Tọa đàm “Nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai”

- Thứ Sáu, 11/12/2020, 18:05 - Chia sẻ
Nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam là một trong những mục tiêu chiến lược được Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên thực hiện trong những năm qua.

Nhằm đẩy nhanh việc cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641). Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã ban hành các nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như công tác dân số trong tình hình mới, nhấn mạnh việc tập trung nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt Nam. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 41)…

Quan điểm, chủ trương trên cho thấy tầm quan trọng của dinh dưỡng, giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ. Bởi một dân tộc khỏe mạnh cần quan tâm tới dinh dưỡng, giáo dục thể chất cho trẻ em từ nhỏ để tạo nguồn lực phát triển đất nước vững mạnh. Tuy nhiên, thực tế so với các tiêu chuẩn chung của quốc tế, thể lực và tầm vóc người Việt Nam còn khiêm tốn, thua kém nhiều nước trong khu vực. Tình trạng này nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực vốn đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai”. Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia cùng đánh giá việc thực hiện các đề án, chương trình thời gian qua để nâng cao thể lực cho học sinh (dinh dưỡng học đường, giáo dục thể chất…); làm rõ những khó khăn, bất cập trong giáo dục thể chất, bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh hiện nay và đề xuất các giải pháp để góp phần nâng cao thể chất cho học sinh, cũng là phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

- TS. Trần Hiếu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Thể dục Thể thao

- TS. Đàm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục Thể thao

- Bà Lều Nguyệt Ánh, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) – Tập đoàn TH

(11/12/2020 15:10)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Dinh dưỡng và thể dục, thể thao -  yếu tố cốt lõi để phát triển thể lực và tầm vóc con người

Phát triển thể lực, tầm vóc con người là vấn đề rất lớn, cần thời gian dài và có sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp. Theo kinh nghiệm đã được tổng kết ở nhiều quốc gia, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển tầm vóc và thể lực con người thì dinh dưỡng chiếm 31%, thể dục, thể thao chiếm 20%. Như vậy, có thể nói dinh dưỡng và thể dục, thể thao có vai trò chính trong phát triển thể lực và tầm vóc con người.

(11/12/2020 15:17)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, bà nhìn nhận thế nào về vai trò của việc nâng cao dinh dưỡng, thể lực, tầm vóc cho trẻ em ngay trên ghế nhà trường?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Đây là một câu hỏi rất hay, chúng ta bắt đầu buổi toạ đàm hôm nay bằng một chủ đề quan tâm đến dinh dưỡng cũng như là thể lực cho học sinh trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Nếu dùng một vài từ để đánh giá thì đó là “rất quan trọng”, thậm chí là có yếu tố quyết định cho sự phát triển toàn diện của con người. Ở đây tôi muốn tiếp cận ở hai góc độ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại tọa đàm

Thứ nhất là quan trọng bởi giai đoạn học sinh ngồi trên ghế nhà trường là giai đoạn quyết định sự phát triển toàn diện của con người bao gồm cả thể lực, tầm vóc, trí tuệ, tâm hồn. Có nghĩa là phát triển một cách toàn diện của con người là ở giai đoạn vàng này.

Thứ hai là sự tác động qua lại giữa việc chúng ta làm tốt việc phát triển thể lực, tầm vóc, quan tâm thật tốt dinh dưỡng ở giai đoạn này thì chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên, tức là phải được nhìn ở góc độ tác động qua lại.

Thời gian gần đây, chúng ta cũng bắt đầu nhìn trở lại chương trình giáo dục phổ thông có phù hợp hay không khi việc tập trung quá nhiều cho chương trình kiến thức mà thời gian cho các tập luyện lại chưa đáp ứng. Đây cũng là vấn đề dư luận xã hội đang rất trăn trở.

Do đó, khi đặt ra vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng dinh dưỡng, cũng như phát triển thể lực thông qua việc rèn luyện ở trong nhà trường sẽ quyết định cho sự phát triển của cả một thế hệ trẻ trong tương lai của đất nước. Đây cũng là yếu tố quyết định nếu các em có thể lực tốt, được quan tâm chất lượng dinh dưỡng tốt trong thời gian này rõ ràng sẽ là điều kiện để các em tiếp nhận các tri thức ở nhà trường tốt hơn. Đây là một trong những yếu tố phải tính toán kỹ để có sự cân đối về chương trình ở trong trường phổ thông.

(11/12/2020 15:25)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa TS. Trần Hiếu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Thể dục Thể thao, thời gian học sinh ngồi trên ghế nhà trường được xem là “giai đoạn vàng” cần tập trung nâng cao thể lực cho các em. Theo ông, vấn đề luyện tập để góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho thế hệ trẻ có vai trò như thế nào?

