Tọa đàm “Đã uống rượu bia, không lái xe”

- Thứ Sáu, 13/11/2020, 12:09 - Chia sẻ
Qua thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy tai nạn giao thông đang giảm ở cả 3 tiêu chí số vụ, số tử vong và số bị thương. Thành công trên một phần đến từ hiệu quả của việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn còn cao.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe” nhằm trao đổi ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý và thông điệp đến gia đình, và xã hội về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông; góp phần bảo vệ an toàn hơn cho gia đình và xã hội trong cuộc sống hôm nay.

Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi nội dung Tọa đàm tại đây:

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội;

- Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội;

- Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia;

- Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an;

- PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm hợp tác, đào tạo bồi dưỡng, Trường Đạo học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Tai nạn giao thông bắt nguồn từ rượu bia- Nỗi ám ảnh khôn nguôi của gia đình và xã hội

(12/11/2020 10:16)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng:  Thưa ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Là ủy ban chịu trách nhiệm chính về ATGT, ông nghĩ gì về những hình ảnh này? Ông có thể chia sẻ về tình hình TNGT của nước ta thời gian qua liên quan đến vấn đề rượu bia?

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 244/QĐ-TTg về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Sau đó Quốc hội đã xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Giai đoạn 2018-2019, tôi may mắn khi được Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, Bộ Y tế mời tham gia nhiều phiên thảo luận để xây dựng các dự án luật. Trong quá trình thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, song hình ảnh vụ TNGT ở hầm Kim Liên khiến 2 phụ nữ tử vong thực sự đã tạo ra giọt nước tràn ly. Qua xác minh, lực lượng chức năng đã xác định danh tính tài xế điều khiển ô tô đã uống rượu bia, gây tai nạn xong bỏ chạy. Điều này đã củng cố quyết tâm của đại biểu Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng chia sẻ tại tọa đàm

Khi Luật có hiệu lực, cũng có nhiều ý kiến phản đối bởi những quy định khắt khe bậc nhất thế giới. Đây cũng là Luật có "tốc độ" thực hiện đặc biệt, Thủ tướng ký ban hành ngày 30.12.2019, có hiệu lực vào 1.1.2020. Tuần đầu tiên khi thực hiện, tôi nhận được hơn 100 tin nhắn, có những người phản ứng rất dữ dội. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần, dư luận bắt đầu có xu hướng đổi chiều và sự ủng hộ của nhân dân nói chung đã tăng dần. Khi Uỷ ban ATGT quốc gia tổ chức sự kiện đi bộ ở bờ hồ kêu gọi “uống rượu bia, không lái xe”; đầu tiên dự kiến 3.000 người, sau đó là 5.000 người, càng về sau người dân kéo đến tượng đài Lý Thái Tổ rất đông. 

Mặc dù trong bối cảnh Covid-19, số lượng người tham gia giao thông có thể giảm, tuy nhiên, đường càng vắng đi càng nhanh và tai nạn giao thông càng nhiều nên không thể phủ nhận hiệu quả khi áp dụng điều luật mới.

Chúng tôi sẽ cố gắng quyết tâm duy trì thực hiện Nghị định 100 để góp phần thực hiện tốt Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

(12/11/2020 10:22)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa ông Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an: Qua việc tuần tra xử lý vi phạm nồng độ cồn của cảnh sát, ông đánh giá thế nào về việc chấp hành của tài xế hiện nay? Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn ở nước ta hiện nay ra sao, lực lượng có gặp khó khăn gì?

Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an:

Lực lượng CSGT là lực lượng chính được giao nhiệm vụ xử lý TNGT. 11 tháng năm 2020, lực lượng CSGT đã xử lý nồng độ cồn hơn 156.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 1.057 lái xe khách, 7.736 lái xe tải, 1.2071 lái xe con. So với cùng kỳ năm 2019, xử lý nồng độ cồn của lực lượng CSGT tăng 5.004 trường hợp, tăng 3,2 %. Như vậy, các trường hợp bị xử lý chỉ có tăng lên, không hề giảm. Riêng TNGT liên quan đến rượu bia có 313 vụ, chiếm 3,94%. 

Chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Bộ Công an, Phòng CSGT, đến địa phương là triển khai kiểm tra, xử lý mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, thời gian cụ thể. Ví dụ, tăng cường tuần tra kiểm soát vào buổi tối - thời gian sử dụng rượu bia nhiều nhất; ưu tiên các tuyến đường quốc lộ đang xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, CSGT các đơn vị, địa phương phải báo cáo về Cục CSGT về việc xử lý bao nhiêu trường hợp, vị trí, thời gian để đối chiếu, phòng ngừa nguy cơ dẫn đến tai nạn. 

Tuy nhiên, khó khăn là do văn hóa sử dụng rượu bia là rất lâu đời. Nếu như trước kia phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là xe đạp, đi bộ… không ảnh hưởng gì, nhưng hiện nay khi chúng ta sử dụng phương tiện giao thông với tốc độ cao thì tai nạn giao thông xảy ra nhiều hơn. Đặc biệt, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chủ phương tiện đã sử dụng rượu bia, có chất kích thích dẫn đến thái độ chấp hành chưa tốt. Hai là chế tài rất nặng cần phải thiết lập hồ sơ để báo cáo. Quá trình kiểm tra không phải là cá nhân cảm nhận của cán bộ, chiến sĩ mà phải thông qua máy móc, cụ thể phải in ra, ký biên bản thì một người bình thường đã khó huống hồ gì một người đã say. Thứ ba, cưỡng chế rất cao phải tạm giữ phương tiện. Các hồ sơ xử lý, chúng tôi tính ra hơn 156.494 trường hợp thì trung bình 1 trường hợp xử lý nồng độ cồn mất 2 tiếng đồng hồ, tính ra hơn mất 300.000 giờ của cả năm và một trường hợp vi phạm về nồng độ côn phải có 5 cán bộ để thực hiện, trung bình mất mất gần 1,6 triệu lượt cán bộ xử lý vấn đề này trong một năm.

Hiện nay, lực lượng CSGT được tập huấn theo quy chuẩn, có kinh nghiệm quốc tế, trường hợp xử lý nồng độ cồn đều có có dữ liệu ghi lại qua camera. Chúng tôi sẽ không nhận nhượng đối với trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Thêm nữa, tất cả mọi chuyên đề trong báo cáo của CSGT và yều cầu đều kiểm tra mọi chỉ số phát hiện từ tai nạn đến phát hiện sử dụng nồng độ cồn.

Một khó khăn nữa là chúng tôi rất muốn có hướng dẫn về xử lý nồng độ cồn đến ngưỡng nào, có khả năng xảy ra tai nạn là phải xử lý hình sự. Ví dụ vượt quá 0,8 thì phải xử lý hình sự. Quy định này đã được chúng tôi đề xuất nhưng chưa được thông qua. Hoặc nếu được công khai danh tính của  của người vi phạm thì hiệu quả sẽ rất cao, tuy nhiên hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính không cho phép công khai danh tính của người vi phạm hành chính. Đặc biệt, nếu chỉ số tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng thì chúng ta cũng phải tổng hợp lại để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và đồng bộ hơn nữa.

(12/11/2020 11:03)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Là Ủy ban chịu trách nhiệm thẩm tra dự án Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật ra đời được ví như "cú đấm thép" nhằm loại trừ tình trạng tài xế say xỉn mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sau 9 tháng triển khai Luật và Nghị định 100, ông đánh giá về những quy định của Luật đi vào cuộc sống như thế nào, thưa ông Đặng Thuần Phong?

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội:

Đến nay, tôi tham gia đã 4 khóa Quốc hội, cùng Quốc hội đã làm nhiều dự án luật. Nếu đánh giá luật nào đi vào cuộc sống nhanh nhất thì có thể khẳng định là Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.

Khi thực thi luật này, nhiều luồng thông tin, các vấn đề khác nhau đến dư luận xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đều được cân đo đong đếm và cân nhắc thấu đáo. 

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong chia sẻ tại tọa đàm

Tại sao luật này đi vào cuộc sống nhanh như vậy, Nghị định 100 ban hành kịp thời như vậy? Mặc dù các ngành chức năng cho rằng, Nghị định 100 mới chỉ giải quyết phần “chống”, chưa có “phòng”. Tôi cho rằng, đặc thù xã hội Việt Nam, nếu không chế tài thì pháp luật sẽ “nhờn”, nếu không răn đe thì thực thi pháp luật sẽ không đến nơi đến chốn. Và mục tiêu của Luật này là giúp cho người dân thay đổi hành vi, nhận thức. Do đó, Khoản 6, Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn thì bị cấm. Có thể thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia nghiêm khắc về vấn đề này.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao phải có chế tài nghiêm khắc như vậy? Cũng bởi vì văn hóa Việt Nam khiến cho việc lạm dụng rượu bia quá nhiều, tỷ lệ sử dụng rượu bia mỗi năm đều tăng với số lượng rất lớn. Ngân sách một năm ngành rượu, bia đóng góp rất lớn nhưng chi để điều trị bệnh từ rượu, bia lại lớn gấp đôi. Điều đó tác động tiêu cực tới kinh tế, đời sống, xã hội. Cùng với đó là văn hóa giao thông của Việt Nam có nhiều trường hợp chưa tuân thủ pháp luật dẫn tới hệ lụy tai nạn giao thông vô cùng ghê gớm.

Nghị định 100 với những chế tài tăng mức phạt so với trước đây, đánh vào kinh tế của từng người đã góp phần thay đổi ngay lập tức nhận thức của người dân. Có thể nói Tết nguyên đán khi Nghị định 100 có hiệu lực là cái tết ảm đạm của ngành rượu bia, mọi người không còn lạm dụng rượu, bia nữa.

Rõ ràng, Nghị định 100 đã tác động làm thay đổi nhận thức của người Việt Nam trong sử dụng rượu, bia. Điều đó thể hiện qua 3 việc, “uống có trách nhiệm”, “sản xuất có trách nhiệm”, “buôn bán có trách nhiệm”.

Tôi cho rằng, các ngành chức năng phải ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và các giải pháp phòng ngừa đi theo cho đồng bộ. Gần đây nhất, pháp luật đã có quy định xử phạt đối với người có hành vi lôi kéo người khác uống rượu. Theo tôi, thông điệp thay đổi nhận thức, hành vi của người dân của chúng ta đã thành công.

Mong rằng, quá trình thực thi pháp luật nếu có vấn đề gì, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của công chúng, có trách nhiệm hơn nữa để hoàn chỉnh chính sách để được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ.

(12/11/2020 11:24)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Dưới góc nhìn của cơ quan giám sát, theo ông, mặc dù TNGT giảm cả 3 phương diện nhưng số vụ TNGT vẫn cao và tình trạng tài xế sử dụng rượi bia khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn nhiều. Vậy nguyên nhân do đâu? Có phải do chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh hay vấn đề thực thi luật, hay những quy định pháp luật vẫn còn kẽ hở?

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

Luật Phòng, chống tác hại rượu bia ra đời đã có những tác động và thành công bước đầu. Theo tôi, vấn đề rượu bia có 2 mặt. Nếu chúng ta chỉ nghiêng về tác hại rượu bia mà đánh mất đi cái nhìn về lợi ích nó mang lại thì chưa toàn diện. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, rượu bia không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn trở thành một nét trong văn hóa. Bởi vậy, nếu chúng ta nhấn mạnh vào Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 kỳ vọng hạn chế TNGT nguyên nhân do rượu bia gây ra thì sẽ hướng dư luận đến cái nhìn khác. Hiện nay, thực tế cảnh sát giao thông không chỉ có nhiệm vụ đấu tranh với đối tượng vi phạm rượu bia và nếu chỉ nghiêng về tập trung xử lý rượu bia hạn chế TNGT theo chỉ tiêu của Quốc hội tôi cho rằng chưa toàn diện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ tại tọa đàm

Ngoài rượu bia còn chất ma túy. Những vụ tai nạn do sử dụng ma túy gây ra phản ứng bức xúc trong xã hội. Hay các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm tốc độ, vi phạm phần đường và nhiều nguyên nhân khác... Nhiệm vụ của cảnh sát giao thông là phải có trách nhiệm đấu tranh phòng chống lại tất cả các hành vi vi phạm mà có nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Vấn đề đặt ra ở đây là chế tài đủ mạnh hay chưa? Tất cả các quy định pháp luật của chúng ta từ hình sự cho đến hành chính khi Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định thì tính nghiêm khắc rất cao về mặt chế tài. Khi đặt ra mức phạt bằng tiền phải đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, chứ không lấy kinh tế - xã hội của các nước khác, cho rằng nước họ phạt cao, xử lý cao mà áp dụng vào. Phải đặt vào nước ta, để xem tính khả thi của các quy định ấy có thực tiễn hay không. Ví dụ như trong Luật trật tự an toàn giao thông hiện nay quy định số lượng phương tiện xe mô tô, mà tạm giữ hiện nay có số lượng lớn như thế. Do mức phạt của chúng ta quá cao nên người ta bỏ phương tiện lại, không đến xử lý.

Quốc hội bàn rất nhiều đến chuyện đề nghị nâng cao mức phạt, nhưng tôi cho rằng nâng cao phải có giới hạn, kể cả đối với hình sự cũng thế. Chính sách hình sự của chúng ta khác với các nước khác. Xu hướng hiện nay là hạn chế việc hình sự hóa các quy định quan hệ xã hội. Hiện nay chúng ta khi tham gia cam kết quốc tế thì phải buộc giảm một số loại hình phạt tử hình, rồi từ chỗ người nghiện ma túy thành người bệnh… Cho nên phải nhìn toàn diện, chế tài phải nằm trong bối cảnh chính sách xử lý một cách đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là kỷ cương trong thực thi, kiên quyết và triệt để trong xử lý vi phạm, khâu tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó phải đồng bộ với các giải pháp giáo dục, công tác phòng ngừa, vận động, thuyết phục… Phải xác định rõ rách nhiệm của cơ quan thực thi, cá nhân những người có trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ cũng liên quan đến thực hiện luật.

(12/11/2020 11:24)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Từ góc độ ngành giáo dục, thưa PGS. TS Phạm Mạnh Hà, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng sử dụng rượu bia trong thanh thiếu niên và tình trạng nhiều tài xế, đặc biệt là thanh niên say xỉn vẫn lái xe? Nguyên nhân nhiều vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn do đâu?

PGS. TS Phạm Mạnh Hà , Giám đốc Trung tâm hợp tác, đào tạo bồi dưỡng, Trường Đạo học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Thực tế, Nghị định 100/2019/NĐ-CP khi ra đời đã có những tác động lớn tới nhận thức của xã hội, đặc biệt là những người sử dụng rượu bia và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, có một nhóm đối tượng là thanh niên, đây là nhóm thường xuyên tham gia giao thông và có sử dụng rượu bia, dù số lượng không nhiều, nhưng đây cũng là nhóm đối tượng gây ra nhiều vụ TNGT xuất phát từ việc sử dụng rượu bia, nhưng mức xử phạt theo Nghị định 100 này chưa có tác động nhiều đến. Lý do là:

Giám đốc Trung tâm hợp tác, đào tạo bồi dưỡng, Trường Đạo học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội PGS. TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ tại tọa đàm

Thứ nhất, nhiều thanh niên, thiếu niên khi tham gia giao thông không cần có giấy phép lái xe, đặc biệt là sử dụng xe dưới 50 phân khối, xe đạp điện, xe máy điện... Hơn nữa những phương tiện này là do bố mẹ đầu tư, nếu bị công an giao thông xử phạt thì cũng do bố mẹ trả tiền, thậm chí phương tiện đó cũng do bố mẹ gánh chịu còn bản thân người đó không phải chịu trách nhiệm. Dù vẫn bị báo cáo về trường học, song điều này cũng không tác động quá nhiều đối với những học sinh thiếu nỗ lực, cố gắng. Như vậy, cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề giáo dục đến với đông đảo người tham gia giao thông, trong đó có cả thanh thiếu niên.

Thêm vào đó, trong chương trình giáo dục phổ thông của nước ta, nhìn từ cấp 1 đến cấp 3 đều có những môn học về giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, thực tế góc nhìn, không phải lúc nào giáo viên cũng ý thức được rằng việc giáo dục công dân, hay giáo dục lối sống cho thanh thiếu niên, đặc biệt là giáo dục hành vi tôn trọng pháp luật và được coi trọng như giáo dục các môn văn, toán, ngoại ngữ để thi vào các trường đại học hoặc thực hiện hoạt động nghề nghiệp sau này.

Thứ hai, khi chúng tôi là trung tâm bồi dưỡng giáo viên, hàng năm bồi dưỡng hàng chục nghìn giáo viên cho thấy thường giáo viên quan tâm nhiều hơn đến việc bồi dưỡng chuyên môn để dạy môn chuyên môt tốt hơn, chứ ít khi có nhu cầu làm thế nào để dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, ý thức tôn trọng pháp luật cho học sinh tốt hơn. Có lẽ ở đâu đó chúng ta đang thiếu vắng một hàm lượng, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo trong việc giáo dục về pháp luật nói chung, đặc biệt là giáo dục về hành vi văn hoá, trong đó có hành vi văn hoá tham gia giao thông cho học sinh. Thế nên, dù nhiều phong trào đã được triển khai như trường học an toàn, giao lưu chuyên đề về an toàn giao thông… nhưng đều như "muối bỏ bể". Rõ ràng, vấn đề này cần được thực hiện thường xuyên và có thời gian để thẩm thấu chứ không chỉ dừng lại ở một số buổi nói chuyện hay một số dịp nhất định.

Thứ ba, giáo dục gia đình ở nước ta đối với việc thực hiện hành vi pháp luật chưa được các gia đình ý thức được, đôi khi chính bố mẹ, hoặc những người xung quanh đang giáo dục những nếp sống văn hoá thiếu tích cực cho các bạn thanh thiếu niên. Ví dụ, có thể nhà trường cấm không cho uống rượu bia vì không tốt cho sức khoẻ, ra đường các chú công an phạt, nhưng khi về nhà thấy bố mẹ vẫn uống bình thường, thậm chí khi cho phép con tham gia uống rượu bia cùng. Như vậy, thanh thiếu niên vô hình trung nhận thấy việc uống rượu bia như thể hiện sự trưởng thành, khi đến tuổi hoặc khi có dịp có thể sử dụng rượu bia như nét văn hoá thể hiện đã lớn, đã trưởng thành. Khi sử dụng rượu bia, đặc biệt là thanh thiếu niên có tác động tới hoocmon, tới quá trình sinh lý trong cơ thể mạnh hơn so với người trưởng thành. Do đó, việc chịu tác động của rượu bia tới thanh thiếu niên còn nghiêm trọng hơn so với người lớn. Đây chính là lý do khi sử dụng rượu bia thanh thiếu niên khó có thể kiểm soát được hành vi, và khi khó kiểm soát thì lại thích thể hiện như phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang trên đường, đua xe… tất cả những hành vi đó đều xuất phát từ góc độ giáo dục, trong đó có cả giáo dục nhà trường, đặc biệt là giáo dục gia đình. Đó chính là những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên vẫn uống rượu bia, lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Để những giọt nước mắt không rơi giữa thời bình

(12/11/2020 11:33)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi ông Đặng Thuần Phong, ông có đề xuất gì trên phương diện quy định pháp luật nhằm hạn chế dẫn đến chấm dứt tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe?

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội:

Giờ phút này, chúng ta còn thiếu một số văn bản hướng dẫn thực hiện luật này để đảm bảo được đồng bộ giữa “phòng” và “chống”.

Hiện tại, để nhận thức của người dân đã tốt lên, thay đổi hành vi, việc “uống có trách nhiệm” trở thành phổ biến thì công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện pháp luật vô cùng quan trọng. Theo tôi, việc truyền thông để người dân tránh hiểu và tránh được các hành vi cấm đã quy định chính là “quả đấm thép”, nếu không có truyền thông thì nhận thức của người dân không chuyển biến, nhất là các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin rất khó. Vì vậy, tuyên truyền là một quá trình lâu dài, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Còn trách nhiệm của Nhà nước hiện nay, đặc biệt là đối với Chính phủ, còn rất nhiều điều quy định, hướng dẫn chi tiết trong dự án luật này như quảng cáo như thế nào; kinh doanh, quản lý rượu thủ công để người dân làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm để không lạm dụng rượu bia đặc biệt là vùng núi, nông thôn; nguồn lực để phòng chống tác hại của rượu bia, thẩm quyền của người được giao nhiệm vụ thực thi luật này; công nghệ thông tin để kết nối khi thực thi luật này…

Tôi cũng chắc chắn rằng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các nội dung này để sớm đồng bộ với các giải pháp được quy định trong Nghị định 100, để khi các Nghị định, Luật khác ra đời cũng sẽ tạo sự gắn kết.

Còn vấn đề về lòng dân, chúng ta thấy hiện nay người dân đang ủng hộ. Người dân đã thấy rõ được tác hại của rượu bia. Điểm mặt lại các báo cáo hàng năm về tác hại của rượu bia, chúng ta mất đi 1 xã (~10000 dân), con số nạn nhân bị thương còn lớn gấp hai, gấp ba lần, những nạn nhân đa phần là trụ cột của gia đình, dẫn tới những gia đình đó thành gánh nặng cho an sinh xã hội, những gia đình bị suy sụp về kinh tế, mất đi người lao động, mất đi tiềm năng để vươn lên. Tác hại của rượu bia đối với trật tự an toàn xã hội, bạo lực gia đình vẫn chưa được tổng kết hết.

Nhờ có Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã giúp những con số này giảm đi rất nhiều.

Hy vọng rằng với tham mưu của các bộ, ngành sẽ giúp Chính phủ sớm hoàn thiện những hướng dẫn liên quan trong công tác phòng, chống tác hại rượu bia.

(12/11/2020 11:42)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Từ ngày 15.11 tới, Nghị định 117/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực, chủ xe có thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra việc tài xế uống rượu, bia ở thời điểm trước và trong khi lái xe. Quy định này đang gây nhiều tranh cãi về tính khả thi. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi trong quy định trên tại Nghị định 117? Theo ông cần giải pháp gì ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia?

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

Việc quy định xử phạt là trách nhiệm của chủ xe. Chủ xe trong Luật Giao thông đường bộ phân định hình thức về chủ sở hữu, chủ quản lý. Chủ xe quy định chung chung như thế này thì không khả thi. Phương tiện cơ giới là phương tiện nguy hiểm cao độ, chủ phương tiện phải có trách nhiệm trong giải quyết các thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, trách nhiệm trực tiếp vẫn là người điều khiển phương tiện.

Theo nguyên tắc, nếu trường hợp các doanh nghiệp vận tải thì chủ phương tiện phải có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn kiểm tra việc lái xe uống rượu bia trong thời điểm trước và trong khi lái xe. Tôi ủng hộ quan điểm này. Còn việc để nó khả thi không là ở khâu tổ chức thực hiện. Chúng ta có quy định sắp tới đảm bảo an toàn giao thông. Ví dụ lái xe bao nhiêu giờ mà quá thời gian đấy thì vẫn sẽ bị xử lý, nên vì thế, hành vi này được tích hợp trong các quy định của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông sắp tới, trong Nghị định, quy định về việc xử lý hành vi vi phạm về an toàn giao thông thì sẽ có sự hợp lý hơn. Chính vì thế, khả năng nghi ngại tính khả thi là ở chỗ này.

Giải pháp có tính tác động trực tiếp nhất chính là khâu phát hiện và xử lý vi phạm. Không chỉ xử lý vi phạm lái xe, mà còn xử lý vi phạm trong các hoạt động khác nữa. Xử lý vi phạm phải đồng bộ, kiên quyết, triệt để ngay cả trong các giải pháp phòng ngừa, cụ thể là tuần tra, phát hiện là biện pháp cốt lõi và tác động lớn nhất.

Về mặt xử lý, chúng ta không phải không có sự vào cuộc của cả hệ thống, nhưng phải chọn khâu đột phá để tác động trực tiếp. Sửa, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có tích hợp một số quy định của Luật Giao thông đường bộ. Còn câu chuyện tách hai Luật này Quốc hội đang có nhiều ý kiến khác nhau nhưng sẽ có quyết định cuối cùng. Câu chuyện tách hay làm luật mới là cách chúng ta thể hiện quá trình xây dựng lập pháp. Hệ thống pháp luật phải rạch ròi, phân vai, phân định gắn rõ trách nhiệm.

(12/11/2020 12:03)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa ông Đỗ Thanh Bình, có một thực tế là nhiều cảnh sát giao thông không nghiêm, khi tài xế xin xỏ, hoặc "đút lót" thì lại cho qua, dẫn đến nhiều người có tiền, quyền không sợ. Ông suy nghĩ thế nào về hiện tượng này? Và làm thế nào để giảm số vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn?

Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an:
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Đỗ Thanh Bình chia sẻ tại tọa đàm

Trước hết, tôi đồng ý quan điểm với các khách mời chúng ta cần phải tiếp cận đa chiều, nhiều góc độ khác nhau để đánh giá một cách khách quan. Tóm lại, giữa phòng và chống thì phòng phải đi trước chống. Theo đó, phòng phải có thước đo cụ thể. Thực tế, môi trường tốt nhất để thực hiện phòng ngừa là an toàn ở cổng trường và trong trường nhưng chúng ta chưa đạt được điều này nên sự đồng bộ của hệ thống chưa cao.

Thứ hai, chúng tôi nhận được kinh nghiệm từ phía đồng nghiệp nước bạn là không được công bố mức xử phạt vì không ai muốn người dân bị xử phạt và hình thức xử phạt là cái cuối cùng.

Thứ ba, nhiều người cho rằng CSGT không nghiêm. Hiện nay, trong quá trình thực thi nhiệm vụ có những người nọ người kia nhưng quan điểm của Bộ Công an là phải thực hiện rất nghiêm túc. Tất cả những phản ánh của người dân đều được xác minh, xử lý nghiêm theo quy định. CSGT được Bộ đã xác định "mặt tiền của mặt tiền", hàng ngày tiếp xúc với người dân thì thái độ, hành vi phải được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng "truy" trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng. Bởi lẽ, hạ tầng không an toàn gây tai nạn, phương tiện không an toàn gây tai nạn phải được xem xét và xử lý. 

Theo đó, trách nhiệm của người quản lý gây mất an toàn là rất cao. Do đó, việc xây dựng, ban hành Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, là điểm nhấn quan trọng khi chúng ta giải quyết hậu quả của tai nạn. Hiện trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ áp dụng công nghệ 4.0 nhiều nhất từ quá trình tuần tra, quá trình sử dụng dữ liệu… để phục vụ người dân trong môi trường phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và tổng hợp từ thực tiễn.

Chỉ đạo của Bộ Công an là phải tăng hàm lượng khoa học công nghệ để khách quan hóa các hoạt động để tất cả tiến tới tất cả hành vi sẽ bị ghi lại bằng dữ liệu điện tử. Riêng kinh nghiệm kiểm tra nồng độ cồn đều theo kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, đều ghi lại bằng giữ liệu điện tử để bảo vệ mình nên không có chuyện tiêu cực trong việc xin xỏ khi vi phạm  nồng độ cồn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ vào các bệnh viện để kiểm tra để có tất cả các chỉ số đều khách quan. Như các đại biểu nói hậu quả của tai nạn giao thông là rất nặng nề không những đối với gia đình, mà còn xã hội từ tai nạn giao thông là quá lớn. Một số nước quan niệm có quan điểm phải phạt thật nặng nhưng ở nước ta phải xem xét. Việc chặn lại quá trình vi phạm nhằm cứu chính bản thân họ.

(12/11/2020 12:13)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa ông Khuất Việt Hùng, để giảm thiểu các vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn gây ra, theo ông cần giải pháp đồng bộ và căn cơ gì?

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:

Về nhóm giải pháp tổng thể giảm TNGT rất nhiều nội dung, tôi xin phép được khái quát những nhóm nhiệm vụ tổng hợp từ các chức năng nhiệm vụ, đề xuất từ ban, ngành, địa phương được chỉ đạo tương đối thường xuyên.

Trước tiên là pháp luật, “muốn khuyến khích, xử phạt ai thì phải có luật quy định”, vì vậy việc quan trọng số một là hoàn thiện quy định pháp luật. Các Nghị định, Thông tư phải được ban hành kịp thời. Tiếp theo là những vấn đề bức xúc đòi hỏi có trong luật phải được quy định chế tài phù hợp thực tiễn tình hình đất nước.

Thứ hai là sau khi có luật, phải truyền thông. Phải làm sao đưa quy định pháp luật đến với người dân, để người dân hiểu đúng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia không phải luật chống rượu bia. Những tác lợi thì cần bảo vệ nhưng cấm lạm dụng, cấm lái xe sau khi sử dụng rượu bia; đây là một quy định rất nhân văn. Không có quốc gia nào đưa ra chế tài với mong muốn xử phạt người dân, mà các chế tài này gửi thông điệp đến người dân là hành vi vi phạm rất nguy hiểm, không được thực hiện; những đối tượng cố tình vi phạm phải bị xử phạt.

Thực tế, giáo dục công dân, đạo đức và giáo dục ở từng gia đình chưa tốt qua nhiều thế hệ sẽ để lại hệ luỵ với nhiều thế hệ sau. Truyền thông, giáo dục phải luôn gắn với lực lượng tuần tra, kiểm sát xử phạt; xử dụng thông tin người bị xử phạt để truyền thông. Truyền thông phải đòi hỏi tính chất toàn diện, cụ thể. Phải đưa thông điệp để người dân hiểu đúng sự văn minh, tính nhân văn, đồng thời nếu vi phạm sẽ phải xử phạt.

Tôi cho rằng, có rất nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ, có nỗ lực nhưng bảo đảm thực sự đáp ứng được về thực thi pháp luật ở nhiều khía cạnh thì chưa.

Mặc dù nói TNGT chủ yếu do người tham gia giao thông, tuy nhiên, còn rất nhiều nguyên nhân khác như đi đường nếu lề đường sạch sẽ, xe sẽ đi đúng, nhưng có khi lề đường để chai bán xăng, để thúng bánh mì...  thì đương nhiên, để tránh những chướng ngại ấy xe máy buộc phải lấn sang làn ô tô, thế là tai nạn xảy ra. Tuy nhiên khi bắt tay vào xử lý thường sẽ quy sang những nguyên nhân như xe không kiểm soát được tốc độ, hay tại đi sai làn đường. Các số liệu thống kê tai nạn do có nồng độ cồn trong người khi tham gia giao thông là chính xác, tuy nhiên trên thực tế số liệu người nhập viện còn cao hơn vì đi sai phần đường làn đường, vượt quá tốc độ… Chúng tôi khảo sát số nạn nhân TNGT do vi phạm nồng độ cồn đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thì 42% người nặng hơn rất tự tin khi lái xe mà gây tai nạn. Qua khảo sát và mô phỏng 100 sinh viên trường đại học Việt Đức không uống gì lái xe mô tô với người uống 1 lon, 2 lon, 3 lon có kết quả khác nhau. Cùng một người uống 1 lon nguy cơ gây TNGT cao gấp 2,8 lần không uống.

Hạ tầng là môi trường tham gia giao thông cần phải an toàn, xe phải an toàn, người điều khiển phương tiện phải an toàn và việc cứu người phải chú trọng. 5 trụ cột của ATGT chỉ đạo thường xuyên là pháp luật, hạ tầng, phương tiện, con người và khắc phục hậu quả sau tai nạn. Khẩu hiệu “đã uống rượu bia, không lái xe” được chúng tôi sử dụng từ năm 2014 tới tận bây giờ vì xây dựng giá trị văn hoá phải thường xuyên, liên tục, không thay đổi.

(12/11/2020 12:20)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng

Thưa PGS. TS Phạm Mạnh Hà, nhiều người đề xuất tăng mức phạt bổ sung như lao động công ích, phạt tù với lái xe say rượu, tước bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện, ông có ý kiến thế nào?

PGS. TS Phạm Mạnh Hà , Giám đốc Trung tâm hợp tác, đào tạo bồi dưỡng, Trường Đạo học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Trước hết, tôi ủng hộ việc tăng mức răn đe, bởi càng răn đe mạnh thì ý thức sẽ thay đổi. Tất nhiên, chúng ta nói rằng ý thức là quan trọng, nhưng răn đe sẽ giúp việc thực hiện hành vi đó một cách nghiêm túc. Tôi ủng hộ phương án là vừa giáo dục vừa răn đe, có nghĩa là hình phạt bổ sung lao động công ích. Tôi rất thích hình phạt này.

Chúng ta quan sát nhiều quốc gia trên thế giới thì thấy rằng các nước luôn có những hình phạt đối với những người vi phạm luật giao thông, hoặc tham gia giao thông có sử dụng rượu bia phải phục vụ lại những người bị tai nạn tại bệnh viện. Có nghĩa là phải đến bệnh viện để hỗ trợ y bác sỹ chăm sóc những người đã bị tai nạn. Theo tôi, qua đây vừa nâng cao tính nhân văn, vừa giáo dục được ý thức trách nhiệm và nhìn thấy luôn hậu quả của việc tham gia giao thông khi uống rượu bia như thế nào.

Ở Việt Nam, ngoài những thành phố lớn có bệnh viện, có trung tâm y tế có thể đến đó được, ở những vùng sâu, vùng xa những người uống rượu bia ngoài bị phạt tiền, bị tịch thu xe phải là một tuyên truyền viên tích cực cho việc phòng chống rượu bia, như đến các quán rượu dán tờ rơi tuyên truyền. Đây cũng là hoạt động công ích nhưng sẽ góp phần tăng ý thức, trách nhiệm cho mọi người, tất nhiên công ích này phải gắn với hành vi vi phạm của họ thì tính răn đe, tính giáo dục cao hơn.

Ngoài ra, tôi cũng mong rằng, giáo dục trong nhà trường, gia đình phải đẩy mạnh hơn rất nhiều, đặc biệt phải xem xét lại cách quảng cáo rượu bia. Không chỉ là quảng cáo trong trong mục quảng cáo mà còn trong phim ảnh, MV ca nhạc có lồng ghép việc uống rượu bia… cần có hình thức để hạn chế tình trạng này để bớt sự tác động.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng:

Thưa quý vị đại biểu!

Thưa các vị khách mời!

Luật Phòng, chống, tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt tài xế sử dụng rượu bia được ra đời với mục tiêu cao cả là tác động rất lớn tới toàn thể xã hội, vì một xã hội không còn TNGT... Sau 9 tháng triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có nhiều thay đổi trong nhận thức và thói quen của người dân, cho thấy Luật phần nào đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, cũng do liên quan đến thói quen nên để thay đổi lập tức đối với mọi người là rất khó khăn. Để làm giảm TNGT, hạn chế được tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích cần có sự quyết tâm của Nhà nước và sự đồng thuận của Nhân dân thì mới xoay chuyển tình trạng tài xế uống rượu bia lái xe.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐBND