưa 53h đạt ngưỡng 1100mm cũng là ngưỡng cao nhất lịch sử. Lượng mưa chậm từ ngày 15-21.10 cũng tại Hà Tĩnh 1384 mm cao nhất lịch sử, lượng mưa tháng 23700 mm cao nhất lịch sử trong 60 năm qua. Ở A Lưới (Thừa Thiên Huế), Khe Sanh, Ba Đồn (Quảng Trị) cũng đạt những chỉ số lượng mưa ngày lớn nhất lịch sử.

Tất cả là do tác động của biến đổi khí hậu, khiến cho bão càng ngày càng nhiều, càng mạnh, lũ lịch sử hay lượng mưa lớn nhất cũng đạt ngưỡng cao. Trong các kịch bản biến đổi khí hậu cho biết những năm tới ngày mưa lớn nhất lịch sử có thể tăng từ 10-70%, đặc biệt là miền Trung. Bão chồng bão, lũ chồng lũ, ngập lụt liên tục gây ra sạt lở đất ở những nơi mà thậm chí nguy cơ sạt lở đất cũng không thấy, không vào những điểm mà trong bản đồ nguy cơ có dự báo trước đó.

Vì vậy, công tác dự báo khó khăn, những chỉ số cực trị rất khó dự báo và không bao giờ dự báo được. Các bản tin dự báo, ví dụ như cơn bão sắp tới, khó dự báo chi tiết cho những địa phương vùng núi, chỉ dự báo khoanh vùng lớn. Vùng núi là vùng địa hình khó nhưng lại thiếu trạm quan trắc, dù có vệ tinh nhưng dự báo lượng mưa khó khăn và không chính xác trong khi biến đổi tác động mạnh mẽ như hiện nay.  

(03/11/2020 18:37)

Giải pháp phát huy tối đa hiệu quả quản lý, vận hành thủy điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu

BTV Vũ Thủy: Như các đại biểu đã phân tích trong chủ đề thứ 2, việc quản lý, vận hành thủy điện hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát điện và điều tiết lũ. Trong tương lai, biến đổi khí hậu có thể còn có những tác động mạnh mẽ, gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này đòi hỏi phải sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, vận hành công trình thủy điện để vừa thích nghi với biến đổi khí hậu và các điều kiện thủy văn diễn biến khó lường, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa vừa đảm bảo khả năng tích nước phục vụ sản xuất điện và nhu cầu nước hạ du.

Thưa ông Đỗ Đức Quân, xin ông cho biết định hướng phát triển thủy điện trong giai đoạn tới khi xây dựng Quy hoạch điện VIII?

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương:

Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì đến nay đã cơ bản hoàn thành. Sơ đồ điện VIII có thể nói một cách tóm tắt là thời kỳ của năng lượng tái tạo, chủ yếu là gió và mặt trời. Với sự phát triển rất mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên thế giới, việc sản xuất các thiết bị của năng lượng tái tạo đã giảm giá thành rất nhiều và chúng ta có cơ hội để phát triển năng lượng này. Và có thể nói rằng tổng sơ đồ VIII sẽ là tổng sơ đồ của phát triển năng lượng tái tạo và một số nhiệt điện khí ngoài những chuyện phát triển bình thường như trước đây. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi đang chỉ đạo, tư vấn cùng với các cơ quan có liên quan để thực hiện việc này, đây cũng là một trong những nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về tổng thể định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tôi có thể nói riêng về thủy điện, thì có lẽ việc phát triển thủy điện trong những năm vừa qua, chúng ta đã khai thác về cơ bản những dự án thủy điện lớn. Trong những năm tới đây, tỷ lệ phát triển thủy điện sẽ giảm xuống rất nhiều vì nhu cầu phát triển điện của chúng ta mỗi năm chỉ khoảng 7.000 – 8.000 megawatt (MWh), tuy nhiên thủy điện chúng ta đã khai thác về cơ bản thì tỷ lệ thủy điện sẽ giảm xuống còn khoảng 20% và 12% vào những năm 2040, 2045. Trong giai đoạn tới thì các dự án thủy điện lớn chúng ta có thể chuẩn bị triển khai như dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, chúng ta mở rộng thêm được 480 MWh nữa, sử dụng tất cả những hồ chứa, toàn bộ công trình đầu mối của dự án hồ chứa của dự án thủy điện Hòa Bình mà chỉ nâng công suất các máy lên. Thứ hai, dự án thủy điện Ialy mở rộng cũng được 360 MWh nữa cũng tận dụng tất cả cái cũ để làm thêm và để đáp ứng nhu cầu của hệ thống điện. Rồi ví dụ một số những dự án thủy điện vừa và nhỏ mà có hiệu quả cũng như ảnh hưởng ít đến môi trường. Ở đây chúng tôi cũng muốn nói rằng, trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới đây thì riêng về dự án thủy điện nhỏ chúng tôi kiểm soát rất kỹ, ngoài việc chuyên môn về thủy điện chúng tôi còn kiểm soát rất kỹ về vấn đề diện tích chiếm đất nói chung và đặc biệt là các diện tích chiếm đất lúa, đất rừng.

Qua thời gian thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội cho đến nay, chúng tôi tổng kết lại diện tích chiếm đất của các dự án thủy điện nhỏ giảm rất nhiều. Trước đây tính bình quân khoảng 5 – 7ha/MWh thì hiện nay chúng tôi tổng kết từ 2014 đến nay chỉ còn 1,9ha/MWh. Và thứ hai nữa là từ năm 2016 đến nay, tất cả các dự án thủy điện nhỏ mà bổ sung quy hoạch thì không có chiếm một mét nào đất rừng tự nhiên. Chúng tôi cũng không thống nhất việc các tỉnh đã chiếm đất rừng tự nhiên không bổ sung quy hoạch. Tuy nhiên hiện nay ở các địa phương đặc biệt là miền núi phía Bắc, nói về miền Trung và tây Nguyên thì ít nhưng miền núi phía Bắc vẫn có các tỉnh có đề xuất để phát triển thủy điện nhỏ thì chúng tôi phải lựa chọn những dự án ảnh hưởng ít đến môi trường, đặc biệt là đất và rừng, để làm sao có thể giảm thiểu nhất ảnh hưởng. Thứ hai, qua trận lũ lụt ở miền Trung thời gian vừa qua thì có thể nói đó là thiên tai, thảm họa rất lớn. Chúng tôi cũng đang, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp cũng như là đề xuất yêu cầu của các địa phương để đánh giá lại với tình hình biến đổi khí hậu và tính mưa lũ cực đoan như thời gian vừa qua để có định hướng phát triển các dự án thủy điện nhỏ ở trên địa bàn của các tỉnh trong thời gian tới.

Ngoài ra các vấn đề khác như vấn đề môi trường, an toàn đập, vấn đề vận hành cũng như các nội dung khác thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương để làm sao có thể vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường.

Một vấn đề nữa chúng tôi muốn nói là đã có một số nhà khoa học cũng như báo chí có nói về vấn đề tiêu thoát lũ là một trong những vấn đề cần đánh giá tổng thể. Hiện nay các hệ thống tiêu thoát lũ chúng ta cần phải rà soát lại. Tại sao trước đây nước tiêu thoát nhanh hơn, ngắn ngày hơn? Bây giờ hệ thống giao thông, các công trình xây dựng,… có thể làm giảm khả năng tiêu thoát cho nên có thể gây ra việc ngập lâu hoặc ngập ngập lụt lớn hơn. Thì tôi nghĩ rằng chúng ta phải rà soát. Ngoài chuyện tổng thể về thiên tai thì chúng ta phải rà soát tất cả nội dung đó để đảm bảo về lâu dài.

Riêng về vấn đề sạt lở đất như ông Nguyễn Tài Sơn và bà Nguyễn Lan Châu có nói thì trong thời gian vừa qua chúng tôi đánh giá ngoài về cấu tạo địa chất của từng vùng nhưng vừa rồi diễn ra trên diện rất rộng thì chúng tôi có xem xét, nghiên cứu có lẽ nguyên nhân chính có lẽ là do mưa lũ, mưa quá lớn một thời gian dài và vượt các mốc lịch sử. Từ năm 1954 đến giờ chưa có trận nào mức độ lớn như thế, như thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) chưa bao giờ ngập nhưng đợt vừa qua đã ngập. Theo tôi qua vụ thiên tai nặng nề như thế này chúng ta phải đánh giá lại tính chất tổng quan để có những giải pháp. Còn thực chất, để chống lũ quét cực kỳ khó. Tôi rất đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng rằng với lũ quét không công trình nào có thể trụ được. Với lũ quét chúng ta chỉ có thể né tránh, chuyển đi chỗ khác. Cho nên trong kế hoạch tổng thể về phát triển hạ tầng cũng như các vấn đề liên quan chúng ta cần xem xét và cân nhắc rất kỹ lưỡng.

(03/11/2020 18:52)

BTV Vũ Thủy: Ông có bình luận gì về định hướng phát triển thủy điện mà đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo vừa đề cập, thưa ông Mai Sỹ Diến?

Ông Mai Sỹ Diến, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

Một là, cần làm rõ thủy điện có phải là nguyên nhân của lũ lụt không. Hai là, vận hành hồ đập thủy điện hiện nay phải giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và ngành. Do còn những vướng mắc trong điều hành, vận hành có mâu thuẫn cho nên Bộ Công thương đã trình quy định đối với liên hồ do Chính phủ quy định ban hành, còn đơn hồ do địa phương ban hành. Tuy việc quy định rất chặt chẽ nhưng trong việc tổ chức thực hiện vận hành để bảo đảm đâu là lợi ích của nhà đầu tư, đâu là lợi ích của người dân và đâu là lợi ích của ngành thì vẫn phụ thuộc vào người điều hành.

Hai là, về vấn đề thông tin dự báo, biến đối khí hậu khiến việc dự báo rất khó, nhưng không phải vì khó mà không đầu tư các công cụ để dự báo. Trách nhiệm đầu tư công cụ này phải từ nhà đầu tư. Đối với nhà quản lý thì phải liên kết giữa các nhà đầu tư để có thông tin giữa các nhà đầu tư nước nguồn về bao nhiêu? Nước lũ bao nhiêu? Phải có thông tin và đầu mối điều hành.

Bên cạnh đó, hiện nay quy hoạch ngập lụt ở vùng hạ du là chưa thưc sự hoàn thành, chưa cắm mốc giới, mà đúng ra việc quy hoạch phải nêu rõ xả đến đâu, ngập lụt đến đâu phải giải phóng mặt bằng. Nếu ngập lụt vượt mức quy hoạch đó thì nhà đầu tư phải đền bù. Không thể để tình trạng cần xả lũ là xả còn để người dân vùng hạ lưu hấng chịu thiệt hại nặng nề về cả người và tài sản, nhà đầu tư không chịu trách nhiệm gì. Do vậy, cần làm rõ vấn đề quy hoạch vùng ngập lụt ở hạ lưu.

Tiếp đến, quan điểm của Bộ Công thương là cần phải quy hoạch vùng sạt lở để có biện pháp phòng tránh thiệt hại người và của như vừa qua. Không đầu tư công trình thủy điện ảnh hưởng đến nguồn rừng tự nhiên. Còn liên quan đến rừng trồng thì tùy dự án cụ thể để xem xét.

Về vấn đề an toàn hồ đập, Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà quản lý đặt lên hàng đầu. Đảm bảo an toàn từ khẩu chuẩn bị đầu tư, khảo sát, lập thiết kế dự toán, thực hiện dự án, kết thúc đầu tư và việc vận hành đều có nhà chuyên môn thực hiện. Vì vậy, không thể nói, đầu tư một công trình thủy điện có yếu tố không an toàn.

Phải xác định mục tiêu rõ ràng việc xây dựng công trình thủy điện phải đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu, lợi ích của người dân, rồi đến lợi ích nhà đầu tư.

(03/11/2020 19:01)

BTV Vũ Thủy: Về phía cơ quan quản lý nhà nước, thưa ông Phạm Trọng Thực, tới đây Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường sẽ triển khai những công việc gì để tăng năng lực quản lý, giám sát vận hành thủy điện? Cục có đề xuất gì để phát huy tối đa hiệu quả quản lý, vận hành thủy điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một phức tạp?

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương:

Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để giám sát vận hành và điều tiết hồ chứa, phòng chống bão lụt một cách toàn diện. Có những vấn đề phát sinh sẽ xử lý, chỉ đạo chủ hồ chứa và đặc biệt các hồ thủy điện vận hành lâu xem xét lại điều kiện thủy văn đã thay đổi, hoặc các quy trình liên hồ đã được cập nhật thì cần điều chỉnh quy trình vận hành cho phù hợp để đáp ứng được diễn biến khí hậu cực đoan.

Mặt khác, chúng tôi sẽ phối hợp với Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều hành hồ chứa trong mùa lũ, mùa kiệt, bảo đảm an toàn cho hạ du, sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo sinh hoạt cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Nghị định 114 về vận hành an toàn hồ đập thủy điện để chủ đầu tư, chính quyền địa phương hiểu được: phải quản lý hồ đập như thế nào, hàng năm phải kiểm tra những gì để bảo đảm đập được an toàn. Đồng thời, phối hợp Bộ NN - PTNT xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đập, hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý, vận hành hồ chứa. 

Để nâng cao hiệu quả, Bộ Công thương sẽ tăng cường yêu cầu chủ đầu tư đầu tư các trang thiết bị giám sát để có dữ liệu cập nhật và chuyển số liệu về cơ quan quản lý để giám sát.

Chúng tôi cũng mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn; Bộ NN - PTNT cung cấp đầy đủ bản đồ ngập lụt; địa phương cần chỉ đạo giám sát việc thựcc hiện quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ.

Còn đối với chủ hồ cần thực hiện nghiêm quy trình liên hồ và đơn hồ đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như  an toàn cho hạ du. Các chủ đập phải tuân thủ Thông tư 47 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về giám sát, ví dụ có camera kiểm soát mực nước thượng lưu, hạ lưu phải chính xác, nhiều chủ hồ có camera nhưng độ phân giải còn thấp... Trong quá trình điều hành của Bộ Công thương sẽ yêu cầu Sở Công thương có những quy định thực hiện những quy định này cho tốt hơn.

Còn đối địa phương, do thiên tai bất thường, không biết xảy ra lúc nào nên cần diễn tập phòng chống thiên tai thường xuyên. Nếu lơ là, lũ về chúng ta không có phương án thì sẽ rất khó khăn. Đồng thời, giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang thoát lũ của công trình; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành theo quy định của pháp luật. 

Nếu kết hợp tốt, việc vận hành nhà máy thủy điện trong diễn biến thiên tai cực đoan sẽ giảm thiểu thiệt hại tốt hơn nữa.

(03/11/2020 19:12)

BTV Vũ Thủy: Xin mời ông Nguyễn Tài Sơn chia sẻ, gợi ý những giải pháp để nâng cao hiệu quả vận hành thủy điện. Đặc biệt, xin ông cho biết quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ có gì cần điều chỉnh không?

Ông Nguyễn Tài Sơn, Ủy viên phản biện, chuyên gia công trình thủy công - Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà:

Về các ý kiến liên quan đến hiệu quả vận hành hồ chứa, các quy định vận hành hiện nay có thể nói là phần quy trình cứng. Tất nhiên, việc sử dụng hiện nay chưa được tối ưu, mà việc tối ưu vận hành này phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên mà ở đây là điều kiện khí tượng thuỷ văn. Hiện nay, chúng ta chỉ có thể nâng cao năng lực dự báo và tiếp cận dần đến tối ưu. Song, cần hiểu là không thể dự báo hoàn toàn chính xác được.

Thứ nhất, lưu vực nằm bên ngoài là chủ yếu nên đánh giá rất khó, để tiệm cận được đã là tốt rồi, sau đó nâng dần lên.

Thứ hai là cách quản lý về dự báo, cá nhân tôi cho rằng cần có sự điều chỉnh vì với hoàn cảnh chúng ta hiện nay, nguồn nhân lực không có nhiều. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào con người, tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề chưa hợp lý.

Tiếp đến là đào tạo, phần đào tạo cho nhân viên vận hành trực tiếp hiện nay rất tiến bộ, tất cả các công nhân quản lý đều qua đào tạo và có chứng chỉ kỹ năng công việc. Tuy nhiên, về việc kiểm tra, đánh giá an toàn đập chúng ta vẫn đang còn yếu nên cần phải chú trọng đào tạo nhân viên quản lý. Ở những công trình lớn đã rất tốt, được đào tạo bài bản và đánh giá khách quan. Nhưng đối với các công trình vừa và nhỏ đang có tình trạng nhân viên thực thi về góc độ kỹ thuật chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, cần có các buổi tập huấn, đào tạo để nâng cao trình độ nhân viên cho tới cấp quản lý.

Một điều đáng nói về vấn đề quản lý hiện nay vẫn còn hiện tượng chồng chéo, cùng 1 đập có thể có rất nhiều đoàn đến kiểm tra, điều này không cần thiết. Quan trọng là phải có đội ngũ chuyên gia có năng lực đánh giá sẽ thiết thực hơn.

(03/11/2020 19:16)

BTV Vũ Thủy: Theo bà Nguyễn Lan Châu, đối với công tác dự báo khí tượng thủy văn, trong thời gian tới cần có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng dự báo?

Bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương:

Mạng lưới trạm quan trắc mưa, lũ hiện nay đối với vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa còn thưa thớt. Ví dụ như trên sông Đà, chúng tôi kiến nghị lập thêm 100 trạm đo mưa và 2 ra đa. Vừa rồi chúng tôi có phối hợp với Đà Nẵng thiết lập sông Vu Gia, sông Thu Bồn hơn 400 trạm quan trắc mưa.

Trong quy trình vận hành liên hồ mới chỉ quy định phải quan trắc mưa lũ, nhưng tôi đề nghị phải nắm rõ hướng dẫn, ví dụ các chủ hồ phải thiết lập mạng lưới quan trắc mưa ngay tại hồ của mình. Như thủy điện Krông Năng (Phú Yên) có hơn mười mấy trạm đo mưa, nhờ đó dự báo của chúng tôi chính xác hơn hẳn. Vì ở vùng hồ mưa bao nhiêu là vào hồ hết bấy nhiêu, nếu không có thông tin về quan trắc mưa thì sẽ rất khó dự báo.

Với miền Trung, quy trình liên hồ chứa lại giao trách nhiệm cho chủ hồ dự báo lưu lượng đến hồ, dự báo mực nước hồ. Điều này khác với Bắc bộ, giao cho Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo tất cả từ lưu lượng đến đồ cả mực nước hồ, xả… Vì vậy đối với miền Trung, chúng tôi kiến nghị sắp tới phải thay đổi, giao trách nhiệm không phải chủ hồ mà các đài khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh. Thành lập tổ chuyên gia tư vấn để tính toán vận hành hồ chứa theo lưu vực sông thì mới ra được những con số hợp lý, tối ưu. Tình trạng dự báo ở miền Trung dự báo cho hồ chứa vẫn chưa đảm bảo.

Trong quy trình vận hành liên hồ chứa, có một quy định rất khó khăn. Cụ thể, mưa ở hạ lưu xảy ra trước hoàn toàn do bão, mà lúc đấy các hồ toàn ở thượng lưu, các hồ bắt đầu xả đồng loạt để tạo dung tích phòng lũ. Cho nên lũ ở hạ du vừa xong lại gặp lũ ở trên thượng lưu do các hồ nữa sẽ gây ngập lụt trầm trọng. Do đó cần có quy định về thời điểm quyết định vận hành xả lũ để tạo dung tích phòng lũ. Đặc biệt đối với trường hợp mưa ở hạ du xảy ra trước, và miền Trung mưa chủ yếu là do bão xảy ra trước. Như vậy sẽ rất khó, sẽ ngập lụt nghiêm trọng ở hạ du.

Tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí khi đưa tin dự báo phải đưa cả tin lưu lượng đến hồ bao nhiêu, các hồ xả bao nhiêu, tránh gây hiểu nhầm lụt lội hoàn toàn là do các hồ xả lũ. Lưu lượng các hồ xả ra nhỏ hơn lưu lượng đến, nhưng cứ nói do các hồ xả là không đúng, khiến cho người dân hiểu nhầm lũ là do thủy điện.

Ảnh Duy Thông