TS. Trần Hiếu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Thể dục Thể thao:

Theo tôi, vấn đề rèn luyện sức khoẻ, luyện tập thể dục thể thao không chỉ quan trọng với giới trẻ mà còn với tất cả mọi lứa tuổi từ trẻ tới già. Chúng ta luôn phải vận động, tập luyện thường xuyên liên tục và đặc biệt là với lứa tuổi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường là “giai đoạn vàng” với đặc điểm lứa tuổi, giới tính và thể chất giai đoạn này phát triển mạnh về hệ vận động, chiều cao, tim mạch... Nếu chúng ta tập trung nâng cao thể chất từ các cấp học đầu đời sẽ rất có lợi cho sự phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ.

Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Thể dục Thể thao TS. Trần Hiếu chia sẻ tại tọa đàm

Theo nghiên cứu, các vận động nhẹ nhàng như đi lại... không đủ để các hệ cơ xương của trẻ phát triển đạt thông số cần thiết. Trẻ cần chơi thể thao hơn 3 lần một tuần mới hình thành thói quen và đạt hiệu quả tốt. Trước nhu cầu về vận động, nhu cầu về dinh dưỡng của các em đòi hỏi cao như vậy, chúng ta cần giáo dục cho các em trước hết về nhận thức, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn luyện thể thao hằng ngày để nâng cao ý thức tự tập luyện thường xuyên.

Tiếp theo, cần phải định hướng và tạo ra môi trường lành mạnh, có các phương tiện và loại hình tập luyện đa dạng phù hợp đặc điểm lứa tuổi, giới tính thu hút học sinh tích cực tham gia. Có như vậy, các em mới có cơ thể phát triển khoẻ mạnh và đáp ứng được yêu cầu xã hội mà đặc biệt là trong tình hình mới, khi con người cần có sức khoẻ trên nền tảng trí tuệ thông minh.

(11/12/2020 15:35)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Việc cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam luôn là một trong những mục tiêu được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên trong những năm qua. Là người theo sát đề án “Nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030”, thưa TS. Đàm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục Thể thao, những yếu tố được quan tâm trong học đường thưa ông?

TS. Đàm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục Thể thao:

Xuất phát điểm của đề án là từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đưa ra tư tưởng “dân cường thì quốc thịnh”. “Mỗi người dân yếu ớt thì đất nước yếu ớt, mỗi người dân khỏe mạnh thì sẽ góp phần cho đất nước khỏe mạnh”. Tư tưởng này đã trải qua thời gian rất lâu, khi đất nước chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chỉ đến mãi sau này khi đất nước đã hòa bình, thì tư tưởng đó mới được khôi phục lại. Tại Hội nghị Trung ương 5 (năm 1998), và ngay sau đó Nghị quyết Trung ương 5 đặt vấn đề cải tạo giống nòi. Như vậy, Đảng đã quan tâm vấn đề này từ rất sớm, từ lâu. Nếu sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước mà không nâng chất lượng con người Việt Nam thì sẽ không có lực lượng thực hiện sự nghiệp xây dựng đất nước. Năm 2001, Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam khởi động đề án nâng cao thể lực tầm vóc Việt Nam sau 9 lần kêu gọi. Ít có đề án dài như vậy, từ năm 2001 đến năm 2030. Tư tưởng của những người xây dựng đề án có thể thấy rất rõ là muốn tạo ra sau 20 năm 1 thế hệ con người Việt Nam, tính từ từ 0 -20 tuổi có 1 thế hệ người Việt Nam mới có chiều cao, cân nặng lý tưởng, có tầm vóc, thể lực để xây dựng đất nước đi theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục Thể thao TS. Đàm Quốc Chính chia sẻ tại tọa đàm

Tuy nhiên do bối cảnh đất nước chịu nhiều khó khăn, vấn đề thiên tai, dịch bệnh cho nên năm nay đã là năm thứ 6 thực hiện đề án rất nhân văn nhưng không được thực hiện một cách khoa học. Mặc dù quá trình thực hiện đề án cũng làm được nhiều việc nhưng chưa thực sự đạt kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. 

Nói đến vấn đề dinh dưỡng, đó phải là cơ cấu bữa ăn. Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế) đã làm rất tốt, sau 12 năm mới thay đổi 1 lần tháp dinh dưỡng, chủ yếu tập trung vào các em học sinh bán trú và mầm non. Học sinh tiểu học và mẫu giáo các em chưa đủ nhận thức, cho nên đối tượng tác động là thầy cô giáo và cha mẹ học sinh, tạo cho các em nhận thức, hành vi thụ động con phải ăn cái này, uống cái này… Nhưng dường như, trong trường học cho các em học sinh ăn theo tháp dinh dưỡng nhưng hướng dẫn cho các con về tập luyện thể dục thể thao lại bị thiếu. Tập luyện thể dục thể thao về những kỹ năng sống cần thiết thì lại rất ít. Tại sao 81 quốc gia vùng lãnh thổ dạy giáo dục thể chất nguyên ngày hoặc nguyên buổi, còn nước ta thì chỉ dừng lại ở 45 phút. Sự kỳ vọng dùng thể dục thể thao tác động là không ổn nếu vẫn duy trì cách làm cũ. Nếu tăng 2-4h học trên 1 tuần với cấu trúc 45 phút/ tiết học thì không có tác động nào đáng kể.

