Tọa đàm phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước với chủ đề: “Làm sao để trẻ em biết bơi?”

- Thứ Sáu, 13/11/2020, 21:29 - Chia sẻ
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km, có trên 2.300 sông, kênh, rạch và một số lượng lớn suối, ao, hồ… tạo nên điều kiện tự nhiên lý tưởng về phát triển du lịch, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhưng cũng là môi trường tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước cho người dân, trong đó phần lớn là những trẻ em và trẻ vị thành niên.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao hơn các nước khác trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 234 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020; ban hành Chỉ thị 17 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Từ năm 2016 đến nay, các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh/thành phố trong cả nước tùy theo điều kiện thực tiễn của đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai công tác  phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn. Kết quả triển khai, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2019. Tỷ lệ tử vong do đuối nước năm 2015 là trên 3.000 thanh thiếu nhi đã giảm dần xuống dưới 2.000 em trong năm 2018 - 2019. Như vậy, việc dạy trẻ em biết bơi đã góp phần làm giảm rõ rệt tình trạng đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, thực trạng đuối nước như hiện nay vẫn còn nhiều, đặc biệt là trẻ em biết bơi giỏi vẫn đuối nước, tình trạng đuối nước tập thể rất thương tâm liên tiếp xảy ra trong dịp tết và kỳ nghỉ hè.

Với chủ đề “Làm sao để trẻ em biết bơi?”, chương trình Tọa đàm trực tuyến do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Tổng cục Thể dục, Thể thao và sự đồng hành của Nhãn hàng Milo, Công ty TNHH Nestle Việt Nam tổ chức nhằm trao đổi ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, thông điệp đến gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm về công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước của trẻ; góp phần bảo vệ trẻ an toàn hơn trong cuộc sống hôm nay.

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

- Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình;

- Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục, Thể thao;

-Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;

- Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Bà Nguyễn Thị Chiên, Phó vụ trưởng Vụ Thể dục- Thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục, Thể thao.

(13/11/2020 16:15)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Trẻ em đuối nước nhiều- Vì sao?

Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Trẻ em được bảo đảm sự an toàn trong môi trường gia đình và nhà trường; được bảo vệ trước những nguy cơ rình rập từ điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội thay đổi; được cải thiện cuộc sống, học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích còn nhiều, nhất là tai nạn đuối nước vẫn diễn biến phức tạp, cần sự quan tâm của toàn xã hội. Nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em; ngày 5.2.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Những giải pháp nêu trên đã có tác động tích cực đến việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đuối nước và tử vong do đuối nước tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng đuối nước trẻ em của nước ta vẫn còn ở ngưỡng cao, rất đáng lo ngại. Đơn cử như mùa hè 2020 nhiều vụ tử vong do đuối nước đã liên tiếp xảy ra như: Ngày 10.5.2020, hai trẻ em có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đi du lịch cùng gia đình đã bị đuối nước dẫn đến tử vong khi tắm biển tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Cũng trong tháng 5, xảy ra vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong tại Nghệ An, trong đó có 2 chị em ruột trong một gia đình tử vong là em N.T.P (11 tuổi) và em gái ruột là N.A.T (9 tuổi). Tiếp đó, ngày 21.5.2020, tại khu vực bãi tắm Tuần Châu cũng đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm dẫn đến tử vong đối với 2 học sinh hệ tại chức của tỉnh… Tai nạn đuối nước trẻ em trở thành nỗi ám ảnh, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội.

(13/11/2020 16:35)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Qua giám sát, bà đánh giá như thế nào về tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay, những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước và vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Thực sự khi nhìn vào bức tranh thực trạng tình hình đuối nước của trẻ em, nếu qua báo cáo của các cơ quan chức năng thì rõ ràng có những tiến bộ nhất định, số vụ và số trẻ em đuối nước sẽ giảm nếu có những cách so sánh hiện tại và những năm trước đây. Tuy nhiên, mỗi năm đến mùa hè và mùa mưa bão thì những vụ đuối nước thương tâm cũng khiến chúng ta rất đau lòng. Có một vấn đề nữa nếu so sánh với các nước trong khu vực và các nước đang phát triển thì những kết quả đã đạt được trong quá trình hạn chế giảm thiểu tỷ lệ trẻ em đuối nước như vậy chưa đạt được nguyên nhân là gì vì tỷ lệ trẻ em Việt Nam đuối nước hàng năm vẫn đang rất nhiều.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại tọa đàm

Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân, trước hết, về nguyên nhân khách quan đó là đặc thù về địa hình và khí hậu. Nước ta có rất nhiều diện tích bờ biển, sông ngòi, kênh rạch. Đây là đặc điểm khách quan mà chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Nhưng đây cũng chỉ là một phần, tôi muốn phân tích nhiều hơn về nguyên nhân chủ quan.

Đầu tiên là nhận thức về tình hình đuối nước ở trẻ em và nguy cơ đuối nước trẻ em. Cho đến nay, theo đánh giá của tôi là vẫn chưa tốt. Có thể chúng ta đau lòng về từng vụ việc nhưng làm sao để ngăn chặn được tình hình đuối nước, và mỗi ngành mỗi cấp phải làm gì để ngăn chặn tình hình này thì vẫn chưa nhận thức được. Chưa kể, bản thân gia đình trong vấn đề làm sao để bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ thì chưa hẳn được chú trọng.

Thứ hai là chúng ta chưa cung cấp được những kiến thức và kỹ năng cho trẻ cũng như những người liên quan đến giữ trẻ và giáo dục trẻ biết được cần phải có những kỹ năng gì để phòng tránh đuối nước cho trẻ. Chúng ta đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm do thiếu kiến thức, kỹ năng. Đây là một lỗ hỗng trong công tác phòng, chống đuối nước ở nước ta.

Thứ ba là vấn đề đầu tư nguồn lực để thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Quan tâm có thể có nhưng vẫn đang thiếu nguồn lực, thiếu cơ sở vật chất như hệ thống hồ bơi, các điều kiện để dạy bơi cho trẻ. Rõ ràng ở nơi này, nơi kia dù đã đầu tư nhưng vẫn rất thiếu. Ngay cả ở những địa phương có điều kiện rất tốt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dù nguồn lực không thiếu nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ hệ thống hồ bơi để dạy bơi cho trẻ, cùng đó nguồn nhân lực là huấn luyện viên, giáo viên dạy bơi hiện nay còn thiếu. Đây là những nguyên nhân mà theo tôi cần có những phân tích thấu đáo để có giải pháp cụ thể.

Còn về trách nhiệm các bộ ngành, đến thời điểm này, các quy định về phân công trách nhiệm của các bộ ngành không phải không rõ. Ví dụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách về công tác trẻ em nói chung, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phụ trách lĩnh vực thể thao, Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách vấn đề giáo dục trong nhà trường. Như vậy, mỗi bộ, mỗi ngành, từng địa phương đã được phân công rất rõ ràng, cụ thể, nhưng trong quá trình thực hiện công tác phòng chống đuối nước cho trẻ thì không phải chỉ mỗi bộ, ngành hay mỗi địa phương có thể thực hiện tốt mà điều quan trọng là phải phối hợp tốt. Chính phủ đã có một chương trình phối hợp giai đoạn 2017 – 2020, 9 cơ quan đơn vị tổ chức đã tham gia vào chương trình phối hợp này. Đến nay cho thấy đã có những bước đầu thành công, nhưng theo tôi những gì chúng ta đã làm, đã triển khai vẫn chưa đúng. Do đó, cần phải có sự kiểm định kỹ hơn về trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương để làm sao làm rõ được những nguyên nhân chủ quan dẫn tới việc chúng ta vẫn chứng kiến những cái chết thương tâm như hiện nay.

(13/11/2020 16:51)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Câu hỏi tiếp theo xin dành cho ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao, với chức năng quản lý nhà nước về các hoạt động bơi lặn và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật môn bơi, trong những năm qua, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã có những biện pháp và đạt được kết quả như thế nào trong công tác phổ cập bơi và phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em?

Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục, Thể thao:

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đã triển khai rất nhiều biện pháp liên quan đến phòng chống đuối nước cho trẻ em. Trong quá trình triển khai các biện pháp, giải pháp này, chúng tôi cũng đã giao cho đơn vị quản lý của Tổng cục phối hợp với các đơn vị khác của các Bộ, ngành. Trong quá trình vừa qua, trên cơ sở thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg, ngày 8 tháng 12 năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4285 về việc phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 -2020; đồng thời phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo, triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phổ cập bơi an toàn phòng, chống đuối nước giai đoạn 2016- 2020.

Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục, Thể thao Trần Đức Phấn chia sẻ tại tọa đàm

Trong giai đoạn này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó có những thành tựu nổi bật và hạn chế tương đối rõ rệt như sau:

Thứ nhất, Bộ đã tham mưu, trình Quốc hội Khóa XIV ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Trong đó, tại khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 21 và khoản 6 Điều 22 của Luật có quy định về chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và ưu tiên phát triển môn bơi trong nhà trường; đồng thời ban hành Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19.1.2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi lặn.

Trong quá trình soạn thảo, vì là sửa đổi luật mà không phải xây dựng điều luật mới cho nên cũng có những vấn đề liên quan đến bộ ngành khác. Vì vậy, trong thời gian dài, chúng tôi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và các Ủy ban khác cũng đã sửa đổi được một số điều của Luật Thể dục, thể thao và Nghị định 36 liên quan đến luật. Hiện nay trong quá trình thực tiễn để thực thi Luật và Nghị định còn tồn tại nhiều vấn đề, vì vậy trong nhiệm kỳ tới đây, chúng tôi đề xuất sửa lại luật.

Thứ hai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan chỉ đạo 63/63 tỉnh, thành xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước hoặc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn. Các cấp chính quyền, nhà trường, các cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh dần về cơ sở vật chất, bể bơi và đẩy mạnh phong trào phổ cập bơi cho trẻ em.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại các địa phương ở đâu đó vẫn chưa quyết liệt. Trước đây, chúng tôi đã có kế hoạch triển khai dự án xã hội hóa liên quan đến lắp đặt hệ thống bể bơi để giúp cho việc phổ cập bơi nhưng gặp nhiều khó khăn dẫn tới triển khai không hiệu quả.

Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của trẻ em, các bậc phụ huynh và cộng đồng về vai trò, tác dụng của việc học bơi và học kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo đảm an toàn, nâng cao sức khỏe và phòng chữa một số bệnh tật cho trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực thế hệ trẻ Việt Nam.

Thứ tư, chúng tôi đã phối hợp tổ chức 38 lớp tập huấn cho khoảng 4.134 học viên, các địa phương tổ chức gần 3.000 lớp cho hơn 50.000 lượt học viên là công chức, viên chức, cộng tác viên, hướng dẫn viên của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; ngành giáo dục; ngành lao động, thương binh và xã hội; tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các ngành, đoàn thể liên quan.

Thứ năm, tại các địa phương cũng đã tổ chức được 56.298 lớp dạy bơi; số trẻ em tham gia học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước là trên 5.000.000 em; xây dựng mô hình “trẻ em toàn xã biết bơi” tại 701 xã, phường, thị trấn; “học sinh toàn trường biết bơi” tại 753 trường học.

Thứ sáu, Bộ đã chỉ đạo các tỉnh/thành, đơn vị, trường học vận động các nguồn lực, lắp đặt các loại hình bể bơi, hồ bơi phục vụ nhu cầu cấp bách phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra để các cơ sở, bể bơi tổ chức dạy bơi đảm bảo về mật độ, có huấn luyện viên, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn cho người tham gia bơi lặn, vui chơi giải trí dưới nước. 

Từ những nỗ lực đó, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi hằng năm tăng nhanh, tỷ lệ đuối nước trẻ em giảm rõ rệt từ con số khoảng trên 3.000 trẻ em giảm dần xuống khoảng dưới 2.000 trẻ em trong độ tuổi dưới 16 trong năm 2018 và 2019. 

Qua quá trình khảo sát tại nhiều quốc gia, chúng tôi thấy rằng, việc giáo dục thể chất ở tại các trường học các cấp từ tiểu học tới Đại học được họ triển khai rất tốt, điều này có gắn liền một phần với thể thao thành tích cao, chuyên nghiệp. Tại sao các trường thể thao Việt Nam không có sinh viên đi thi đấu Olympic, Seagame như các nước khác? Vì các nước đã gắn liến được thể thao với quá trình dạy học tại các trường, còn chúng ta chưa làm được như vậy.

(13/11/2020 17:06)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm và đưa các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em trong nhà trường thời gian qua?

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh hiện nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến UBND các tỉnh, thành phố và của toàn xã hội. Thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khoảng trên 20 văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai nhằm giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn khi tham gia bơi, lội.

Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Nho Huy chia sẻ tại tọa đàm

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực phòng chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho đội ngũ giáo viên các nhà trường, khuyến khích các nhà trường tổ chức dạy bơi cho học sinh (đối với các trường có bể bơi), nhà trường phối hợp với gia đình hướng dẫn cho các em tham gia các lớp học bơi ngoài cộng đồng… Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước để tự biết cách phòng, tránh nguy cơ đuối nước có thể xảy ra khi các em tham gia mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Vì thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp học sinh biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước, điều đó cho thấy nếu mới chỉ biết bơi thì chưa đảm bảo an toàn phòng, tránh đuối nước mà các em cần phải được trang bị các kỹ năng an toàn khác: không biết bơi thì phải làm gì, biết bơi thì phải bơi thế nào để an toàn, chỗ nào được bơi, chỗ nào không được bơi…

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu, xây dựng bộ học liệu về An toàn trường học và dự kiến ban hành trong năm 2021. Nội dung nhằm trang bị cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 các kỹ năng an toàn về phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, giáo dục để hình thành cho các em các em nhận thức đúng đắn về nguy cơ, tác hại của tai nạn đuối nước và từ đó trang bị cho các em các kỹ năng ứng xử để biết tự bảo vệ bản thân khi tham gia trong đời sống xã hội hàng ngày.

Về cơ sở vật chất tại các trường học, đặc biệt là hồ bơi rất khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy bơi ở trong nhà trường. Theo thống kê, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học, tại các trường THCS chỉ có 227 bể bơi/10.000 trường, ở cấp THPT chỉ 108 bể/2.649 trường và những trường đã có bể bơi thì họ sẽ chọn môn bơi cho trường mình.

Nhưng một vấn đề nữa, là đã có bể bơi rồi thì việc duy trì, bảo vệ, vận hành cũng rất khó khăn. Các trường tư thì duy trì rất tốt nhưng các trường công kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành bể bơi là rất eo hẹp. Các trường mà duy trì được bể bơi thì rất tốt, vậy nên tôi cũng khuyến khích việc tuyên truyền cho các bậc cha mẹ cho các em học bơi ở bên ngoài.

(13/11/2020 17:11)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi bà Nguyễn Thị Chiên, Phó vụ trưởng Vụ Thể dục- Thể thao quần chúng: Cơ sở vật chất, kinh phí triển khai Chương trình phòng chống đuối nước của Tổng cục Thể dục, Thể thao và các địa phương trong giai đoạn 2016- 2020 được đầu tư như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Chiên, Phó vụ trưởng Vụ Thể dục- Thể thao quần chúng:

Trong những năm qua, Tổng cục Thể dục, Thể thao đã có những quy định, quan tâm đầu tư cở sở vật chất, nguồn lực để ưu tiên phát triển môn bơi trong trường học. Mặc dù các cấp, các nghành và địa phương đã rất quan tâm xây dựng kế hoạch đề án để triển khai; tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước và cấp Trung ương cũng như địa phương dành cho triển khai Chương trình rất khó khăn. Nguồn lực nói chung về cơ sở vật chất cũng như bể bơi nói riêng hiện nay đang thiếu. Để khắc phục vấn đề này,  những năm vừa qua, Tổng cục Thể dục, Thể thao đã huy động sự chung tay, đóng góp của một số đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất phối hợp triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em. Điển hình có nhãn hàng Milo, Công ty TNHH Nestle Việt Nam là đơn vị đồng hành cùng Tổng cục cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chương trình “Năng động Việt Nam” một số môn thể thao trong trường học, trong đó có môn bơi và phòng chống đuối nước. Đến nay, chúng tôi đã có được các nguồn hỗ trợ cho Tổng cục tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, in ấn phát hành tranh ảnh, tài liệu và tổ chức các giải bơi cứu đuối và hỗ trợ một số địa phương triển khai Chương trình.

Phó vụ trưởng Vụ Thể dục - Thể thao quần chúng Nguyễn Thị Chiên chia sẻ tại tọa đàm

Đối với các địa phương, Các sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh có những Đề án về chương trình tai nạn thương tích nói chung và phòng chống đuối nước nói riêng. Tuy nhiên, không phải ở tỉnh nào các đề án cũng có hiệu quả thực tiễn.

Tính đến ngày 30.12.2019, chúng tôi thống kê trên cả nước có hơn 5.000 bể bơi, số bể này quá ít so với nhu cầu thực tiễn để chúng ta triển khai phổ cập bơi. Trong số đó có 1.796 bể bơi đạt chuẩn, số còn lại là bể bơi, hồ bơi đơn giản được các địa phương cải tạo từ các điểm ao hồ, sông ngòi và lắp đặt mô hình bể bơi đơn giản để dạy bơi cho trẻ em. Với điều kiện chúng ta hiện tại, cần phải linh động triển khai.

Để khắc phục tình trạng thiếu bể bơi, giai đoạn từ năm 2017-2019, Tổng cục Thể dục, Thể thao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19.1.2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi lặn, đồng thời giao cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tùy theo tình hình thực tiễn hướng dẫn các đơn vị, trường học lắp đặt các loại hình bể bơi, hồ bơi đơn giản là giải pháp trước mắt phục vụ nhu cầu cấp bách phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Nếu như thực hiện theo đúng quy chuẩn thì không thể bảo đảm được, ngay cả việc triển khai các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, chúng ta cần phải tận dụng điều kiện thực tế trên địa hình để có biện pháp hướng dẫn cụ thể.

(13/11/2020 17:17)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Quảng Bình là một tỉnh nằm ở phía Bắc Trung Bộ với gần 120km bờ biển, có hệ thống sông suối khá lớn với mật độ 0,8-1,1km/km2. Thời gian vừa qua, mưa bão càn quét gây thiệt hại nặng nề cho dải đất miền Trung nghèo khó, trong đó có Quảng Bình. Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh Quảng Bình, địa phương thường xuyên gặp bão lũ. Vậy ông có thể cho biết tình hình phòng, chống đuối nước trẻ em tại tỉnh thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:

Quảng Bình là địa phương có địa hình đa dạng, phức tạp, nghiêng từ Tây sang Đông, dẫn đến khi mưa nước dồn về nhanh, nảy sinh nhiều sông hồ. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng có bờ biển dài 160km, các sông với lòng sông rộng sâu, có chỗ nước xoáy, chảy mạnh. Chính vì thế phát sinh nhiều yếu tố dẫn đến thiệt hại về về cơ sở vật chất và con người, trong đó có nhiều trẻ em bị đuối nước. Nguyên nhân chính là, ở các dòng sông nước chảy xiết thường gây tai nạn. Giữa vùng biển và sông có vùng nước xoáy, rất nhiều trường hợp đi tắm ở bờ biển gần bờ sông rất dễ bị đuối nước. Ngoài ra, ý thức của người dân còn chủ quan, có nhiều trẻ em ở gần bờ sông, bờ biển sẽ biết bơi sớm. Nhiều trẻ em tự ý ra bờ biển, bờ sông bơi nên cũng dễ đuối nước, thậm chí có những trường hợp nhiều người trong một gia đình chết do đuối nước.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ tại tọa đàm

Để phòng, chống đuối nước, đã có chủ trương của Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chính vì thế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Bình vận động tất cả người dân và tất cả các cơ quan cùng thực hiện. Ngay TP Đồng Hới có nhiều bể bơi, mùa hè có nhiều trẻ em đến để học bơi. Nhiều trường học cũng đã có bể bơi. Tuy vậy, có nhiều trường học mặc dù có bể bơi nhưng chỉ hoạt động được một thời gian. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chủ trương vận động, tập huấn, kêu gọi, yêu cầu để thực hiện truyền thông giáo dục, phối hợp với Hội chữ thập Đỏ để mở các lớp bơi, nhưng thực ra mà nói Quảng Bình là tỉnh có trẻ em chết đuối rất nhiều. Trong 5 năm từ năm 2016 – 2020, có 140 trẻ em bị đuối nước, năm nhiều nhất là 46 trẻ, và năm ít nhất là năm 2020 với 10 tháng đầu năm có 22 trẻ bị chết đuối. Sự cố gắng, vào cuộc của các cơ quan chức năng và  một số trường học làm cho học sinh, trẻ em biết bơi nhiều hơn nhưng đến bây giờ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

(13/11/2020 17:19)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Xin bà cho biết những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước trong những năm qua?

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo của Quốc hội, công tác phòng chống tai nạn đuối nước đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2010, số trẻ em tử vong do đuối nước là 3.300 nhưng đến giai đoạn hiện nay còn hơn 2.000 trẻ bị đuối nước. Tuy tình trạng tử vong do đuối nước đã giảm nhưng vẫn còn cao so với các nước trong khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước thu nhập cao.

Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Vũ Thị Kim Hoa chia sẻ tại tọa đàm

Giai đoạn vừa qua, công tác phòng chống đuối nước trẻ em đã có được sự phối hợp rất chặt chẽ từ các bộ, ngành. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan điều phối triển khai chương trình phòng chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em. Ngay sau khi Quyết định 234 được ban hành, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu để có văn bản chỉ đạo địa phương, bộ, ngành.

Đặc biệt, đối với công tác phòng chống đuối nước, Bộ đã tham mưu và làm việc với các bộ, ngành ký kết hiệp định liên ngành và giao nhiệm vụ cụ thể trách nhiệm từng bộ, ngành ký kết. Với việc dạy bơi, quản lý an toàn các khu dạy bơi và vui chơi giải trí dưới nước thì giao cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Liên quan đến vấn đề giao thông đường thuỷ giao cho Bộ Giao thông, vận tải; vấn đề về sơ cấp cứu giao Bộ Y tế. Vấn đề về tai nạn đuối nước trong trường học giao Bộ Giáo dục – Đào tạo. Ngoài ra, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tham gia chủ trì và điều phối hoạt động này triển khai công tác truyền thông, huy động nguồn lực và chính sách cũng như phối hợp với các bộ liên quan để có tài liệu hướng dẫn các kỹ thuật liên quan đến phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Thời gian qua, các bộ, ngành đã có sự phối hợp rất nhịp nhàng. Đơn cử, năm vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thể dục, Thể thao ban hành tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn hoàn toàn tiếp cận theo kinh nghiệm quốc tế và các em từ 6 đến 15 tuổi tham gia khoá dạy bơi trong 16 buổi. Khi các em kiểm tra và đạt kết quả tốt thì các em đã có kỹ năng tự cứu mình khi rơi vào môi trường nước. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng bộ tài liệu kỹ năng an toàn khi đuối nước để triển khai công tác này. Đồng thời xây dựng “Ngôi nhà an toàn” và hiện nay đã có 6.000.000 ngôi nhà an toàn. Bộ Giáo dục- Đào tạo xây dựng chương trình “Trường học an toàn”,… Các bộ, ngành, địa phương cũng chủ động cắm các biển báo, rào an toàn. Đặc biệt, số trẻ em đuối nước dưới 15 tuổi khá cao. Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo địa phương triển khai các mô hình làm thế nào để các bà mẹ cho con mình bảo đảm kỹ năng. Cùng với đó, các tổ chức quốc tế và quỹ từ thiện cũng đã hỗ trợ Việt Nam nhiều trong việc dạy bơi an toàn và hỗ trợ các địa phương lắp đặt bể bơi và cải tạo môi trường. Bên cạnh nguồn lực Nhà nước thì vai trò của địa phương, việc cha mẹ làm thế nào để đưa con đi học bơi cũng không kém phần quan trọng; làm thế nào để trẻ em nghèo cũng được dạy bơi, học kỹ năng an toàn.

Để thực hiện công tác phòng chống đuối nước trong giai đoạn tiếp theo 2021 – 2030, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu với Thủ tướng Chính phủ đưa vấn đề về phòng chống đuối nước trẻ em tiếp tục nằm trong chương trình Phòng chống tai nạn thương tích 2021 – 2030. Hiện nay chương trình đang được lấy ý kiến ở các bộ, ngành và trong năm 2020 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Về các nguồn lực phòng, chống tai nạn đuối nước nói chung, theo quy định các bộ, ngành khi triển khai nhiệm vụ, bản thân các bộ, ngành sẽ phải xây dựng kế hoạch cũng như đưa vào kế hoạch ngành mình sắp xếp kinh phí triển khai.

Đối với địa phương, hiện nay, trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp cũng phải quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện công tác này. Giai đoạn vừa qua, kết quả 63/63 tỉnh triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước trẻ em, tuy nhiên vẫn chưa đồng đều. Với các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nguồn lực khá cao. Song, cũng có các tỉnh miền núi và vùng khó khăn có nguồn lực hạn hẹp nên rất cần sự huy động từ cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức trong nước và quốc tế.

(13/11/2020 17:21)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Khó khăn trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Theo tính toán, tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống trong môi trường an toàn của trẻ.

Trong bối cảnh đó, công tác phòng chống đuối nước tại Việt Nam vẫn còn những thách thức không nhỏ. Đó là tình trạng nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội với nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em ở các địa phương còn rất hạn chế. Sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, những người chăm sóc trẻ đặc biệt là vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm. Ở các cơ sở giáo dục hay các địa phương thiếu hướng dẫn viên dạy bơi, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học bơi. Kỹ năng của các em trong phòng ngừa, bảo vệ mình trước các nguy cơ, trong đó có nguy cơ tai nạn đuối nước còn thấp, trong khi môi trường sống lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

(13/11/2020 17:27)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Được biết, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg, ngày 8 tháng 12 năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4285 về việc phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 -2020. Xin ông cho biết những khó khăn khi triển khai Chương trình và đâu là điều khó khăn nhất khi thúc đẩy vấn đề này?

Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục, Thể thao:

Những khó khăn trong triển khai Chương trình của ngành Thể dục, thể thao có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi thấy có nhưng nguyên nhân cơ bản sau:

Về nhận thức, đối với các cấp lãnh đạo của các đơn vị, từ nhà trường đều nhận thức được tầm quan trọng của phòng chống đuối nước ở trẻ em, tuy nhiên vẫn còn có một số bộ phận coi nhẹ điều này, chính là các cộng đồng dân cư và trong mỗi gia đình. Khi chúng tôi khảo sát nhỏ về các vận động viên của chúng tôi, trong đó có những vận động viên chỉ 5-6 tuổi ở bộ môn thể dục dụng cụ, các môn khác ở lứa tuổi 8-9-10, các cháu đều nói rằng tại gia đình cũng không ai động viên hay dạy bảo các cháu về phòng chống đuối nước.

Tuy nhiên, tôi thấy việc nhận thức vẫn chưa quan trọng bằng việc không đáp ứng được cơ sở vật chất. Vì chỉ khi có đầy đủ cơ sở vật chất, cụ thể là có bể bơi, thì mới có thể tác động bằng truyền thông, tác động bằng hình thức này, hình thức khác để các gia đình cho con đi tập bơi từ lúc nhỏ. Nhưng nếu không có đủ cơ sở vật chất, thì các gia đình không thể nào cho con đi tập bơi. Ví dụ như ngay tại Hà Nội, trong mùa hè việc cho con đi tập bơi còn khá đơn giản, nhưng nếu là mùa đông thì cả một vấn đề.

Thứ hai, đối với các đồng bào ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. Trẻ em ở các vùng này không những thiếu sự quản lý, trông coi, giám sát của gia đình mà bản thân các em phải đi làm, đi học trong môi trường tiểm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Ngoài ra, trước đây khi tôi khảo sát tại Bắc Kạn, có rất nhiều vấn đề tại địa phương rất khó để xử lý. Với địa hình chủ yếu là đồi núi, dốc đèo rất nhiều, để có thể cho các cháu có được bể bơi để tập thì rất khó, chỉ có theo “thiết chế”, bắt buộc phải xây dựng bể bơi cho các cháu thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Vì vậy, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì lại càng khó khăn.

Thứ ba, là sự phối hợp giữa liên ngành với nhau cùng còn nhiều điều phải trao đổi. Phải đưa vấn đề phòng, chống đuối nước ở trẻ em vào một “thiết chế” nào đó để chúng ta phải coi vấn đề này là vấn đề sống còn của trẻ em.

Thứ tư, mặc dù thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương rất tích cực vận động các nguồn xã hội hóa đầu tư kinh phí xây lắp bể bơi tại các xã, phường, trường học. Tuy nhiên, tổng số bể bơi trên toàn quốc chưa đáp ứng được yêu cầu về phổ cập bơi, số bể bơi được đầu tư xây lắp tại các trường học rất ít. Hoặc các trường học đã vận động xã hội hóa đầu tư kinh phí xây lắp bể bơi nhưng chưa có quy định và cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với các trường học tổ chức dịch vụ dạy bơi cho trẻ em nên lãnh đạo nhiều trường phổ thông không mạnh dạn phối hợp triển khai thực hiện.

Thứ năm, một số đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp liên ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Công tác phối hợp rà soát môi trường sống tại gia đình, trường học và cộng đồng để kịp thời phát hiện, cải tạo và cắm biển báo những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước chưa thực hiện tốt nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác truyền thông.

(13/11/2020 17:35)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi ông Nguyễn Nho Huy, khó khăn nhất của các trường học hiện nay khi tổ chức dạy bơi cho học sinh?

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Như báo cáo của Tổng cục Thể dục Thể thao, toàn quốc hiện nay có trên 5.000 bể bơi các loại, trong đó số bể bơi được đầu tư xây lắp tại các trường học tiểu học chỉ có 675 bể bơi/14.232 trường, chiếm tỷ lệ 0,047 bể bơi/trường học; tại các trường cấp THCS có 227 bể bơi/10.487 trường, chiếm tỷ lệ 0,021 bể bơi/trường học; các trường cấp THPT có tổng số 108 bể bơi/2.649 trường, chiếm tỷ lệ 0,4 bể bơi/trường. Như vậy, có thể thấy rõ, khó khăn nhất hiện nay của các trường học hiện nay khi tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Trước thực trạng trên, trong giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo  phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn triển khai phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trên tất cả các trường Tiểu học, THCS; đồng thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị, trường học đã có bể bơi chủ động tổ chức dạy bơi, hướng dẫn các trường học liên kết với các trung tâm thể dục thể thao, các bể bơi trên địa bàn tổ chức dạy cho trẻ em, học sinh về kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước và thực hành cứu đuối an toàn.

(13/11/2020 18:02)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Nhận thức của một số gia đình, cộng đồng về nguy cơ và tác hại của tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao và bể bơi, hướng dẫn viên ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng sâu vùng xa rất khó khăn, trong khi đó trẻ em ở các vùng này không những thiếu sự quản lý, trông coi giám sát của gia đình mà bản thân các em phải đi làm, đi học trong môi trường tiểm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Từ góc nhìn thực tiễn cơ sở, xin ông Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ về những khó khăn trong thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em Quảng Bình thời gian qua?

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:

Khó khăn lớn nhất của tỉnh Quảng Bình là có địa bàn đa dạng, phức tạp, đặc biệt khi có biến đổi về khí hậu, lũ lụt thì nguy cơ đuối nước ở trẻ lại càng lớn. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc cho con mình đi học bơi và tránh nguy hiểm về đuối nước vẫn chưa được chú ý. Công tác quản lý của gia đình, nhà trường đối với con em, học sinh trong và ngoài trường học cũng còn hạn chế, việc dạy bơi trong trường học cũng chưa thực sự được chú trọng… Ngoài ra, trẻ cũng chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay không chỉ Quảng Bình mà cả nước, việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn, điều kiện vật chất còn hạn hẹp. Hệ thống tổ chức bộ máy của các thầy cô giáo để đầy đủ, hướng dẫn cho học sinh, nhất là các trung tâm ở tỉnh, huyện còn về xã thì rất khó.

(13/11/2020 18:05)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Câu hỏi tiếp theo xin dành cho bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Thưa bà, những khó trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em bắt nguồn từ quy định pháp luật hay điều kiện vật chất? Biện pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em là gì?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Như ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo Tổng cục Thể dục, Thể thao, rõ ràng có nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện, giữa quy định pháp luật và nguồn lực cơ sở vật chất. Nhưng yếu tố nào quan trọng hơn thì tôi nghĩ là cả hai. Nguyên nhân này là xuất phát từ cả hai phía. Về hệ thống pháp luật, chúng ta đang dần hoàn thiện, ví dụ như Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Luật Thể thao 2018, rõ ràng chúng ta đa có sự quan tâm để đưa thành các quy định. Tuy nhiên, khi các luật này đi vào thực tiễn thì mới bắt đầu phát sinh vướng mắc, đơn cử như những quy định chung chung khi triển khai là rất khó, cùng với đó chúng ta đang phải chờ đợi những văn bản dưới luật và những văn bản dưới luật lại liên quan nhiều quy định mà nếu thiếu cụ thể thì tất cả chỉ ở trên giấy chứ không phải triển khai thực tế.

Nếu chỉ điểm tên những luật và những văn bản dưới luật để tự hào rằng chúng ta có hệ thống pháp luật đầy đủ và vững chắc thì chưa thể yên tâm. Do đó, phải tiếp tục rà soát và điều chỉnh để những quy định về mặt pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em và phòng chống ta nạn thương tích, cũng như phòng chống đuối nước cho trẻ em phải cụ thể hơn. Đồng thời, tôi cũng quan tâm đến vấn đề chế tài. Chúng ta đặt ra nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm nhưng nếu không thực hiện thì chế tài như thế nào. Việc địa phương này thực hiện, địa phương kia không thực hiện thì chế tài xử lý như thế nào thì chưa rõ. Tôi rất muốn chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các chế tài, quy định để gắn trách nhiệm, trong đó trách nhiệm của từng bộ, từng ngành, từng địa phương và rất rõ trách nhiệm ở cơ sở, cộng đồng, làng xã và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Chỉ có như vậy mới thực hiện được.

Tôi cũng đồng ý với các đại biểu rằng, nếu chúng ta chỉ truyền thông thay đổi nhận thức, mà không đi kèm với việc đủ nguồn lực, các điều kiện bảo đảm gồm cơ sở vật chất, hệ thống bể bơi, cũng như nguồn nhân lực để thực hiện các hoạt động này thì rõ ràng không thể nào biến nhận thức đó thành hành động được. Chính vì vậy, cần phải song song cả hai nhiệm vụ trên và về lâu dài chắc chắn phải đầu tư hệ thống bể bơi hợp quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm vệ toàn cho trẻ em học bơi thì mới đạt. Nhưng trước mắt, chúng ta quay trở lại dựa vào những thứ đã có sẵn, đó là hệ thống sông ngòi kênh rạch có thể quây lại để thành nơi có thể dạy bơi cho trẻ. Ví dụ, cô Sáu ở Đồng Tháp là 1 trong 100 phụ nữ được thế giới vinh danh khi trong gần 20 năm đã dạy bơi miễn phí cho 2.000 trẻ em. Bắt đầu từ việc khoanh vùng một cái kênh, sau đó các nhà tài trợ đã đầu tư cho một số bể bơi nhân tạo và bà đã miệt mài dạy bơi. Tôi biết, ngoài cô Sáu, ở Đồng Tháp rất nhiều người ở cộng đồng đang dạy bơi cho trẻ. Có lẽ chúng ta phải xã hội hoá hình thức này. Không phải theo nghĩa không phải cứ doanh nghiệp đầu tư, mà là huy động ngay những người ở cộng đồng biết dạy bơi cho trẻ.

Ngoài ra, chuẩn bị cho giai đoạn 2021 – 2025 trong việc xây dựng kế hoạch, chi tiêu ngân sách cần phải có quan điểm, ý kiến hoặc là sự giám sát chặt chẽ trong việc các địa phương, các bộ ngành đã đầu tư cho việc xây dựng ngân sách cho giai đoạn tới liên quan đến công tác trẻ em, liên quan đến công tác phòng chống thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em. Tôi rất mong, hôm nay có đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – cơ quan đầu mối cho việc này, cần phải quan tâm và cần giám sát, thậm chí “rung chuông” cho đơn vị nào chưa quan tâm.

Còn về phía Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, năm 2014 Uỷ ban đã có cuộc giám sát về việc triển khai thực hiện về phòng chống tai nạn thương tích, sau 6 năm theo tôi đã đến lúc Ủy ban trong những năm tới phải quay trở lại giám sát vấn đề này để thấy được thời gian qua đã thay đổi như thế nào.

(13/11/2020 18:11)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Phòng chống đuối nước trẻ em- Câu chuyện không phải một sớm một chiều

Những năm qua, hoạt động dạy bơi cho trẻ đã phát triển trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc không biết thế nào được coi là biết bơi. Một số người cho rằng chỉ cần bơi được vài chục mét là biết bơi, hoặc có người hiểu đơn giản xuống nước không bị chìm là biết bơi. Để an toàn trong môi trường nước thì biết bơi thôi là chưa đủ, mà còn biết thực hành thành thạo các kỹ năng an toàn để tự cứu mình trước những tai nạn rủi ro. 

(13/11/2020 18:13)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi bà Nguyễn Thị Chiên, bà có thể cho biết giải pháp thực tiễn phù hợp ở với điều kiện, hoàn cảnh khác nhau ở từng địa phương để dạy trẻ biết bơi?

Bà Nguyễn Thị Chiên, Phó vụ trưởng Vụ Thể dục- Thể thao quần chúng:

Để có thể đạt kết quả triển khai phổ cập bơi trong giai đoạn tới, Vụ Thể dục thể thao quần chúng sẽ tham mưu cho Tổng cục Thể dục Thể thao những giải pháp trên cơ sở kế thừa những tính tích cực và hiệu quả của những nhiệm vụ trong giai đoạn vừa rồi, đồng thời sẽ xây dựng và đề xuất triển khai những phương pháp, nội dung dướng dẫn các địa phương làm sao để bảo đảm tính toàn diện cho trẻ em bao gồm 2 yếu tố.

Thứ nhất, về phòng chống đuối nước, tiếp cận kỹ năng của các tổ chức, hiệp hội, khu vực hoặc Chính phủ về cách thức phòng chống đuối nước. Nhưng với Ngành Văn hoá, Thể thao – Du lịch phải hướng tới toàn diện. Ngoài chống đuối nước còn cần phát triển về thể chất, thể lực cho các em và đặc biệt bộ môn bơi là bộ môn đặc thù cân đối thể lực, ý chí tuyệt vời cho trẻ em.

Thứ hai, khắc phục tình trạng đuối nước tập thể và chúng ta phải học bơi thế nào để không chỉ giỏi về kỹ thuật mà còn học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, và kiến thức bận dụng được với các đơn vị không có bể vẫn tham gia được. Với điều kiện vật chất hiện nay, rõ ràng rất nhiều gia đình có thể cho con học bơi được 25m với 16 buôit, như vậy các con mới có kỹ năng ban đầu  cho học bơi. Khi các con rơi xuống nước mất bình tĩnh sẽ rất khó giữ an toàn. 

Thứ ba, việc khắc phục bể, như vừa nêu, chúng tôi hy vọng các con không chỉ có kiến thức về bơi cơ bản mà còn tạo điều kiện để các con học bơi thường xuyên, phát triển toàn diện.

Trong năm 2019 – 2020, chúng tôi đã triển khai thí điểm áp dụng chương trình dạy bơi mới. Trước đây chúng ta chỉ quan tâm tới việc dạy kỹ thuật nhưng hiện tại đang triển khai chương trình rất toàn diện về cả kiến thức, lý thuyết và kỹ năng. Với người học bơi ban đầu, kỹ năng chưa bảo đảm nên chúng tôi đã chia ra theo lộ trình với mong muốn có các cấp bậc học bơi ban đầu, rồi nâng lên từng cấp độ. Những năm tới chúng ta sẽ đánh giá lại xem kết quả chương trình này tới đâu và chọn ra nội dung chương trình phù hợp nhất cho từng lứa tuổi, từng vùng cụ thể. Sau đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Tổng cục là văn bản hướng dẫn hay thông tư để đặt ra tiêu chí đánh giá trẻ biết bơi để một số trường hợp sẽ dùng để xét trình độ hay điều kiện ra trường ở cấp phổ thông cơ sở,… Như vậy, chúng ta cần có văn bản cụ thể để quy định một cách thống nhất.

Để triển khai hoạt động bơi, phòng chống đuối nước, chúng tôi sẽ số gắng sớm hoàn thành bộ tài liệu để ấp dụng nâng cao hiệu quả việc dạy bới theo từng điều kiện. Cụ thể, điều kiện ở đây được nhìn dưới ba góc độ.

Thứ nhất, là nơi có điều kiện vật chất đầy đủ, bảo đảm. Còn đối với những nơi chưa có điều kiện, trước mắt chúng ta cần tằn cường phổ cập kiến thức, kỹ năng trên cạn thông qua các trò chơi giúp các con hình dung được.

Thứ hai, về đặc thù, ngoài kiến thức cơ bản thì đối với miền núi sạt lở, lũ quét lại cần kỹ năng riêng, dạy cho các con phải xử lý như thế nào. Phải có tài liệu chuyên sâu trên cơ sở thực tiễn, chú trọng phối hợp công tác triển khai ở từng địa phương; liên kết hài hoà với hoạt động, chỉ đạo của Bộ, ngành để mang lại hiệu quả cao hơn.

 

(13/11/2020 18:16)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi ông Nguyễn Ngọc Phương: Quảng Bình dành cho chương trình đuối nước sự quan tâm như thế nào? Theo ông, cơ quan nào ở địa phương có vai trò chính trong triển khai chương trình trong giai đoạn tới?

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:

Tọa đàm hôm nay là động lực hết sức quan trọng để thúc đẩy, đưa lên giải pháp, kiến nghị về phòng chống đuối nước cho trẻ em thành hiện thực. Đối với tỉnh, việc đầu tiên để có hiệu quả là phải có Nghị quyết, chủ trương của Chính phủ, cụ thể hóa từng Bộ ngành liên quan, mà cụ thể là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục- Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cụ thể, Bộ Giáo dục- Đào tạo phải đưa chương trình dạy bơi vào chương trình phổ thông, tùy theo mức học và tuổi của các học sinh tương ứng với từng cự ly bơi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có hướng dẫn huấn luyện về bơi, huấn luyện phòng chống đuối nước như thế nào, hạn chế trường hợp cứu người đuối nước sau đó cũng bị đuối nước theo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có quy định từng tỉnh để tỉnh có giải pháp chỉ đạo, từ đó chỉ đạo xuống từng huyện, xã. Ở tất cả các trường học không bao giờ có đầy đủ bể bơi và huấn luyện bơi. Cho nên phải có quy định tất cả các huyện phải có trung tâm bơi, từng xã quy định có ít nhất 1 bể bơi, tạo điều kiện và khuyến khích cho các em học bơi. Xã có bể bơi chung khuyến khích các em học bơi.

(13/11/2020 18:16)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Xin được hỏi ông Nguyễn Nho Huy, vai trò các bậc phụ huynh và Nhà trường trong việc khuyến khích trẻ em học bơi an toàn, phòng chống đuối nước như thế nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo làm gì để xây dựng chương trình dạy bơi an toàn cho học sinh? 

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Để xây dựng chương trình dạy bơi an toàn cho học sinh, đầu tiên phải có cơ sở vật chất tốt sẽ tác động rất lớn đến tư tưởng của giáo viên học sinh. Khó khăn thứ hai là về giáo viên, nếu chỉ dựa vào đội ngũ giáo viên cũ, thể chất toàn diện rất nhiều môn và chưa chắc đã có kỹ năng về bơi an toàn, dù đã có những chương trình tập huấn thường xuyên nhưng nhìn chung vẫn yếu.

Về trách nghiệm của nhà trường, tôi cho rằng, nhà trường có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo cho trẻ em phát triển toàn diện, trong đó giáo dục thể chất và hoạt động thể thao ngoại khóa giúp các em nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, hoàn thiện nhân cách. Môn bơi được hệ thống giáo dục của tất cả các quốc gia đều đặc biệt ưu tiên, bởi dạy môn bơi còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc giáo dục cho học sinh các kỹ năng sinh tồn để các em biết tự bảo vệ chính mình, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, an toàn, lành mạnh.

Việc đưa môn bơi lội vào trường học tiểu học nhằm từng bước phổ biến, hướng dẫn cho các em kiến thức, kỹ năng bơi ban đầu hướng tới phát triển kỹ năng bơi an toàn và thực hành thành thục kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bởi vậy, tạo điều kiện cho trẻ em học bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong các trường tiểu học, trung học cơ sở là trách nhiệm của nhà trường, của ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong điều kiện các đơn vị, trường học còn khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, bể bơi như hiện nay, gia đình, nhà trường có trách nhiệm  phối hợp, liên kết đưa con em đi học bơi ở bất kỳ cơ sở hoạt động bơi lội, trung tâm văn hóa, thể thao nào trên địa bàn miễn sao các em được học môn bơi, học kỹ năng phòng chống đuối nước.

Gia đình có vai trò quan trọng đối với việc khuyến khích trẻ em học bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Bởi vì, một trong những nguyên nhân chính là do trẻ em chưa biết bơi an toàn và do thiếu ý thức cảnh giác, thiếu sự quan tâm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục các con về vấn đề này. Vì vậy, để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, bên cạnh việc hướng dẫn cho trẻ em hiểu biết về sự nguy hiểm của môi trường nước dễ gây ra chết ngạt, cảm lạnh, chấn thương, gia đình còn có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình được học bơi để có khả năng sinh hoạt trong môi trương nước được tự tin và an toàn. Cụ thể, các bậc phụ huynh bố trí đưa đón con đi bơi, đầu tư học phí cho con học bơi, gương mẫu tích cực học bơi, thường xuyên động viên, khuyến khích cho con luyện tập môn bơi.

Để xây dựng một môi trường bơi an toàn cho mọi lứa tuổi học sinh, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Về chương trình chính khóa, chúng tôi đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với môn bơi nằm trong chương trình giáo dục thể chất. Chúng tôi cũng ban hành và xây dựng để đào tạo bơi lội trong một số hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao để tổ chức đào tạo giáo viên, học sinh nhằm mang lại kỹ năng bơi an toàn cho các em. Trong năm 2021 chúng tôi sẽ rà soát lại để có một chương trình dạy bơi vừa an toàn, vừa phòng tránh tai nạn thương tích phù hợp với học sinh từng vùng miền. 

(13/11/2020 18:21)

Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng

Trong những năm qua, Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em của ngành Văn hóa, thể thao và Du lịch nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các Bộ, ngành liên quan, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng nhằm hướng tới mục tiêu giúp người dân và trẻ em phòng chống tai nạn đuối nước, có môi trường sống lành mạnh, an toàn. Thực hiện quy định trong Luật Thể dục, thể thao năm 2018, đặc biệt là qua 5 năm thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành đều triển khai kế hoạch, (đề án) Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước hoặc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn; Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội; Tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi hằng năm tăng nhanh, tỷ lệ đuối nước trẻ em giảm rõ rệt từ con số khoảng trên 3.000 trẻ em giảm dần xuống khoảng dưới 2.000 trẻ em trong độ tuổi dưới 16 trong năm 2018 và 2019. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai Chương trình như: Nhận thức của một số gia đình, cộng đồng về nguy cơ và tác hại của tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT và bể bơi, hướng dẫn viên ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng sâu vùng xa rất khó khăn, trong khi đó trẻ em ở các vùng này thiếu sự quản lý, trông coi giám sát của gia đình; Kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em của một số tỉnh/thành còn chung chung, chưa cụ thể, chưa được quan tâm đầu tư các nguồn lực đúng mức...; Cơ sở vật chất, sân bãi, nhà tập, dụng cụ phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí của thanh thiếu nhi, học sinh còn rất thiếu. 

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp triển khai Chương trình cho giai đoạn 2021- 2030 từ góc độ quy định pháp luật đến các giải pháp về quản lý và thực tiễn thực hiện. Qua đó, giúp việc triển khai Chương trình phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe và phòng chữa một số bệnh tật cho trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực thế hệ trẻ Việt Nam.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐBND