Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thu hẹp khoảng cách trong khu vực

- Thứ Hai, 04/07/2022, 04:05 - Chia sẻ

Đó là nhận xét của các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 19 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua danh mục các hoạt động ưu tiên trong năm 2023 của COSTI. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện một số dự án nêu trên, COSTI sẽ ưu tiên thúc đẩy triển khai dự án Xây dựng Chiến lược cơ sở hạ tầng nghiên cứu khu vực ASEAN, dự án Thiết lập nền tảng giáo dục KHCN và Xây dựng Lộ trình ASEAN cho nền kinh tế xanh trong năm 2023.

Đặc biệt, các Bộ trưởng đã dành một phần quan trọng của chương trình nghị sự để thảo luận về chủ đề “Phát huy vai trò của KHCN và ĐMST hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững” và “Thúc đẩy nền kinh tế cac-bon thấp thông qua cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0)”. Các ý kiến tham gia thảo luận đều nhấn mạnh vai trò của KHCN và ĐMST trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, các thách thức xã hội và mở ra các cơ hội phát triển kinh tế một cách toàn diện. Các đại biểu cho rằng ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò của KHCN và ĐMST nhằm thu hẹp khoảng cách trong khu vực, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nguồn nhân lực KHCN và ĐMST một cách hiệu quả, mở rộng quy mô đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương mạnh mẽ hơn, gắn kết các chính sách của ASEAN với các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Toàn cảnh Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Hội nghị nhất trí rằng, để đạt được một nền kinh tế cac-bon thấp, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến là yêu cầu cấp thiết trong việc giảm phát thải cac-bon, giúp các nước ASEAN đạt được bước phát triển công nghiệp mạnh mẽ, song hành với mục tiêu bảo vệ môi trường. Nhằm đạt được mục tiêu này, ASEAN cần nâng cao năng lực để chuẩn bị sẵn sàng cho lực lượng lao động trong việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, bên cạnh các hoạt động hợp tác phát triển hạ tầng kỹ thuật số, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam cần quan tâm thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực KH-CN, hỗ trợ người lao động từng bước thích ứng với công nghệ số.

Tin và ảnh: NHẬT ANH