(11/12/2020 15:47)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa bà Lều Nguyệt Ánh, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) – Tập đoàn TH, là đơn vị đang đồng hành cùng Bộ GD-ÐT triển khai nhiều hoạt động về dinh dưỡng học đường và vận động để phát triển tầm vóc, thể lực cho trẻ em- đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học. Bà đánh giá thế nào về việc cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam được thực hiện những năm gần đây?

Bà Lều Nguyệt Ánh, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) – Tập đoàn TH:

Trong những năm gần đây việc cải thiện tầm vóc của thế hệ trẻ được mọi tầng lớp rất quan tâm, có rất nhiều đề án về vấn đề án này có thể kể đến như: Đề án 641 về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam như ông Đàm Quốc Chính vừa đề cập tới, Quyết định 226/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Đề án 41 về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên...

Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) – Tập đoàn TH Lều Nguyệt Ánh chia sẻ tại tọa đàm

Chính phủ đã có những quyết sách rất kịp thời và đúng đắn từ năm 2011, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em đã giảm nhưng chúng ta lại đối mặt với một thách thức khác đó là mất cân bằng dinh dưỡng, tình trạng thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng cao và gia tăng rất nhanh ở một số thành phố. Hơn thế, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện. Hầu hết các can thiệp chủ yếu là hướng đến đối tượng trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai và cho con bú chứ chưa có nhiều chương trình hướng tới đối tượng học đường. Thực tế, chúng ta chỉ mới chú ý về dinh dưỡng cho các em ăn no còn việc bữa ăn đó đã đủ vi chất chưa thì chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí, chưa có một chuẩn trung nào về dinh dưỡng trong bữa ăn. Chúng ta cần phải xây dựng những bữa ăn cân đối và hợp lý song song với việc an toàn thực phẩm.

Việc mất cân bằng dinh dưỡng ở trẻ ở miền núi, miền biển là khác nhau. Năm 2013, khi chúng tôi bắt đầu tiên phong với chương trình sữa học đường ở Nghệ An. Bà Thái Hương đã quyết tâm khởi xướng chương trình về việc nâng cao tầm vóc của người Việt thông qua chương trình dinh dưỡng học đường. Với mô hình ở Nghệ An, chúng tôi đã nghiên cứu trên 3.600 học sinh tại các trường và đưa thêm một số vi chất vào trong sữa. Nhưng khi chính phủ muốn đưa ra tiêu chuẩn sữa học đường cho toàn quốc, tập đoàn TH đã có ý kiến không thể đưa tiêu chuẩn của Nghệ An vào tiêu chuẩn cho toàn quốc vì học sinh mỗi vùng miền thì sẽ có nhu cầu vi chất khác nhau. Đáng lẽ chúng ta phải nghiên cứu ở nhiều các vùng miền khác nhau rồi mới đưa ra tiêu chuẩn cho mỗi vùng.

Việc TH nghiên cứu sữa học đường đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, ngay sau đó Chính phủ đã có Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc mẫu giáo và tiểu học. Đến nay, đã có hơn 30 tỉnh thành đầu tư chương trình sữa học đường.

Để cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo hơn ở mọi góc độ khoa học, xã hội để thu hút được mọi doanh nghiệp chung tay đồng hành cùng với Chính phủ. Các tập đoàn như TH rất sẵn lòng chung tay cùng Chính phủ nhưng chúng tôi cũng cần những chính sách hợp lý, rõ ràng để xây dựng một chương trình mang tính tập thể.

(11/12/2020 16:00)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thu hẹp khoảng cách về thể lực với các nước phát triển trong khu vực

So với các nước trên thế giới và trong khu vực, tầm vóc và thể lực của người Việt còn hạn chế. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm. Chiều cao này còn thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10cm và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á. Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao của người Việt chỉ hơn Lào và Campuchia.

(11/12/2020 16:10)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thực tế, chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn quốc tế và tăng rất ít so với yêu cầu đặt ra. Thưa TS. Đàm Quốc Chính, đây có phải là hệ quả của việc dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên?

TS. Đàm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục Thể thao:

Trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao của chúng ta chỉ hơn Lào và Myanmar, thua Indonesia, Phillipines, Singapore, Thái Lan… Đây là một thực trạng đáng báo động. Chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn quốc tế và tăng rất ít so với yêu cầu đặt ra là hệ quả của việc mất cân bằng dinh dưỡng. Chúng ta không dày công nghiên cứu để tìm ra vấn đề. Từ lĩnh vực thể dục thể thao cũng vậy, cứ không phải cứ chạy “ào ào” là cao lên, nặng lên được. Ban điều phối đề án sau khi triển khai đề án đã tổ chức, mời các chuyên gia và biên soạn riêng cho đối tượng tiểu học soạn ra 9 bộ sách và phát ra cho tất cả các tỉnh thành. Việc giáo dục thể chất của học sinh phải đúng cách, đúng thời điểm. Ví dụ, thời điểm vàng thì sẽ tác động vào sụn, xương, cơ…

Về cơ bản đối với tiểu học thì giải quyết được, nhưng còn THCS, THPT do hạn chế nguồn lực, kêu gọi xã hội hóa, ít doanh nghiệp dấn thân để soạn những chương trình như vậy. Chúng tôi có sự đồng hành của TH true milk từ những ngày đầu. Nhưng vấn đề cơ bản có 2 lĩnh vực ban điều phối đề án kêu gọi rất nhiều thì rất ít doanh nghiệp tham gia. Vì trong thời buổi kinh tế thị trường thì phải chế độ chính sách, quyền lợi cho doanh nghiệp phải thỏa đáng.

Bên cạnh đó, tập luyện thể lực thì phải tập đúng cách. Nhờ sự đồng hành của doanh nghiệp, chi 4-5 tỷ/năm, đã khôi phục lại được phong trào thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ trong nhà trường, thí điểm tại 8 tỉnh thành theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phong trào chúng tôi lồng ghép thêm vào Đề án 641 là phong trào phòng chống đuối  nước, kêu gọi các nhà tài trợ cung cấp bể bơi các-bon. Câu chuyện kêu gọi sự chung tay của xã hội hết sức quan trọng. Nếu như cứ tư duy do chúng ta không đủ ăn dẫn đến thấp còi là sai. Vì hiện nay vấn đề là nhận thức và chỉ dẫn khoa học về sử  dụng dinh dưỡng, vệ sinh học đường, nhận thức về tập luyện thể dục thể thao đúng cách, đúng thời điểm thì sẽ dẫn đến gia tăng về thể lực tầm vóc ngoài những yêu tố về di truyền.

(11/12/2020 16:15)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa TS. Trần Hiếu, ông có thể cho biết thêm về tiêu chí nhằm cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh, nhằm thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển ở châu Á?

TS. Trần Hiếu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Thể dục Thể thao:

Qua những thông tin và số liệu mà TS Đàm Quốc Chính đưa ra, có thể thấy về vấn đề thể chất, chúng ta đang không theo kịp nhiều quốc gia. Để cải thiện thể lực học sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố không chỉ có sức mạnh và sức bền. Để cấu thành thể lực con người cần có 4 yếu tố cơ bản là sức nhanh, sức mạnh, sức bền, khéo léo hay nói cách khác là khả năng phối hợp vận động. Để phát triển thể lực học sinh phải phát triển đồng thời cả 4 yếu tố và phù hợp mỗi giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn dậy thì là giai đoạn phát triển mạnh nhất về chiều cao, thể chất cũng như sức mạnh. Chúng ta cần có các giải pháp khoa học, chú trọng vấn đề ứng dụng công nghệ, khoa học để đưa ra phương tiện, huấn luyện để giáo dục thể chất hiệu quả. Nếu như chúng ta tập không đúng cách sẽ phản tác dụng thậm chí dẫn đến chấn thương và phát triển không theo ý muốn.

Tiếp theo, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, phải chú ý phương pháp tập luyện cân đối thời gian của học sinh. Trên thực tế, hiện nay chương trình giáo dục hầu hết là chú trọng các môn văn hoá, các em không còn thời gian luyện tập, vui chơi giải trí. Trong khi đó, lứa tuổi tiểu học các em cần có khoảng thời gian giải trí “học mà chơi, chơi mà học”, tuy nhiên với tình trạng sáng học, chiều học, tối học thêm thì các em không còn thời gian. Cũng vì thế mà tình trạng các em cận thị rất nhiều, tỷ lệ trẻ béo phì không ít. Đấy là hệ quả của những việc làm thiếu khoa học, cần tính toán xem xét cân đối hài hoà giữa việc học và vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho các em.

Mặt khác, một vấn đề quan trọng là phải có giải pháp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương tới địa phương cùng với sự quan tâm của Nhà nước đến cải tạo giống nòi. Tôi cho rằng Đề án 641, mà Giám đốc là TS. Đàm Quốc Chính là Đề án hết sức ý nghĩa. Tuy nhiên, thực tế đầu tư chưa đúng mức, đồng bộ về cơ sở vật chất, nguồn lực con người cũng như tài chính nên tính đến nay Đề án đã triển khai 10 năm rồi nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đấy chính là mấu chốt quan trọng mang tính tổng thể lâu dài.

(11/12/2020 16:29)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa Nguyễn Thị Mai Hoa, tầm vóc và thể lực kém có phải là điểm bất lợi trong cạnh tranh, phát triển thị trường lao động không?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Đây là vấn đề mà có lẽ chúng ta cũng ít khi đặt tới. Khi bàn về nguồn nhân lực của Việt Nam trong sự cạnh trạnh nhân lực với các nước khi hội nhập thì hay đề cập đến một số vấn đề như trình độ lao động, hoặc tiêu chí về tay nghề, kỹ năng, những điểm này thì nguồn nhân lực Việt có vẻ đang thua kém so với khá nhiều nước. Tuy nhiên, chính vì chúng ta quan tâm nhiều đến vấn đề trình độ, tay nghề, kỹ năng, nên chúng ta đang tập trung đầu tư cho việc  nâng chất lượng nguồn nhân lực ở góc độ hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hệ thống các trường đại học phải nâng chất lượng như thế nào.

Song hôm nay chúng ta đang bàn sang một vấn đề khác, rất hay là một trong những bất lợi của nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ là ở vấn đề trình độ, tay nghề, kỹ năng mà ở đây còn có cả chiều cao, thể lực, sức bền trong lao động. Đây là vấn đề mà có lẽ cần phải được tính toán kỹ hơn. Năm 2018, khi có thông tin về năng suất lao động của người Việt rất thấp, thậm chí còn thua Lào, một ĐBQH ở Quảng Trị đã đặt ra vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có những giải trình cụ thể, cũng như kiểm tra lại thông tin có phải năng suất lao động của nước ta thua cả Lào hay không. Chưa bàn về vấn đề này, nhưng rõ ràng đây là một trong những điểm chúng ta phải tính đến.

Tôi muốn quay lại câu chuyện sự cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta trong thời gian tới, về vấn đề chiều cao, thể lực, sức khoẻ. Theo tôi, đây là vấn đề cần phân tích, nghiên cứu, thậm chí có diễn đàn để lên tiếng về vấn đề này thì mới có thể can thiệp đúng. Bởi, nếu chỉ có trình độ, kỹ năng, tay nghề thì sự quan tâm vẫn đang lệch. Đồng thời, nếu chúng ta đặt vấn đề không đúng, chúng ta chỉ mới quan tâm giai đoạn khi các em đã bắt đầu vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học rồi thì sẽ quá muộn. Trong khi, chiều cao, thể lực, độ bền trong lao động của người Việt phải được chuẩn bị từ khi ở độ tuổi còn rất bé mà chúng ta đang bàn đến giai đoạn vàng.

Ngoài ra, tuổi tiểu học được coi là tuổi bản lề trong lộ trình trưởng thành của một người. Chúng ta đang đưa vào Hiến pháp quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc, do đó trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội làm sao ở tuổi mầm non, tiểu học được phát triển toàn diện. Chỉ có như vậy khi các em bước vào độ tuổi tham gia vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thì đã chuẩn bị tốt chiều cao, sức khoẻ bảo đảm đủ điều kiện tham gia lao động tốt nhất.

Đây là một vấn đề rất hay, cần được quan tâm, cần phải có sự nghiên cứu kỹ. Đồng thời, rất mong có những diễn đàn để đi sâu vào chủ đề này, rằng chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đang thiếu, đang yếu, đang khuyết ở điểm nào, có phải chỉ là trình độ, kỹ năng, tay nghề, hay chúng ta đang còn rất yếu về chiều cao, sức khoẻ, thể lực không đủ và độ bền trong lao động cũng chưa đủ.

(11/12/2020 16:35)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Vấn đề đánh giá chất lượng nguồn nhân lực là ở trình độ, kỹ năng, tay nghề, hay còn cả các yếu tố về chiều cao, sức khoẻ, thể lực và độ bền trong lao động là vấn đề lớn nhưng nó lại nằm trong các đề án, nằm trong những vấn đề cụ thể. Nếu chúng ta không làm rõ, không có truyền thông để nâng cao vấn đề này thì nó vẫn nằm trong đề án mà không được đánh giá. Có thể nói, trong nguồn nhân lực xét ở khía cạnh trí tuệ, tay nghề thì sức khỏe chiếm bao nhiêu phần trăm, tính được như vậy thì nó sẽ có giá trị như vậy.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đã thổi thêm một luồng gió mới vào Đề án 41 và chúng ta cũng cần phải quan tâm vấn đề làm sao để đề án đi vào thực tiễn cuộc sống. Và như TS. Đàm Ngọc Chính đã nêu Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng hết sức quan tâm vấn đề này và cũng đã nhìn nhận đến rất nhiều khía cạnh.

Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp biết rằng là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý cũng hết sức quan tâm đến việc đó, làm sao để tháo gỡ những vấn đề của việc đó.

(11/12/2020 16:40)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thúc đẩy tiến độ thực hiện Đề án 41 vì tầm vóc Việt

Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” (Đề án 41) đặt mục tiêu rõ ràng: đến năm 2025, ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa. 

Sau hơn một năm triển khai Đề án 41, nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách; hiểu biết và thực hành của giáo viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực đã được nâng lên. Đề án được đánh giá là thực hiện bài bản việc thực hiện đảm bảo dinh dưỡng học đường, rèn luyện thể lực cho học sinh, sinh viên nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, để triển khai thành công Đề án 41 hơn nữa, phải huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

(11/12/2020 16:55)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Là doanh nghiệp tiên phong, khởi xướng các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức về dinh dưỡng lành mạnh để nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam, thưa bà Lều Nguyệt Ánh, tập đoàn TH  có những hỗ trợ thiết thực nào để thúc đẩy tiến độ thực hiện Ðề án 41 như kỳ vọng?

Bà Lều Nguyệt Ánh, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) – Tập đoàn TH:

Dưới góc độ là một doanh nghiệp đã đồng hành với Chính phủ ngay từ đầu về chương trình phát triển tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, chúng tôi luôn đặt sứ mệnh việc nâng cao tầm vóc người Việt là một trong 6 trụ cột mà TH hướng tới.

Ở tập đoàn TH, khi chúng tôi làm những ly sữa tươi sạch cho người tiêu dùng, chúng tôi luôn trăn trở sản phẩm của mình phải đến được rộng rãi người tiêu dùng và làm sao để người tiêu dùng hiểu được sự cần thiết của ly sữa. Chúng tôi đã đồng hành cùng với các Bộ, ban, ngành, đặt nền móng về ly sữa học đường và cũng là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra vấn đề phải minh bạch nguồn gốc về sữa. Chúng tôi cũng đang tham gia vào đề án của Chính phủ thông qua chương trình dinh dưỡng học đường hợp lý.

Là doanh nghiệp thực phẩm, chúng tôi luôn muốn tham gia vào các chương trình hoạch định chính sách của Chính phủ, làm thế nào để có những sản phẩm tốt, có giá trị cho người dân Việt Nam và đặc biệt là cho thế hệ vàng của Việt Nam. Khi tham gia các chương trình, đề án dù gặp nhiều khó khăn nhưng TH cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các Bộ ngành đã tham gia và tư vấn cho chúng tôi nên đưa những sản phẩm nào cho phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Ở mỗi chương trình, chúng tôi luôn đồng hành cùng với Chính phủ, các bộ ngành như Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng quốc gia… Bản thân tôi và các đồng nghiệp đã từng đến tận các trường lắng nghe từng học sinh, từng phụ huynh để tạo ra một chiến lược mang tính bao phủ.

Để thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về dinh dưỡng lành mạnh, rất cần sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp bởi đây là những thành viên sở hữu những công trình khoa học tiến tiến, đưa những nghiên cứu khoa học vào trong sản phẩm. Rất cần các nhà khoa học dẫn đường, đưa ra những nghiên cứu có giá trị để nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt. Rất cần các chính sách của Chính phủ để đưa ra những cơ chế cạnh tranh công bằng để các doanh nghiệp có thể thuận lơi mang lại những sản phẩm giá trị cho xã hội.

(11/12/2020 17:00)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Bà cho rằng những hỗ trợ thiết thực này sẽ hỗ trợ tích cực, hợp lý cho Đề án 41?

Bà Lều Nguyệt Ánh, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) – Tập đoàn TH:

Đây không phải việc dừng lại ở ly sữa học đường, đây chỉ là yếu tổ khởi nguồn và là yếu tố bắt đầu của một doanh nghiệp sản xuất sữa tham gia vào chương trình. Tiếp theo ly sữa có thể là một bát cháo, một bữa cơm của một doanh nghiệp khác. Mỗi doanh nghiệp có thế mạnh nào thì nên tham gia ở mảng đó để chung tay với Chính phủ góp phần một chường trình tổng thể. Về phía tập đoàn TH, chúng tôi đã thành lập Viện Dinh dưỡng TH và mời rất nhiều các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành để tham gia nhằm tạo ra những sản phẩm giúp cải thiện tầm vóc và thể lực của người Việt.

Chúng tôi không tham vọng làm những việc lớn lao trong tổng thể cả đề án mà làm những sản phẩm thiết thực, trước tiên là một ly sữa tốt sau đó có thể là một bữa ăn đạt chuẩn, đạt vệ sinh, cân bằng vi chất. Đó là những hành động rất rõ ràng, minh bạch để đồng hành cùng Chính phủ.

Với vị thế là một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để đồng hành với các chương trình của Chính phủ về dinh dưỡng, đưa dinh dưỡng vào đời sống thực tế. Đây không chỉ là những hành động đầu tư kinh phí đơn thuần với vai trò là nhà tài trợ mà chúng tôi sẽ theo sát các thông tin, tiến trình của Đề án 41. Tôi cho rằng, từ nay cho đến khi Đề án 41 được chuẩn hóa bằng các chính sách và của những quyết định của Chính phủ, thì tập đoàn TH sẽ vẫn góp sức để chuẩn hóa bữa ăn của trẻ tại trường học. Đó là những điều mà TH sẽ tham gia để thúc đẩy Đề án 41.

(11/12/2020 17:10)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Để Đề án 41 thành công, không thể chỉ đến từ sự quyết tâm của một số bộ, ngành, mà cần sự đồng hành của nhà trường, gia đình và toàn xã hội để có thế hệ người Việt khỏe mạnh, nâng cao tầm vóc. Vậy, theo ông Đàm Quốc Chính, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong vấn đề này cần tập trung xử lý vấn đề gì?

TS. Đàm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục Thể thao:

Để tránh gặp phải khó khăn như thực hiện Đề án 641, tôi cho rằng Đề án 41 cần phải song song việc triển khai trong thực tiễn và hoàn thiện cơ chế, chính sách hợp lý. Ví dụ Đề án 641 được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng Quyết định 135/2009/QĐ-TTg về ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên chúng ta chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia thôi. Nếu không chỉ rõ cơ chế vận hành, chính sách được thực hiện trong đó thì việc thực hiện khó khăn.

Chúng tôi cũng trao đổi với ban soạn thảo khi lên kế hoạch thực hiện Đề án 41, đó là vấn đề huy động nguồn lực. Nếu chỉ trông chờ vào huy động nguồn lực của các bộ máy ở cấp trung ương thì triển khai sẽ rất khó. Quan trọng là nguồn lực tại chỗ, công tác bữa ăn học đường phải gắn chặt với các nhà trường, trực tiếp chính tại địa phương, nhà trường.

Mặt khác, hoạt động truyền thông vô cùng quan trọng và phải tác động đến nhiều đối tượng. Khi trẻ em còn nhỏ, thì việc thay đổi hành vi của thầy cô giáo và bố mẹ là rất quan trọng. Nhưng đến cấp THCS hay THPT thì các em phải đầy đủ nhận thức, khi đó đề án mới thành công.

Ngoài ra, việc xây dựng mô hình điểm cũng rút kinh nghiệm từ Đề án 641, xây dựng 2 mô hình điểm tập luyện từ trong nhà cho đến ngoài trời, cấp trường cho đến cấp huyện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng định xây dựng mô hình điểm chuẩn mực từ tháp dinh dưỡng từ đối tượng, vùng miền đều được đề cập. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là chỉ dẫn. Cụ thể như tháp dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thì bản thân hộp sữa 110ml thì chứa 120 calo. Nếu cứ để các em thêm 120 calo ấy, thì các em lại thành ra thừa dinh dưỡng. Vì vậy phải có chỉ dẫn kèm theo nếu như uống hộp sữa này, uống vào thời điểm này thì phải tập luyện thể thao thêm hay giảm khẩu phần ăn… Câu chuyện cụ thể hóa cho từng đối tượng là sự đảm bảo cho sự thành công, nếu như chúng ta chỉ vẽ ra một vài tổ giám sát thúc đẩy thì rất khó.

(11/12/2020 17:20)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa, từ góc độ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, với trách nhiệm về sức khỏe của người dân và tầm vóc của người Việt, trong thời gian tới nên chăng xây dựng một luật riêng về dinh dưỡng học đường để đạt các mục tiêu như Đề án 41 đặt ra?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Về phía cá nhân, tôi đồng ý về đề xuất là cần thiết phải có luật liên quan đến vấn đề dinh dưỡng học đường. Để làm thêm về quan điểm của mình, tôi muốn quay trở lại bài học của người Nhật. Không phải đơn giản mà từ những năm 40 khi nói đến Nhật Bản thường gọi là “Nhật lùn”, nhưng trong mấy chục năm qua, họ đã cải thiện được chiều cao, thể lực và cho đến bây giờ họ có thể ngẩng cao đầu tự hào với thế giới, chứ không riêng gì khu vực. Bài học ở họ có lẽ chính là sự đầu tư một cách bài bản, toàn diện và quyết liệt trong việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng ngay từ khi con người mới bắt đầu ra đời. Đây là một bài học lớn.

Theo tôi được biết, Nhật Bản từ năm 1954 đã có Luật bữa ăn học đường. Theo đó, tuỳ vào từng điều kiện mà các nhà trường phải lựa chọn chương trình các bữa ăn như thế nào. Đến năm 2005, Nhật lại bổ sung thêm một luật nữa, đó là Luật Cơ bản về giáo dục dinh dưỡng. Như vậy hành lang pháp lý của họ rất mạnh. Dù rằng trong quá trình triển khai luật không hoàn toàn thuận lợi do nền kinh tế gặp khó khăn, thậm chí có nhiều phản ứng xã hội đề xuất không nên có luật này. Đó là một thách thức rất lớn nhưng Nhật đã vượt qua và kết quả đạt được là người Nhật có một chiều cao rất lý tưởng.

Đối với Việt Nam, tôi cho rằng, có lẽ có được một dự án luật cho dinh dưỡng học đường là mục tiêu lý tưởng chúng ta hướng tới, và nên là mục tiêu gần. Bởi, quay trở lại câu chuyện mà anh Đàm Quốc Chính có đề cập đến là rất nhiều thông tư khi triển khai thực hiện Đề án 641, kể cả những cảnh báo khi đề cập tới, nhưng tại sao sau 10 năm thực hiện nhưng hiệu quả của đề án vẫn rất khiêm tốn, thậm chí xã hội còn rất ít biến đến. Vì sao lại như thế? Bởi đề án cũng chỉ là đề án mà thôi, muốn thực hiện đề án phải có nguồn lực, nếu không có nguồn lực thì đề án chỉ nằm trên giấy. Và 10 năm đã trôi qua, không biết đến nay đã có đánh giá sơ kết việc thực hiện đề án hay chưa? Khi Chính phủ ban hành đề án với lộ trình 20 năm, cực kỳ nhân văn và khoa học, đây là một hành trình theo suốt chặng đường trưởng thành của con người. Gần 20 năm nhưng nay qua mất tuổi bản lề, qua mất giai đoạn vàng, sức tác động của đề án quá bé, vậy nếu như bây giờ khuấn động lên, đề án được đầu tư nhiều hơn thì tôi không hiểu là 10 năm sau chúng ta tác động cho thế nào?

Quay trở lại, đúng là chúng ta đang dựa vào đề án, nhưng đề án là chính sách, nếu thực hiện tốt thì có thể khen hoặc không, nhưng nếu không thực hiện thì cũng không có chế tài để xử lý. Có rất nhiều lý do để thanh minh, giải thích, ở địa phương có rất nhiều vấn đề cần quan tâm khác, còn vấn đề từng ly sữa hàng ngày để cho chiều cao trẻ em sau bao nhiêu năm cao được bao nhiêu cm thì chưa hẳn các nhà lãnh đạo địa phương đã quan tâm, đây đang là vấn đề đang rất xa và mờ; thay vào đó họ chỉ quan tâm đến kinh tế địa phương phát triển như thế nào, tác động ra sao.

Chính vì thiếu chế tài nên tôi ủng hộ việc có luật. Tất nhiên xây dựng luật không phải dễ, bởi vì phải thuyết phục cho được sự cần thiết. Do đó, tôi rất mong, việc sơ kết giữa kỳ của đề án, một trong những khuyến nghị đưa ra để đóng góp cho Chính phủ là nên có luật này và dự án luật này phải hình thành trên đánh giá của đề án. Một trong những điều kiện để xây dựng luật là phải có đề xuất chính sách và phải có đánh giá tác động chính sách. Trong đó phải quy định được quy mô, phạm vi đối tượng như cơ quan quản lý nhà nước, sự phân cấp, trách nhiệm của gia đình, của cộng đồng xã hội, của các doanh nghiệp. Đồng thời, dự án luật phải đặt ra được quy chuẩn, quy định chuẩn mực về dinh dưỡng cho người Việt nói chung hay quy định chuẩn mực dinh dưỡng học đường. Bởi trên thực tế, chúng ta chưa quan tâm về vấn đề này, trước kia là ăn no, nay là ăn ngon, nhưng người Nhật đã bỏ xa giai đoạn ấy mà họ muốn ăn đúng. Để khả thi, luật cũng phải có những quy định về mặt nguyên tắc để chế độ dinh dưỡng chuẩn từ khẩu phần, môi trường, an toàn thực phẩm, bếp ăn, thậm chí nhân sự thực hiện…

Như vậy, theo tôi, chúng ta cần thiết phải có luật, nếu có một dự án luật về dinh dưỡng học đường thì sẽ có những quy định có tính nguyên tắc về trách nhiệm của nhà nước, cơ quan quản lý, địa phương, gia đình đến đâu, đặc biệt là nguồn lực. Ngoài ra, vấn đề xã hội hoá để có được vấn đề dinh dưỡng học đường. Đây là vấn đề rất quan trọng, chứ không thể nhìn mãi vào ngân sách nhà nước. Do đó, các quy định, chế độ chính sách để xã hội hoá nguồn lực hỗ trợ cho chương trình dinh dưỡng học đường rất cần đưa vào dự án luật. Đó cũng là sự ghi nhận sự tham gia của cộng đồng, của doanh nghiệp.

(11/12/2020 17:38)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Có thể khẳng định rằng, nhận thức về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực là con đường duy nhất để cải thiện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, từ đó góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và cải tạo nòi giống Việt Nam.

Trong điều kiện hiện nay, cần vận động, huy động hơn nữa sự tham gia của các đoàn thể, doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện các đề án, dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Nếu cải thiện chế độ ăn, cộng thêm luyện tập thể thao thì tầm vóc của thế hệ trẻ người Việt hoàn toàn có thể được cải thiện, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực. Đây không phải chỉ là việc riêng của Bộ Giáo dục, Bộ Y tế hay là việc cá nhân của những gia đình Việt hay là mong mỏi đóng góp của riêng doanh nghiệp nào. Để nâng cao tầm vóc của con em chúng ta, cần sự vào cuộc đồng bộ, cần những quy định, khung pháp lý cụ thể hơn, rõ ràng hơn để dinh dưỡng học đường được quan tâm một cách xứng đáng hơn, đúng mức với tầm quan trọng của nó.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐBND