Văn hóa truyền thống trong đường nét thổ cẩm

- Thứ Tư, 22/12/2021, 10:36 - Chia sẻ
Thật thú vị khi ngắm nghía những tấm thổ cẩm của bà con các dân tộc thiểu số, bạn có thể nhận ra dáng hình quen thuộc nhưng ẩn chứa trong đó là những câu chuyện riêng với ý nghĩa văn hóa vô cùng đặc sắc. Bài viết này giới thiệu một số hoa văn trên trang phục người Thái.
	Hoa văn con chim
Hoa văn con chim

Tưởng nhớ nguồn gốc

Họa tiết con chim (hay tô mộc) khởi nguồn từ người Thái đến Mai Châu sinh sống, lập nghiệp và gắn với truyền thuyết được lưu truyền từ bao đời nay. Ngày ấy, có ba anh em nhà nọ khi đến tuổi trưởng thành đã ra đi tìm nơi lập nghiệp. Nhưng qua bao vùng đất mà vẫn chưa tìm được nơi phù hợp. Khi đi đến ngã ba sông Đà, cả ba bỗng nhìn thấy một đàn chim trắng muốt bay ra từ phía Mai Châu. Tất cả vui mừng nghĩ rằng “đất lành chim đậu”, đoán đây là nơi vùng đất trù phú, đất đai phì nhiêu, nguồn nước dồi dào phù hợp để an cư lạc nghiệp.

Vậy là, cả ba chia nhau ra khai hoang và tạo lập bản làng. Người anh hai đi thẳng đến Mai Châu - Hòa Bình, anh cả tiến về phía Mộc Châu - Sơn La, còn em út xuôi xuống Bá Thước - Thanh Hóa. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà người Thái ở 3 nơi này có những nét văn hóa tương đồng nhau.

Họa tiết con chim trên cạp váy người Thái vùng Mai Châu vừa là một nét độc đáo riêng vừa là để tưởng nhớ đến nguồn gốc xa xưa.

Nỗi lòng người mẹ

Khi nhìn vào mặt chăn hay khăn trải bàn của người Thái, chỉ cần tinh mắt một chút là bạn có thể nhìn thấy dáng hình con khỉ được bà con cách điệu dệt vô cùng tỉ mẩn bằng chỉ đen trên nền trắng.

Cũng như bao hoa văn khác, hoa văn con khỉ mang giá trị riêng đầy tính biểu tượng, thể hiện nhân sinh quan và thế giới quan của người Thái. Họa tiết ấy được chị em người Thái dệt nên để thể hiện tình yêu thiết tha của người mẹ đối với người con.

Câu chuyện bắt nguồn từ thuở xa xưa khi một năm trời hạn hán khiến cả bản Thái rơi vào cảnh cùng cực, đói mòn. Một gia đình nọ có đứa con nhỏ vốn đã nghèo nay gặp cảnh đói, không có gì cho con ăn. Đứa con vì đói nên khóc suốt, người mẹ thương con quá liền đi nương, mót thóc lấy gạo nấu cơm cho con ăn. Đứa con chờ mãi, không thể chịu đựng được, đã cố gắng với tay vào chõ cơm, nhưng chẳng may lại nhúng tay vào thùng nước sôi nhuộm vải, chân tay người con bỗng mọc lông lá, biến thành khỉ chạy vào rừng. Vì thương nhớ con, người mẹ đã dệt hình hài con khỉ trên những tấm thổ cẩm của mình.

Tấm lòng hiếu thảo

Chuyện kể xưa có đôi vợ chồng nhà nông nghèo mà hiếm con. Một hôm người vợ ra suối xúc cá, đi cả buổi mà xúc lần nào cũng chỉ được một quả trứng như trứng vịt. Bà mang trứng về cho gà ấp, sáng hôm sau trứng nở ra một con rồng nhỏ. Bà thả nó vào cối giã gạo. Nước bỗng dâng lên ngập cối, ông chồng phải mang rồng con ra suối thả, nhưng nó không ở lại mà cứ đi theo ông về nhà. Từ đó, cứ mỗi lần ông đi đâu là nó đi theo. Ông bà thương nó, gọi nó là con.

		Hoa văn cây boọc bên
Hoa văn cây boọc bên

Một hôm, ông đang khai hoang ruộng, vô tình cuốc phải đuôi làm nó bị cụt đuôi. Khi giặc đến xâm lược, rồng xin bố mẹ cho đi đánh giặc. Dù rất thương “con” nhưng vì đất nước, ông bà vẫn cho rồng đi. Khi đi, rồng dặn rằng không được nhắc tên nó nhưng bố mẹ nhớ quá vẫn nhắc. Giặc biết được bèn bắt và đánh chết rồng. Người bố thương, bèn đóng quan tài và mang rồng về Mai Châu chôn cất. Từ đó, cứ đến mùa nước to, rồng muốn báo hiếu cha mẹ nên gửi hàng đàn cá lớn về. Người Thái Mai Châu lưu truyền câu chuyện này và dệt hoa văn con rồng cụt đuôi.

Hình ảnh con rồng giàu chất trang trí đăng đối, bố cục chặt chẽ được người dân cách điệu dệt để nhớ đến cậu bé rồng có tấm lòng hiếu thảo. Hoa văn con rồng thường được dệt ở cạp váy người phụ nữ.

Luôn bảo vệ đồng bào Thái trắng

Từ rắn chắc đến mềm mại, từ hữu hình đến biểu tượng - đó là những cặp từ có thể sử dụng để mô tả sự xuất hiện của cây phay (boọc bên) trong đời sống bà con người Thái trắng.

Thật không ngoa khi nói rằng cây boọc bên dành cả cuộc đời của mình để bảo vệ bà con người Thái trắng. Với sức mạnh và sự bền bỉ, cây boọc bên hóa thân thành cọc nhà và nâng bổng ngôi nhà khỏi tầm của thú dữ. Và khi một người qua đời, thân cây biến thành quan tài - được phủ tấm vải có hoa văn hình hoa boọc bên - và bao bọc người đã khuất trên hành trình vô tận của mình.

Bà con kể rằng, hoa văn này còn là dấu hiệu cho thấy trong gia đình có con gái hay con dâu rất khéo tay.

Hoa văn cây boọc bên thường được thấy ở mặt chăn hay mặt đệm của người Thái trắng.

Bài và ảnh: Chie