Thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo tại Bạc Liêu

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer

- Thứ Tư, 22/12/2021, 10:07 - Chia sẻ
Những năm qua, Bạc Liêu luôn chú trọng đến công tác dân tộc và tôn giáo. Các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được triển khai thực hiện hiệu quả. Vì thế, đời sống của đồng bào Khmer ở đây có nhiều đổi thay, phát triển, diện mạo vùng đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc.
	Những con đường bê tông mang đến sức sống mới cho xóm làng đồng bào dân tộc Khmer
Những con đường bê tông mang đến sức sống mới cho xóm làng đồng bào dân tộc Khmer

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh

Bạc Liêu có gần 16.000 hộ, với trên 69.700 nhân khẩu là người dân tộc Khmer, chiếm khoảng 7, 8% số hộ dân trong tỉnh. Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh được phân bổ gần 30 tỷ đồng từ Chương trình 135 của Chính phủ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 10 xã và 41 ấp đặc biệt khó khăn. Tỉnh cũng đã giải ngân gần 20 tỷ đồng theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để giúp hơn 4.000 hộ Khmer có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính, đồng bào Khmer cũng được ưu tiên chuyển giao khoa học kỹ thuật, kéo điện lưới quốc gia, nước sạch hợp vệ sinh để phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất.

Tỉnh cũng đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong 2 năm 2020 - 2021, tỉnh đào tạo nghề cho hơn 3.000 lao động người Khmer và giải quyết việc làm cho hơn 2.000 người. Đặc biệt, tỉnh thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm. Mỗi năm, tỉnh cấp hơn 190.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, giúp cho bà con có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Những chính sách trên đã giúp cho hàng nghìn hộ dân Khmer Bạc Liêu có thêm điều kiện, động lực để lao động, sản xuất, vươn lên khá, giàu. Sự phát triển, đổi thay trong đời sống đồng bào Khmer thể hiện rõ nét ở từng hộ gia đình cũng như ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh. Đó là những căn nhà tường, mái tôn ngày càng nhiều, thay thế cho những căn nhà cũ, tạm. Các con đường giao thông nông thôn, lưới điện quốc gia tỏa đến vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Tính từ năm 2016 - 2021, trung bình mỗi năm tỉnh có gần 3.000 hộ Khmer được công nhận thoát nghèo. Đến tháng 12.2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%/tổng số hộ Khmer trong tỉnh.

Ông Danh Hớt, ấp Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi chỉ có 4 công vuông. Do thiếu vốn mua con giống và diện tích đất quá ít không thả được nhiều tôm nên hiệu quả không cao. Vì vậy mà cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Nhờ được hỗ trợ vốn sản xuất 50 triệu đồng, vợ chồng tôi mướn thêm 6 công vuông để nuôi tôm và nuôi thêm heo, gà, vịt. Thu nhập mỗi năm từ 60 - 80 triệu đồng nên sau 2 năm nhà tôi được thoát nghèo. Cuộc sống gia đình giờ đây ổn định lắm”.

Đời sống tinh thần được nâng cao

Song song với công tác chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào cũng được quan tâm đúng mức. Dịp lễ, tết, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm và chúc mừng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Ban trị sự các chùa và gửi lời chúc mừng đến đồng bào Khmer. Đồng thời đầu tư kinh phí để mua sắm dàn nhạc ngũ âm, đóng mới và sửa chữa ghe ngo, đầu tư lò hỏa táng và xây dựng chánh điện cho các chùa Khmer trong tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên...

Thượng tọa Tăng Sa Vông, trụ trì chùa Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi ạy chữ cho học sinh dân tộc Khmer - Nguồn: danvan.vn
Thượng tọa Tăng Sa Vông, trụ trì chùa Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi ạy chữ cho học sinh dân tộc Khmer
Nguồn: danvan.vn

Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, có được kết quả trên, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước và Ban trị sự các chùa trong tỉnh. Đặc biệt, đó là việc chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Phật tử, người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hòa thượng Hữu Hinh - Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Chúng tôi luôn vận động các sư thường xuyên thực hiện tuyên truyền, vận động bà con, Phật tử chăm lo làm ăn để phát triển kinh tế, không dính vào tệ nạn. Với các gia đình có con em trong độ tuổi đi học thì chăm lo việc học hành. Nhà nước lo cho đồng bào Khmer nhiều thứ nên phải biết quý trọng và phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau, cùng nhau phát triển”.

Góp phần đem lại kết quả tốt đẹp trong công tác dân tộc, tôn giáo ở Bạc Liêu thời gian qua còn nhờ việc phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc và các tổ trưởng tổ tự quản các dòng tộc, tập hợp tín đồ xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và sự hưởng ứng, hăng say lao động sản xuất của bà con đã đem lại cuộc sống mới đổi thay, phát triển trong đồng bào Khmer Bạc Liêu.

Từ đầu năm đến nay, Bạc Liêu đã tổ chức các đoàn thăm, tặng quà cho 88 lượt cơ sở thờ tự nhân dịp các ngày lễ, tết của đồng bào dân tộc, tôn giáo; thăm, tặng quà cho 15 vị người Hoa tiêu biểu; tổ chức cấp, hỗ trợ Tết Chôl Chnăm Thmây cho 1.502 vị là Achar, Ban quản trị chùa, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang người dân tộc Khmer đã nghỉ hưu và đang công tác tại các cơ quan, đơn vị các cấp; thăm, tặng quà cho 162 hộ gia đình chính sách người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Vũ Văn