Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”

- Thứ Ba, 01/12/2020, 17:20 - Chia sẻ
Ngày 31.7.2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của Vùng. Từ đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Việc lập quy hoạch còn nhằm giải quyết các vấn đề như cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Kông và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, suy giảm tài nguyên rừng…

Với mục tiêu đánh giá những việc đã và đang làm vì sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long, nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức, những chủ trương chính sách đã được khẳng định là đúng đắn cần phát huy cũng như chính sách bất cập, tiềm ẩn những hệ lụy lâu dài xét trên các khía cạnh phát triển bền vững, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”. Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà quản lý làm rõ, định hướng chiến lược, đưa ra các giải pháp đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

- TS.Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

- PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường

- TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp

- PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thành viên Hội đồng lý luận Trung ương

(01/12/2020 15:10)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Vì sao đồng bằng sông Cửu Long cần quy hoạch tích hợp?

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Hàng năm sản xuất 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, cũng chính vì vai trò quan trọng đó mà vùng có quá nhiều quy hoạch với những mục tiêu phát triển tham vọng, không gắn với nguồn lực và đặc thù của vùng. Hơn 2.500 quy hoạch, trong đó có 22 quy hoạch cấp vùng dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và không đồng bộ; nhiều quy hoạch còn mang tính chủ quan, duy ý chí, không dựa trên cơ sở khoa học...

Nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu đặt ra cho quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu là phải quy hoạch vùng tích hợp; xây dựng một tầm nhìn chung và chương trình hành động chung để quản lý tích hợp cho vùng; hướng đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững, phù hợp với đặc thù của vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ chế liên kết và quản lý phát triển vùng hiệu quả...

(01/12/2020 15:20)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, theo ông khi xây dựng quy hoạch cần lưu ý đến vấn đề gì để thúc đẩy phối hợp và xác định vai trò trách nhiệm của các bên liên quan?

Ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng chia sẻ tại tọa đàm

Trong thực tế, đây là việc làm nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung về vấn đề này, đối với tôi, việc quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần tập trung vào 6 nội dung sau:

Trước hết, cần phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế bảo đảm với quản lý ngành và lãnh thổ, đặc biệt là đối với khu vực ĐBSCL cần phải được tính toán và bám sát.

Thứ hai, ĐBSCL thuộc khu vực với vị trí địa lý rất đặc thù. Đây là khu vực vừa có biên giới biển, vừa có biên giới đất liền. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện quy hoạch bảo đảm phát triển kinh tế cần tính toán đến các yếu tố bảo đảm quốc phòng an ninh. Điều này có nghĩa là trong quá trình phát triển kinh tế cần đầu tư tương xứng, ví dụ đầu tư phát triển kinh tế đánh bắt xa bờ phải nghĩ đến lực lượng vừa phát triển kinh tế biển với đội tàu như thế nào để vừa bảo đảm an ninh biển, vừa phát triển kinh tế.

Thứ ba, bảo đảm sự kế thừa liên tục và ổn định thứ bậc trong quy hoạch. Theo đó, quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, trên cơ sở quy hoạch cấp quốc gia thì thực hiện quy hoạch vùng, trên cơ sở yếu tố quy hoạch vùng tính đến quy hoạch địa phương của mình để đáp ứng yêu cầu quy hoạch chung.

Thứ tư, bảo đảm sự đặc thù riêng của ĐBSCL. Chúng tôi đã xem và thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, theo đó, trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp với các bộ, ngành Trung ương cũng tính đến quy hoạch của các tiểu vùng. Trên cơ sở đó tính toán cho từng tiểu vùng để phát triển kinh tế sao cho phù hợp, liên kết giữa các tỉnh, của nhóm các tỉnh, của các khu vực sông, ví dụ sông Hậu, sông Tiền, khu vực Đồng Tháp, bán đảo Cà Mau… tính đến yếu tố liên kết vùng đặc thù riêng với từng loại sản phẩm, từng ngành nghề.

Thứ năm, bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quá trình thực hiện lập quy hoạch và giám sát việc lập quy hoạch này. Cần thực hiện những yếu tố này để giảm bớt rủi ro của các dòng sản phẩm, cũng như thực hiện phá vỡ quy hoạch. Như vậy, nhân dân vừa là chủ thể giám sát, vừa là đối tượng tham gia. Như chúng ta đã biết ĐBSCL thì yếu tố làm nghề nông là rất lớn và hầu hết bà con cũng xuất phát từ nông nghiệp là chính.

Cuối cùng, phải bảo đảm tuân thủ quan điểm và đường lối của Đảng và điều hành của Chính phủ. Phải tuân thủ điều hành của Chính phủ thì mới bảo đảm thực hiện thắng lợi theo yêu cầu quy hoạch.

(01/12/2020 15:39)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Trước đây, để ứng phó với lũ, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã xây đê bao. Trong khi đó, những vùng như Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang mặn vốn từ trong đất lại được chủ trương ngọt hóa. Thưa TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, vì sao lại có tình trạng quy hoạch mâu thuẫn, thậm chí là ảnh hưởng, triệt tiêu lẫn nhau như vậy?

TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp:
Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp TS. Đặng Kim Sơn chia sẻ tại tọa đàm

Trong thời gian qua chúng ta có một loạt các mâu thuẫn và không đồng bộ trong quy hoạch, trước hết về tình hình phát triển kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung, là khởi điểm kinh tế của chúng ta còn vô cùng khó khăn, việc an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, trong phát triển chúng ta còn mang nặng tư duy duy ý chí, chủ quan, quyết tâm cao, vắt đất ra nước, thay trời làm mưa… sẵn sàng thay đổi hiện trạng cảnh quan để thực hiện mục đích của mình. Điều này xuất phát điểm từ khi nước ta thực hiện kinh tế quy hoạch theo nguyên tắc phân bổ lực lượng sản xuất, toàn bộ tài nguyên đều do nhà nước điều phối.

Ngoài ra còn có một thực tế, thời điểm đó chúng ta tiến hành rất nhiều quy hoạch của các bộ, ngành và các địa phương riêng biệt nhau, nên sự khớp nhau còn rất hạn chế. Đây là cái chúng ta phải từng bước phải học hỏi, rút kinh nghiệm và đi đến điều chỉnh.

(01/12/2020 15:45)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Tình trạng chồng chéo quy hoạch đã dẫn đến tình trạng trên cùng một dòng sông, bên này quy hoạch trồng lúa cần nước ngọt, bên kia quy hoạch nuôi tôm cần nước mặn gây mâu thuẫn, xung đột, bất ổn trong cộng đồng dân cư. Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, phải chăng đây là lý do khiến ĐBSCL phải có một bản quy hoạch tích hợp?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thành viên Hội đồng lý luận Trung ương:
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường; Thành viên Hội đồng lý luận trung ương PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chia sẻ tại tọa đàm

Tôi cũng thấy đây là vấn đề bất cập đang diễn ra và cần phải khắc phục để biến những điều xung đột có thể bổ sung cho nhau, đó là bài toán đặt ra. Đây không chỉ là vấn đề xung đột với bên nuôi tôm với bên trồng lúa mà còn xung đột với cả phân bố dân cư. Tích hợp có nghĩa là nó phải mang tính hỗ trợ nhau để phát huy lợi thế của nhau.

(01/12/2020 15:50)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Cách tiếp cận tích hợp và tôn trọng quy luật tự nhiên là hai điểm đột phá cho mô hình phát triển ĐBSCL. Thưa PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, vì sao quy hoạch tích hợp đối với vùng lại quan trọng đến vậy?

PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường:

Đây là một vấn đề lớn, quy hoạch không chỉ cho hôm nay mà còn cho mai sau; không chỉ cho quản lý lĩnh vực nông nghiệp mà còn cho tất cả các lĩnh vực, bởi muốn phát triển bền vững bao giờ cũng phải bắt đầu từ quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường PGS. TS Bùi Thị An chia sẻ tại tọa đàm

Qua những ý kiến vừa rồi, chúng ta đã thấy rất rõ vì sao phải quy hoạch tích hợp. Tôi cho rằng chúng ta vốn xuất thân từ nền nông nghiệp lúa nước, manh mún và cá thể đi lên nên “đèn nhà ai người nấy rạng”. Chính vì vậy nên suốt cả quá trình phát triển, chúng ta đã lãng phí khá nhiều trên nhiều lĩnh vực. Một quy hoạch thiếu đồng bộ gây ra lãng phí trên nhiều lĩnh vực.

Tôi ví dụ với một con đường nhỏ ở Thuỵ Khuê đào xuống rồi lại lấp lên, trở thành một con đường nhỏ, gồ ghề ngay trong phố cổ mà không sửa được. Đấy chính là việc quy hoạch không đồng bộ.

Có thể thấy, vấn đề mà chúng ta đề cập tại Tọa đàm này là một vấn đề rất lớn. Muốn phát triển bền vững, chúng ta không thể đi cá nhân được, phải có nhiều người, có liên kết rõ ràng. Với ĐBSCL, đây là một lợi thế rất mạnh với việc chuyển từ lúa nước sang thủy sản, năng lượng khác. Tuy nhiên, nếu cứ phát triển manh mún sẽ không có lợi mà phải quy hoạch đồng bộ trên cơ sở chỉ đạo chung.

Đất nước ta đang cần phát triển ba trụ cột kinh tế, môi trường và xã hội; tuy nhiên, vẫn phải dựa trên nền tôn trọng quy luật tự nhiên để đi lên để tận dụng lợi thế nhưng không tiêu diệt cá nhân trong đấy mà tận dụng đặc thù. Tôi cho rằng đấy là con đường duy nhất đúng đắn, chỉ có như vậy mới có thể phát triển được. Muốn công nghiệp hoá, công nghệ cao không được manh mún trong cả trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

(01/12/2020 16:10)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Rõ ràng, nhiều bản quy hoạch được xây dựng theo địa giới hành chính hoặc từ góc nhìn từ một ngành chuyên môn, trong khi tự nhiên không biết đến những ranh giới do con người vạch ra trên bản đồ. Từ góc độ cơ quan quản lý, thưa ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần quy hoạch tích hợp như thế nào để không vấp phải tình trạng tự phát manh mún như những bản quy hoạch trước đây?

TS.Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 20 triệu dân, chiếm 19% dân số cả nước. Đây là vùng có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu...

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường TS.Tăng Thế Cường chia sẻ tại tọa đàm

Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biển đổi khí hậu, trên cơ sở tích hợp tất cả sự phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chuyên môn và các địa phương vùng ĐBSCL. Tại Hội nghị năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì đã đưa ra một cách tiếp cận để ĐBSCL phát triển bền vững, khá giả thịnh vượng trong tương lai. Quy hoạch tích hợp được đặt ra ở đây sẽ được đặt theo quan điểm Nghị quyết 120 đó là thuận thiên.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL. Đây chính là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. 

Vấn đề về quy hoạch tích hợp này sẽ này sẽ được tính đến đầy đủ về tự nhiên. Ví dụ như sông nước, vùng cao, vùng thấp, vùng trung, các vấn đề của các tiểu vùng, vấn đề xã hội, văn hóa, con người của vùng để nhận diện đầy đủ thực trạng và khắc phục những manh mún trước đây mà các quy hoạch không giải quyết được. Quy hoạch tích hợp có giá trị cộng hưởng thành một thể thống nhất. Tất cả các quy hoạch ngành của chúng tôi, ví dụ quy hoạch đất đai, quản lý tài nguyên nước, khai thác khoáng sản đều tác động đến vấn đề sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn, canh tác… Như vậy, quy hoạch phải đảm bảo tính tổng thể, toàn diện cả vùng, đồng thời đảm bảo sự liên kết với các vùng khác, đảm bảo sự kết nối với TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Thậm chí phải tính đến quy hoạch của các quốc gia thượng nguồn trong việc hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Lưu ý rằng các phương án quy hoạch tài nguyên nước rất quan trọng vì 95% lượng nước của ĐBSCL là từ bên ngoài chảy vào, từ các nước trên thượng nguồn sông Mê Kông. Trong khi đó các quốc gia ở thượng nguồn cũng khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phát triển thủy điện và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Cho nên, ĐBSCL một là chịu tác động kép của những vấn đề xâm nhập mặn, sụt lún, biến đổi khí hậu. Hai là các vấn đề khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Do vậy các vấn đề về kinh tế, xã hội, tự nhiên, tài nguyên môi trường rất quan trọng đối với quy hoạch tích hợp này. Quy hoạch tài nguyên nước phải bổ sung, hỗ trợ cho quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy sản, mang lại sinh kế việc làm của người dân. Phương án quy hoạch đê điều trong quy hoạch tích hợp cũng phải gắn với phát triển giao thông, góp phần phát triển bền vững chứ không thể tách rời.

(01/12/2020 16:20)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Tích hợp những gì, tích hợp đến đâu để không cứng nhắc

Từ ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, có thế thấy rằng, để giải quyết chủ trương phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, đầu tiên là phải có quy hoạch tích hợp cho vùng, sao cho thích ứng với điều kiện sản xuất, trình độ sản suất, văn hóa, thói quen, tập quán của từng miền, địa phương... và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các phương án quy hoạch chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” và khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Và quan trọng hơn cả, quy hoạch không thể giải quyết riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, đi theo con đường riêng của mình.

Quy hoạch cần tích hợp những gì, tích hợp đến đâu để vừa bảo đảm tính đồng bộ, thể hiện sự phân công hợp tác, không bị xung đột, chồng lấn vừa xác định được các định hướng ưu tiên của vùng trong từng giai đoạn. Để làm được điều này, cần có một quy hoạch cho vùng do Chính phủ chỉ đạo và giao cho một đầu mối làm thống nhất, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, bộ, ngành, địa phương... để không lãng phí thời gian, tiền của, sao cho sử dụng nguồn lực thấp nhất nhưng hiệu quả mang lại cao nhất.

(01/12/2020 16:21)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, ông từng nhắc đến nhiều lần việc quy hoạch tích hợp, quản lý tích hợp để phát triển vùng ĐBSCL. Theo ông, cần tích hợp như thế nào để khắc phục tính chia cắt của quy hoạch theo ngành, theo địa phương?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thành viên Hội đồng lý luận Trung ương:

Để trả lời câu hỏi tích hợp như thế nào trong một bản kế hoạch chung, tôi cho rằng bất kỳ một bản quy hoạch nào đều phải dựa trên yếu tố tự nhiên. Trong điều kiện tự nhiên, người ta phải tính đến điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Đó là tiền đề cho tất cả các hoạt động quy hoạch. Đây là điều phải rà soát và làm rất kỹ.Trong điều kiện tự nhiên phải xét trong điều kiện biến đổi khí hậu, chúng ta phải xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu.

Thứ hai là dựa trên thực trạng của phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ, bên này trồng lúa, bên kia lại nuôi tôm ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Rõ ràng cần xem lại tất cả các yếu tố liên quan đến hạ tầng. Có rất nhiều sự khác biệt giữa kinh tế tập trung và kinh tế thị trường. Chúng ta vừa bắt đầu thực hiện các cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chúng ta phải đẩy mạnh công tác dự báo, đinh hướng như thế nào, phát triển ra sao. ĐBSCL nằm ở vị tri trung tâm rất quan trọng, buộc chúng ta phải có tầm nhìn mới về vấn đề này. Ngoài kinh tế, quy hoạch còn cần tích hợp với vấn đề an ninh quốc phòng. 

Thứ ba là vấn đề phân bố dân cư. ĐBSCL là một vùng sông nước, cũng là vùng có chỉ sổ phát triển thấp, do đó chúng ta cần tính đên phát triển lực lượng lao động trong tương lai. Phải có tính toán đầy đủ và phải có sự liên kết vùng.

(01/12/2020 16:23)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Xin mời ý kiến của PGS. TS Bùi Thị An về vấn đề này?

PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường:

Quy hoạch tích hợp không phải cộng cơ học và quy hoạch bao giờ cũng phải dựa trên đánh giá thực tiễn cùng với dự báo tương lai thì chúng ta mới quy hoạch được. Tôi đề nghị trên cơ sở thực tiễn và cơ sở dự báo tổng thể xã hội, tự nhiên, phải đặt ra được mục tiêu quy hoạch vùng phải đạt cái gì. Ví dụ, ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước, tới đây phải chiếm 56% hay tăng hơn nữa, chất lượng sẽ thế nào, cá ra sao.... phải trên cơ sở thực tiễn và đánh giá quy hoạch cần phải có mục tiêu tổng thể.

Tiếp đó, phải dự báo tổng thể về xã hội từ địa lý, dân số... mức độ phát triển xã hội sẽ thế nào, từ đó ta đánh giá và có phương pháp chống đỡ ngay trong quy hoạch. Trong quy hoạch ĐBSCL có rất nhiều quy hoạch nhỏ, chi tiết từ quy hoạch năng lượng, thuỷ lợi, đất đai, quy hoạch nước... nếu giải quyết tốt vấn đề quy hoạch sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, không thể "dàn hàng ngang" tất cả các quy hoạch mà phải chọn ra vấn đề trọng điểm để giải quyết. Trước mắt là cần làm thế nào để cân bằng nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ hai là trên cơ sở quy hoạch hiện tại, tôi cũng đề nghị các tỉnh rà soát lại quy hoạch của địa phương mình xem vấn đề nào phù hợp mục tiêu chung, vấn đề nào chưa thích hợp thì loại trừ. Đặc biệt, về ban quản lý sông cầu, lưu vực sông hiện tại tôi thấy chưa phát huy hiệu quả, cần đặt vấn đề quản lý thế nào để bộ máy không bị phình ra mà vẫn mang lại hiệu quả.

(01/12/2020 16:27)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, theo ông, nhiệm vụ chính của quy hoạch tích hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất, sự biến động của dòng chảy… cần lưu ý điều gì?

TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp:

Hàng ngày, hàng giờ, ĐBSCL đang phải đương đầu với hàng loạt thách thức và cũng mở ra hàng loạt các cơ hội mới. Tốc độ thay đổi hiện nay của ĐBSCL có thể nói là diễn ra vô cùng chóng mặt. Ít có địa phương nào phải đương đầu trực tiếp về tốc độ sụt lún, tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước trên thượng nguồn… Đây không còn là vấn đề tương lai nữa, cộng thêm biến đổi khí hậu, thì chắc chắn tần suất, quy mô... bị ảnh hưởng tiêu cực sẽ tăng nhiều. Vậy, chúng ta đặt việc quy hoạch trên những nền tảng nào?

Thứ nhất, trước những vấn đề phức tạp đó, quy hoạch phải xây dựng căn cứ, luận cứ khoa học chắc chắn về những gì đang xảy ra. Việc "vắng lũ" trong nhiều năm sẽ xử lý như thế nào? Hay vấn đề sụt lún, 70-80% vật liệu phù sa đang bị trôi mất, tốc độ dòng chảy liên tục tăng phải xử lý như nào? ĐBSCL là địa phương duy nhất trên cả nước di cư thuần âm (xuất cư cao hơn nhập cư), lao động bị chảy ra ngoài, việc này liệu có tiếp diễn trong tương lai hay không, làm thế nào ngăn chặn nó?

Để giải quyết những vấn đề này chúng ta phải có nghiên cứu cụ thể. Rất may mắn, việc quy hoạch này được dựa trên rất nhiều nền tảng quy hoạch khác. Năm 1990-1993, đoàn quy hoạch ĐBSCL đã tiến hành quy hoạch đó. Năm 2013 có kế hoạch phát triển toàn diện ĐBSCL do chuyên gia Hà Lan thực hiện. Mô hình thủy lực, mô hình dòng chảy, các vấn đề về lũ… phải mô hình hóa hết, hay như chúng ta thường nói là phải có kịch bản khí hậu.

Thứ hai, quy hoạch theo cơ chế thị trường. Hiện nay không chỉ biến động về thị trường, còn biến động về KH-CN, biến đổi khí hậu… chúng ta phải đảm bảo quy hoạch này phải xác định được các nhân tố chính. Tôi không cho rằng chúng ta phải tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, chúng ta phải làm rõ nhu cầu cân đối thị trường trong nước trong 30 năm, trong 10 năm nữa là bao nhiêu và khả năng thế giới nhập khẩu của chúng ta là bao nhiêu. Cân đối giữa trữ lượng cho phép đánh bắt thủy sản hiện nay trên biển và bảo tồn, cân đối giữa cây trồng ngọt và nuôi trồng thủy sản mặn. Cân đối về lao động, nếu không có quy hoạch về lao động thì đồng bào ĐBSCL còn tiếp tục di cư ra âm như hiện nay thì xã hội sẽ bất ổn. 

Thứ ba, phải định hướng rõ về mặt không gian một số yếu tố chính. Đây là quy hoạch tích hợp, quy hoạch vùng, đó là nền tảng cho các quy hoạch hay địa phương làm thế nào để không chặn sáng kiến, không chặn sự uyển chuyển của địa phương. Các nguyên tắc về giải pháp, nguyên tắc về giám sát, thực hiện quy hoạch phải được đặt ra.

(01/12/2020 16:33)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Hơn hai mươi năm nay, câu chuyện phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được đặt ra. Nhưng thực tế, chúng ta chưa thiết lập được cơ chế điều phối, chưa có một cơ quan điều phối vùng để thực hiện có hiệu quả và kịp thời các nhiệm vụ. Liệu việc tích hợp quy hoạch có giải quyết được vấn đề trên, thưa ông Tăng Thế Cường?

TS.Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Trong quá trình phát triển hơn 20 năm qua, vấn đề đặt ra đối với ĐBSCL là vấn đề điều phối, vấn đề quy hoạch tích hợp. Manh nha của vấn đề điều phối vùng trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 593/QĐ-TTg ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Nghĩa là Chính phủ cũng đã sớm nhìn nhận cơ chế liên kết vùng. Sau 5 năm thực hiện, mới đây Bộ kế hoạch và Đầu tư tham mưu giúp Chính phủ tổng kết quá trình thực hiện này, từ đó thực hiện Nghị quyết 120 năm 2017, phối hợp với các bộ ngành khác để trình Thủ tướng thành lập Hội đồng điều phối vùng.

Hội đồng điều phối vùng này cũng được trình bày rõ trong Nghị quyết 120 và Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ năm 2019. Để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, về lâu dài trên thực tế phải thiết lập được một cơ chế điều phối hữu hiệu để thực hiện được Nghị quyết của Chính phủ. Nhiệm vụ điều phối phải đảm bảo tính tổng thể, toàn diện liên ngành. Hội đồng điều phối liên ngành do Phó Thủ tướng đứng ra làm chủ tịch Hội đồng, các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải và đại diện các tỉnh ĐBSCL là các Phó Chủ tịch.

Liên kết ngành, liên kết vùng để thực hiện tích hợp trong tương lai, cơ quan điều phối sẽ phải điều phối công tác huy động và phân bổ nguồn lực để phát triển ĐBSCL một cách hiệu quả và hợp lý trên cơ sở rà soát, đánh giá, đề ra được những  quy hoạch tích hợp một cách toàn diện. Vai trò của Hội đồng này có ý nghĩa quan trọng, là chức năng “nhạc trưởng” để dẫn dắt phát triển kinh tế của ĐBSCL một cách bền vững nhưng vẫn thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Không cứ phải đặt ra bài toán ĐBSCL “phải trở thành cái gì”, không cứ phải là nông nghiệp hàng đầu, cũng không phải đứng đầu xuất khẩu, mà các vấn đề du lịch, nguồn nước, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải để thực hiện cam kết quốc tế.

Hội đồng điều phối có nhiệm vụ tham mưu, giúp cho Thủ tướng Chính phủ quyết định sách những chủ trương lớn, những nhiệm vụ có tính chất liên vùng, liên tỉnh, các cơ chế chính sách và các kế hoạch phát triển có quy mô vùng. Hội đồng còn giúp cho Thủ tướng điều phối, đôn đốc, kiểm tra và giám sát các bộ ngành, địa phương để thực hiện về quy hoạch hoạch vùng và các dự án để phát triển trong tương lai theo Nghị quyết 120. Đối với ĐBSCL, để quyết định những vấn đề phát triển sẽ cân nhắc dựa trên các tiêu chí phát triển trên các lĩnh vực. Cụ thể, các yếu tố về tài nguyên môi trường, nông nghiệp, giao thông, văn hóa, xã hội… Trong đó, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước là hai vấn đề nền tảng cho quy hoạch tích hợp để phát triển lâu dài, tính các bài toán cho phương án triển khai quy hoạch vì ĐBSCL phát triển bền vững và thịnh vượng.

(01/12/2020 16:43)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa ông Trương Minh Hoàng, về lâu dài, chọn hướng quản lý tích hợp như thế nào cho vùng đất được mệnh danh là vùng sông nước, trù phú này?

Ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Tôi đồng tình với ý kiến của các đại biểu đã trao đổi, trong đó có những nội dung rất sát với yêu cầu phát triển kinh tế giai đoạn từ nay đến năm 2030 với định hướng vấn đề mà chúng ta đặt ra theo như chủ đề hôm nay.

Như tôi đã nêu, đối với ĐBSCL để bảo đảm thực hiện quy hoạch tích hợp để bảo đảm các yếu tố yêu cầu đặt ra, trong đó có việc giải quyết những vấn đề mâu thuẫn giữa tình hình xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu...

Thứ nhất, trong quá trình thực hiện quy hoạch phải thực hiện được tích hợp quy hoạch theo chiều dọc, đồng thời thực hiện các hình thức đầu tư liên kết, liên doanh các chuỗi đầu ra của sản phẩm, để làm thế nào vùng ĐBSCL đáp ứng gắn kết thị trường trong nước và thị trường quốc tế, cũng nhu cầu hiện nay. Trong phần ý kiến các đại biểu trước đã nêu, tôi thấy rằng, hiện nay dù còn vùng này vùng khác trong quá trình sản xuất giữa nuôi trồng thuỷ sản với trồng hệ sinh thái ngọt cũng có những mâu thuẫn, song cũng có những nơi kết hợp hài hoà thực hiện nuôi trồng mặn ngọt, thậm chí kinh tế nước lợ. Có những đột phá, đương nhiên sự hình thành, tính toán ra sao để quy hoạch tổng thể chung thì cũng cần tiếp tục nghiên cứu để tích hợp cho cả khu vực. Đây là vấn đề rất khó từ giống gì, cây trồng ra sao, khi trên thực tế có những loại chỉ trồng được ở nước ngọt, nhưng khi đem trồng nước mặn lại cho quả rất ngon; hoặc có những loài trước đây chỉ nuôi được ở môi trường nước ngọt, nhưng khi đem xuống nước mặn nuôi thì phát triển vẫn tốt. Đương nhiên để làm được cần có sự tính toán để rộng hơn, nhiều hơn.

Thứ hai, phải tích hợp giữa các ngành, trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề cơ bản như giao thông, cơ sở hạ tầng, thực hiện chống xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ môi trường hiện nay. Khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, đi đến đâu thì vấn đề môi trường luôn luôn được bà con đặt ra. Trong đó, cũng đi liền với việc bảo vệ các di sản hiện có và duy trì phát triển các di sản, không chỉ cho vùng mà cả những di sản để lại cho quốc gia, quốc tế.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện phải tính đến việc bảo đảm nguồn lực, tính khả thi của quy hoạch và tích hợp, trong đó tính đến các đối tượng yếu thế. Chúng ta quan tâm đến các đối tượng yếu thế để làm thế nào tự họ có thể tự thân vận động, cũng có thể gắn kết với phát triển để làm ra được loại sản phẩm và bám được đất, bám vườn, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Mặt khác, để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đối tượng yếu thế, cần tính toán rõ. Ngoài ra, tính lợi thế này gắn kết với phát triển chung của khu vực và phát triển chung của cả nước để đáp ứng yêu cầu thế mạnh như Tiến sĩ Cường đã nêu, nghĩa là tỉ lệ dân số, diện tích, làm ra các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thế mạnh của đất nước. Đây là những vấn đề cần phải được quan tâm, tích hợp đưa vào phát triển.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng:

Tài nguyên nước đối với ĐBSCL rất quan trọng và tài nguyên nước có ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch, tích hợp. Ông có thể chia sẻ thêm về việc làm sao để bảo đảm nguồn nước?

Ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Hiện nay, nguồn nước của ĐBSCL chủ yếu là dựa vào thượng nguồn. Chúng ta không thể cấm, hay buộc họ làm theo ý mình, bởi mình muốn phát triển kinh tế thì các nước họ cũng muốn vậy. Để phát huy được thế mạnh, nếu được chúng ta nên liên doanh, liên kết, chia sẻ và có thể đặt ra để họ ủng hộ. Thực tế, với phương pháp ủng hộ đôi bên cùng có lợi thì họ mới chia sẻ cho chúng ta.

Để bảo đảm cho nguồn nước, đối với các vùng, khu vực, Quốc hội, Chính phủ đã và đang đầu tư quy hoạch. Ví dụ, một trong những giải pháp để tích trữ nguồn nước trong mùa nước lên là thực hiện sông cái lớn, sông cái bé, vừa chống xâm nhập mặn, vừa tích trữ nước. Hiện nay nhiều tỉnh của ĐBSCL cũng đang kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ đầu tư các hồ chứa nước nhân tạo. Theo tôi, đây là những giải pháp mà nếu chúng ta làm tốt thì kết quả hữu hiệu và lâu dài, mặt khác vừa kết hợp tích trữ nguồn nước và phát triển kinh tế trên đầm hồ nước. Đây là một trong những giải pháp cần được tính tới và sớm triển khai thì mới có hiệu quả.

(01/12/2020 16:47)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Quản lý tích hợp - chiến lược lâu dài cho vùng ĐBSCL

Để khắc phục tính chia cắt của quy hoạch theo ngành, theo địa phương, giải pháp duy nhất là sử dụng phương thức quản lý tích hợp trên toàn vùng dựa vào quy hoạch tích hợp sau khi đã quyết định chiến lược phát triển vùng. Quy hoạch theo hướng hiểu và thích ứng với quy luật tự nhiên thì mới đỡ tốn sức, loay hoay chống lũ mùa này, chống hạn mặn mùa kia, mà còn tận dụng được cơ hội trong đó. Thuận theo tự nhiên sẽ phục hồi sức khỏe của hệ tự nhiên, tăng sức đề kháng của đồng bằng với những biến động thất thường về thời tiết, khí hậu.

Từ quy hoạch tích hợp, mới có thể quản lý phát triển dựa vào quy hoạch tích hợp đã được phê duyệt. Quản lý tích hợp sẽ loại bỏ tính cục bộ theo ngành, theo địa phương. Quản lý tích hợp phát triển vùng ĐBSCL là căn cứ để điều phối và phân bổ nguồn lực cho phát triển.

(01/12/2020 16:50)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa PGS. TS Bùi Thị An, như vậy, có nghĩa là cần phải xác định thật rõ chiến lược phát triển vùng theo hướng nào trước khi bàn tới giải pháp quản lý phát triển vùng?

PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường:

Tôi hoàn toàn đồng tình với câu hỏi đặt ra, tức là phải có chiến lược phát triển vùng, phải có mục tiêu chiến lược vùng trong những năm tiếp theo là gì. Dựa trên hiện trạng ĐBSCL là vựa lúa, là nơi xuất khẩu thuỷ sản rất nhiều mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho nước nhà và cũng là bệ đỡ cho nước ta về kinh tế. Tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ, các tỉnh có sự khác biệt cũng như trình độ dân trí chưa thật cao, các sản phẩm chưa ổn định.

Như vậy, đầu tiên chúng ta phải đặt ra mục tiêu chiến lược, cần có người đánh giá đúng hiện trạng và một bộ óc thật sự khoa học, thật sự chuẩn để nhận định các đánh giá đã đúng hay chưa. Phải dự báo đúng, chúng ta không yêu cầu đúng 100% tuyệt đối nhưng ví dụ như dự báo báo cấp 12 ít nhất cũng phải dự báo cấp 11,5 chứ không thể là cấp 6,7. Có đánh giá thực trạng đúng và dự báo đúng thì mới đặt ra được các giải pháp và quy hoạch chuẩn, phù hợp. Dựa trên nguyên tắc, cơ sở mục tiêu chung, chúng ta sẽ loại bỏ những kế hoạch không phù hợp, hy sinh cái nhỏ của từng tỉnh để phát triển cái lớn.

Ví dụ về đặc thù chung của Vĩnh Long là khoai lang hay sản phẩm ở Sóc Trăng là tỏi, tôi rất tôn trọng nếu họ xuất khẩu tốt, tuy nhiên nếu không phù hợp thì nên bỏ bớt đi. Vì vậy, chúng ta cần có đánh giá thực trạng và dự báo đúng, đặc biệt là các đồng chí tham mưu trưởng ngành, quản lý cấp cao, cấp chiến lược phải dự báo chuẩn trên cơ sở khoa học mới thực hiện hiệu quả quy hoạch mà không để lãng phí.

(01/12/2020 16:56)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, làm thế nào để thu hút được nguồn lực về đầu tư cho quy hoạch?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thành viên Hội đồng lý luận Trung ương:

Sau khi đã có một quy hoạch tích hợp tốt rồi thì việc thực hiện không thể thiếu nguồn lực để dự án không bị treo.

Chúng ta vẫn nói với nhau về thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy nhà nước chỉ là những cái ban đầu, tạo tiền đề còn nguồn lực phải nằm ở bên ngoài. Muốn có nguồn lực chúng ta phải tạo cơ chế để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước vào vùng ĐBSCL. 

Ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nếu chúng ta kêu gọi  và cho họ thấy được lợi ích thì doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư. Ví dụ như giao thông, ở một mức lớn như vậy nhà nước làm không đủ được, buộc chúng ta phải xã hội hóa. Như vậy bài toán đặt ra ở đây là nút thắt về cơ chế, ta phải tạo cho họ một cơ chế tốt để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và có thể thu được lợi ích.

Tôi vừa ở Cà Mau ra và người dân rất bức xúc bởi đây là một vùng chúng ta quy hoạch rất cứng tức là chỉ là vùng bảo tồn, nhưng với doanh nghiệp họ không có trách nghiệm bảo tồn. Nếu cứ duy trì cây đước trên 50% thì không thể thu hút đầu tư và quy hoạch được.

Vấn đề lớn nhất không phải là nguồn lực mà là chính sách quy hoạch cần tạo một cơ chế tốt.

(01/12/2020 17:14)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Với phần trả lời, chia sẻ của các đại biểu ở trên, thưa TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, liệu rằng các giải pháp, chính sách đó có theo kịp, thích ứng trong điều kiện thực tế và các kịch bản biến đổi khí hậu đã đưa ra không?

TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp:

Chúng ta đã nghe các ý kiến của các đại biểu rất hay, rất đa dạng. Chúng ta cũng thống nhất với nhau rằng, quy hoạch lần này khó không chỉ là vì tích hợp vùng mà còn khó vì đây là mảng đầu tiên làm theo Luật Quy hoạch mới ban hành. Đây sẽ là quy hoạch dẫn dắt cho tất cả quy hoạch trên cả nước.

Trong điều kiện có rất nhiều điều kiện biến đổi không lường trước được mà chúng ta thấy rằng rõ ràng sẽ diễn ra. Vậy, làm thế nào mà quy hoạch vừa định hướng, vừa dẫn dắt cho các quy hoạch các tỉnh đi theo, vừa khớp với quy hoạch các vùng khác sẽ xây dựng, lại mở đường cho quy hoạch ở cấp dưới, đáp ứng được tất cả các biến động chưa lường được là một bài toán khó.

Bác Hồ từng căn dặn, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta phải đáp ứng được những quy tắc căn bản để dẫn dắt quy hoạch đi.

Vậy quy tắc đầu tiên là quy tắc trong Nghị quyết 120, đó là quy tắc thuận thiên.

ĐBSCL có thể ví nó là một cơ thể sống, một năm mùa mưa, mùa khô diễn biến theo chu kỳ, lũ lên xuống theo chu kỳ, hàng ngày, hàng tháng, biến đổi về thủy triều, biển đông, biển tây khác nhau… tất cả diễn ra như một dòng chảy của sự sống và sinh kế của người dân cũng diễn ra như vậy.

Toàn bộ cuộc sống ở đây có nhịp điệu như nhịp thở của một sinh vật vậy. Bây giờ khi chúng ta bước vào giai đoạn khi chung quanh ta có rất nhiều thay đổi, sự phát triển của chúng ta làm thay đổi tự nhiên rất nhiều. Vậy để cân bằng, bù đắp lại những điều đó như thế nào? Thúc đẩy phát triển hơn nữa phải làm như thế nào?

Vậy nguyên tắc đầu tiên phải làm như thế nào phải giữ cơ thể sống đó thông thoáng, không ngăn chặn, cản trở. Trong thời gian vừa qua, trong tâm tưởng chúng ta, vẫn có tư duy cơ giới, tư duy mong muốn áp đặt, xây dựng công trình cứng.

Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên là thuận thiên, không hối tiếp.

Nguyên tắc thứ hai là liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng này với vùng khác, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh với Đông Nam bộ. Lao động từ ĐBSCL được rút ra hai vùng kia, năng lượng của ĐBSCL là thiếu, xây dựng đô thị, xây dựng đường xá là không có nền móng, vì vậy mối quan hệ đấy phải được xây dựng hết sức chặt chẽ và gắn bó.

Mối quan hệ đấy chỉ thực hiện được khi đảm bảo nguyên tắc các bên đều có lợi. Làm thế nào người dân, người cán bộ của vùng cảm thấy lợi ích của họ được quan tâm, tương lai của họ được đảm bảo, cơ hội của họ được mở ra. Khi chúng ta tính đến việc xây dựng công nghiệp, xây dựng đô thị thì chúng ta phải tính đến quyền lợi của họ.

Ví dụ, trong tương lai không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều sẽ thiếu lúa gạo, vì để trồng lúa cần nước, mà nước trong tương lai là tài nguyên hiếm, vì vậy lúa gạo trong tương lai sẽ rất đắt. Vậy làm thế nào để chúng ta duy trì được vựa lúa của thế giới, đất nước chúng ta không cần thiết phải xuất khẩu nhiều mà phải duy trì được, đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng những chính sách bù đắp lại cho địa phương trồng lúa, cho người dân trồng lúa phải được thể hiện trong quy hoạch.

Làm thế nào nguyên tắc đảm bảo lợi ích của tất cả các bên, nhất là người dân phải được chú ý chính là nguyên tắc thứ hai.

Về nguyên tắc thứ ba, có thể nói cả Đông Nam Á ít có vùng châu thổ nào phì nhiêu, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như ĐBSCL, một vùng sản xuất với lợi thế đặc biệt như vậy phải được coi trọng. Do đó, nếu chúng ta sản xuất công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị thì cũng phải lấy điều đó làm trục xoay quanh. Không ai có thể công nghiệp hóa bằng nông nghiệp được mà phải dựa vào công nghiệp, dựa vào dịch vụ nhưng mà riêng đối với vùng này thì công nghiệp, dịch vụ, đô thị phải xoay quanh lợi thế này để ủng hộ nó. Công nghiệp phải sản xuất vật tư đầu vào, vật liệu đầu vào cho nông nghiệp, chế biến nông sản đầu ra, làm dịch vụ logistics cho nông nghiệp, làm thế nào để thúc đẩy thế mạnh của vùng, tạo ra công ăn việc làm cho bà con nông dân vùng, tăng giá trị gia tăng cho giá trị sản phẩm cho vùng.

Tôi nghĩ nếu chúng ta tập trung vào 3 nguyên tắc đấy với các ý kiến của các đại biểu đã đóng góp thì quy hoạch sẽ rất tốt, không những hiệu quả mà còn vững bền về lâu dài.

ĐBND